.

Truyền hình Tiền Giang không ngừng phát triển

Cập nhật: 14:16, 16/09/2019 (GMT+7)

Kể từ buổi phát sóng đầu tiên cho đến hiện nay, cái lô gô THTG dần trở nên quen thuộc trên màn ảnh nhỏ của mỗi gia đình. Truyền hình Tiền Giang ra đời, hệ thống Truyền hình Việt Nam có thêm kênh thông tin cơ sở, làm cánh tay nối dài của hệ thống báo hình cả nước.

Đội ngũ quay phim Phòng Truyền hình của Đài PT-TH Tiền Giang tác nghiệp.
Đội ngũ quay phim Phòng Truyền hình của Đài PT-TH Tiền Giang tác nghiệp.

Nhìn lại nửa cuối thế kỷ trước, cùng với Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh, hệ thống truyền thanh, sóng truyền hình bắt đầu hoạt động và sớm thu hút khán giả. Kênh thông tin truyền hình đóng góp không nhỏ trong tiến trình đổi mới và thu hút khán giả gần xa. Thành quả đó bắt đầu từ sự đầu tư về cơ sở vật chất lắp đặt thiết bị và nguồn nhân lực để đi vào phát hình. Đó là một quá trình chuẩn bị khá lâu dài, bắt nguồn từ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự định hướng của Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam khoảng hơn 10 năm trước.  

Năm 1984, từ một tổ quay phim trực thuộc Sở Văn hóa và Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) được chuyển về Đài Phát thanh tỉnh để thành lập phòng truyền hình. Từ đó Đài Phát thanh Tiền Giang được đổi tên gọi là Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH) Tiền Giang. Trong giai đoạn sơ khai, với 3 máy quay phim nhựa 16 mm tiếp quản từ chế độ cũ để lại, Phòng Truyền hình đã thực hiện các tin thời sự đầu tiên gửi cộng tác với Đài Truyền hình TP. Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, lãnh đạo tỉnh đầu tư nguồn chi ngân sách nhập thêm một số thiết bị điện tử chuyên ngành cho truyền hình gồm 4 máy quay, thiết bị kèm theo và Bộ dựng hình UMATIC; đồng thời, tăng cường đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho 4 phóng viên quay phim.

Trước yêu cầu phát triển, ngày 17-10-1995, lãnh đạo tỉnh đã khởi công xây dựng các hạng mục của Dự án Khu nhà kỹ thuật phát thanh và truyền hình. Hơn 1 năm sau, chính thức là ngày 19-12-1996 Đài PT-TH Tiền Giang đã phát sóng chương trình truyền hình, với 1 máy phát hình 5kw, 2 đầu video VHS, 5 máy quay phim đời VHS, 2 bàn dựng tương ứng và 2 máy vi tính. Lực lượng phóng viên và kỹ thuật viên được bổ sung, nhất là đội ngũ quay phim, phóng viên biên tập, phát thanh viên. 

Như vậy, từ chỗ sản xuất tiền kỳ, gửi phát sóng truyền hình Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh, chỉ sau vài năm, từ thiết bị máy quay VHS, Đài PT-TH Tiền Giang đã tiếp tục đầu tư thế hệ máy quay betascam, xe màu, thực hiện được một số chương trình trực tiếp phục vụ các cuộc đại hội, mít tinh kỷ niệm quan trọng, các kỳ họp HĐND tỉnh…, kể cả một số chương trình giải trí thuộc lĩnh vực sân khấu, đưa khán giả tiếp cận thông tin một cách trực tiếp. Các hội thi: Tiếng hát măng non, Tiếng hát giải Hoàng Việt, Giọng ca cải lương giải thưởng Nguyễn Thành Châu… đã trở thành những chương trình giải trí “đinh” trên sóng truyền hình Tiền Giang thời điểm đó; đồng thời, cũng mở ra kênh thông tin gần gũi hơn với công chúng. Trọng tâm và định kỳ nhất vẫn là mảng thời sự chính luận và chuyên đề khoa giáo luôn được duy trì và nâng chất hằng năm.

Về chương trình thời sự, buổi đầu chỉ sản xuất 1 chương trình mỗi ngày với thời lượng 15 phút, đến nay đã đi vào sản xuất 3 chương trình thời sự mỗi ngày: Chương trình thời sự lúc 18 giờ 30 phút, thời lượng 19 - 20 phút; chương trình thời sự trưa, với tên gọi Tiền Giang kết nối 24 giờ, thời lượng 20 phút, được phát lại vào lúc 15 giờ cùng ngày và chương trình Tiền Giang chào ngày mới, thời lượng 5 phút, phát lúc 7 giờ mỗi ngày; tổng thời lượng cho mảng thời sự chính luận được phát sóng mỗi ngày là 45 phút. Ngoài ra, nhiều chuyên đề khoa giáo cũng đã lần lượt được mở ra, rải đều các ngày trong tuần.

Đi đôi với sự phát triển của truyền hình tỉnh, hệ thống truyền thanh cơ sở cũng đã hình thành tổ cộng tác viên truyền hình, cung cấp thông tin sự kiện tại các huyện, thành, thị và cơ sở. Nhờ vậy, có thể nói, lượng tin tức thời sự khá phong phú, kịp thời và sâu sát.

Ngoài cộng tác tin tức thời sự, hiện nay có 11/11 Đài Truyền thanh - Truyền hình (TT-TH) huyện, thành, thị đã tự chủ về kinh phí, xây dựng được chuyên đề tiếng nói địa phương phát trên sóng truyền hình tỉnh với định kỳ mỗi tháng từ 1 - 2 chương trình cho mỗi đơn vị huyện, thành, thị. Riêng Đài TT-TH TP. Mỹ Tho đã tự chủ cả khâu hậu kỳ, cộng tác mỗi tuần 1 chuyên đề, phục vụ đắc lực trong tiến trình xây dựng, phát triển đô thị Mỹ Tho.

Các đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh được xem là cộng tác viên ngành, có những đóng góp đáng kể vào lĩnh vực chuyên đề, tuyên truyền mảng mình phụ trách. Hiện nay 3 đơn vị này cũng đã tự chủ kinh phí trong sản xuất chuyên mục phát trên sóng PT-TH tỉnh, trong đó chương trình An ninh Tiền Giang còn tự chủ cả khâu sản xuất hậu kỳ và duy trì đều đặn mỗi tuần phát sóng 1 kỳ với thời lượng 15 phút.      

Hơn 20 năm phát sóng truyền hình, với đội ngũ phóng viên quay phim, biên tập viên, kỹ thuật viên và phát thanh viên… làm công tác truyền hình, cũng là ngần ấy thời gian họ vào nghề và gắn bó với nghề, cũng đủ giúp họ có được “độ chín” trong kỹ năng nghiệp vụ, trở thành nhân tố chủ lực trong các chương trình truyền hình phát sóng mỗi ngày.

Sự có mặt kênh truyền hình của Đài PT-TH Tiền Giang là tất yếu, trước nhu cầu phát triển đa dạng hóa các loại hình báo chí ở tỉnh nhà, thể hiện thành quả sau hơn 30 năm đổi mới, đáp ứng kịp thời yêu cầu tăng cường thông tin chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như nhu cầu nắm bắt thông tin, kiến thức khoa học đời sống và giải trí ngày càng cao của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

NGUYỄN VĂN PHẤN

.
.
.