Thứ Sáu, 18/10/2019, 14:09 (GMT+7)
.

Hội LHPN tỉnh Tiền Giang: Năng động giúp nhau cùng phát triển

Trải qua 89 năm, phong trào phụ nữ Việt Nam ngày càng trưởng thành và phát triển, tổ chức Hội không ngừng lớn mạnh.

Trong từng giai đoạn cách mạng, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) luôn có các hình thức vận động thích hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, những năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh luôn đoàn kết, chung sức vượt qua mọi khó khăn, tích cực tham gia nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động... đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hưng (huyện Cái Bè) tạo việc làm cho trên 800 phụ nữ.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hưng (huyện Cái Bè) tạo việc làm cho trên 800 phụ nữ.

TỰ TIN PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Chị Nguyễn Thị Thu (ấp Tân Xuân, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông) là người phụ nữ đơn thân hơn 10 năm qua. Một mình chị vừa lo cho 2 con ăn học (đứa con gái lớn đang học đại học và đứa nhỏ học lớp 6), vừa chăm sóc ba mẹ già đã ngoài 80 tuổi.

Năm 2008, từ 2 triệu đồng vay của Quỹ Phụ nữ nghèo Hội LHPN xã Phước Trung, chị Thu đầu tư nuôi vịt, rồi nuôi heo. Qua nhiều năm dành dụm, chị mua được 3 công đất ruộng. Vừa làm ruộng, chăn nuôi heo, vịt vừa nhận nấu đám tiệc đã giúp chị Thu cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, có điều kiện chăm lo gia đình và tham gia công tác Hội LHPN xã Phước Trung tốt hơn.

Còn vợ chồng ông Trần Văn Được và bà Nguyễn Thị Năm (ngụ khu phố 3, phường 10, TP. Mỹ Tho) dù tuổi đã cao nhưng vẫn phải lao động kiếm sống. Bà Năm cho biết: “Cũng nhờ có mô hình may gia công dép da mà vợ chồng bà có thêm việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.

Hằng ngày, ngoài việc làm thuê, thì vợ chồng bà Năm còn nhận dép da về may gia công tại nhà lúc rảnh rỗi. Mỗi ngày, vợ chồng bà may được khoảng 40 đôi dép, với tiền công 2.700 đồng/đôi, giúp ông bà có thêm thu nhập hằng tháng hơn 2 triệu đồng, cải thiện đáng kể cuộc sống gia đình”.

Chủ tịch Hội LHPN phường 10 Cao Thị Phương Đông cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn phường 10, may gia công dép da đang phát triển và góp phần tạo thêm việc làm mới, tăng thu nhập cho nhiều người, nhất là chị em phụ nữ. Từ đó, giúp nhiều hộ gia đình của phường vươn lên thoát nghèo.

Hay như chị Lê Thị Trinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tân Hưng (huyện Cái Bè) đã dành hết tâm huyết của mình với nghề thủ công đan lục bình để đưa HTX ngày càng phát triển và vươn xa trong xuất khẩu các sản phẩm đan lục bình đẹp, lạ và chất lượng sang các nước châu Âu.

Chị Trinh cho biết, ban đầu thành lập, HTX chỉ có vài người tham gia và gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, đầu ra của sản phẩm. Song với sự hỗ trợ vốn từ Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Tiền Giang, huyện Cái Bè thông qua các nguồn vốn vay như Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh… đã tạo điều kiện cho HTX tiếp tục phát triển đến hôm nay.

Hiện tại, HTX có 11 điểm đan lục bình ở các xã của huyện Cái Bè như An Hữu, Hòa Hưng, An Thái Trung, Mỹ Lợi B và xã Thanh Mỹ (tỉnh Đồng Tháp). Đến nay, HTX có tổng nguồn vốn trên 2 tỷ đồng, thu hút và tạo việc làm cho gần 800 chị em phụ nữ.

NHIỀU MÔ HÌNH, CÁCH LÀM HAY

Thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh đã có sự linh hoạt trong triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

Theo đó, các cấp Hội cụ thể hóa chương trình thành các phong trào, cách làm phù hợp với từng địa phương như: “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”…

Trong đó, các cấp Hội xác định hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh thông qua những mô hình hay, cách làm sáng tạo như: Tổ phụ nữ giúp nhau giảm nghèo; mô hình “Tiết kiệm nuôi heo đất”, “Hủ gạo tình thương”… thu hút đông đảo hội viên phụ nữ (HVPN) tham gia, với tổng số tiền tiết kiệm trên 473,8 triệu đồng và 3.800 kg gạo.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự thành công; tổ chức học nghề, tạo việc làm cho HVPN được các cấp Hội LHPN tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội.

Theo đó, thông qua nhiều nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh… đã hỗ trợ cho gần 6.800 lượt HVPN vay vốn, với tổng dư nợ trên 1.000 tỷ đồng; trao phương tiện sinh kế và hỗ trợ cho 53 HVPN khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, với tổng số tiền 363,5 triệu đồng…

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết: “Với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình của các cấp Hội LHPN tỉnh ngày càng phát triển, giúp HVPN ngày càng tin tưởng, gắn bó với tổ chức Hội; từ đó nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh sẽ phát huy hơn nữa vai trò cầu nối hỗ trợ hiệu quả HVPN phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng vào chương trình xóa khó, giảm nghèo và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương của tỉnh”.

P. MAI

.
.
.