Nông thôn khởi sắc từ sự đồng thuận của " Ý Đảng, lòng dân"
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Qua 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM (gọi tắt là Chương trình xây dựng NTM), bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến rõ rệt về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Một tuyến đường đạt chuẩn NTM ở huyện Cái Bè. |
75 XÃ ĐẠT CHUẨN NTM
Huyện Cái Bè là địa phương có số xã, thị trấn nhiều nhất tỉnh. Qua thời gian thực hiện Chương trình xây dựng NTM, toàn huyện có 11/24 xã đạt chuẩn NTM, đạt 45,8% tổng số xã toàn huyện. Dự kiến cuối năm 2019, huyện phấn đấu ra mắt thêm 3 xã đạt chuẩn NTM gồm Hòa Hưng, Mỹ Lương và Hậu Mỹ Bắc B, nâng số xã đạt chuẩn NTM của huyện lên 14 xã. Bình quân tiêu chí NTM đạt được trên địa bàn huyện là 15,4 tiêu chí/xã.
Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Quốc Thanh cho biết, xây dựng NTM đã góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều xã, nổi bật là đầu tư giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hạ tầng thương mại nông thôn. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn được tăng cường đầu tư, nâng cấp góp phần cải thiện đáng kể điều kiện sinh sống, sản xuất của người dân; thúc đẩy giao thương hàng hóa, nâng cao thu nhập người dân nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Huyện Cai Lậy cũng là một trong những địa phương của tỉnh thực hiện khá tốt Chương trình xây dựng NTM. Đến nay, huyện có 7/15 xã được công nhận và cho ra mắt xã NTM. Dự kiến trong quý IV-2019, huyện phấn đấu cho ra mắt thêm 3 xã NTM gồm Tân Phong, Thạnh Lộc và Long Trung. Mục tiêu của huyện Cai Lậy đến năm 2020 sẽ có 12/15 xã ra mắt NTM, số tiêu chí NTM bình quân trên địa bàn huyện đạt trên 17 tiêu chí/xã, ít nhất có 1 xã NTM nâng cao và 1 xã NTM kiểu mẫu.
Huyện Chợ Gạo phấn đấu trở thành huyện NTM vào năm 2020. (trong ảnh: Thu hoạch thanh long tại xã NTM Đăng Hưng Phước) Ảnh: Bạch Cúc |
Tính đến hết tháng 9-2019, toàn tỉnh có 75 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 63 xã so với thời điểm cuối năm 2015; số tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh trên 15,7 tiêu chí/xã, tăng 10 tiêu chí so với thời điểm năm 2010 và tăng 4,2 tiêu chí so với thời điểm cuối năm 2015.
Môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp Những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng về bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM. Tính đến tháng 8-2019, toàn tỉnh có 72/144 xã đạt Tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng xã đạt chuẩn NTM. Sở đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể các cấp thực hiện tuyên truyền và vận động người dân từng bước nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường tại hộ gia đình, khu vực công cộng, khu dân cư… Theo đó, tại các xã NTM mới, hiện trên 70% hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh; có khoảng 90% hộ gia đình tham gia cải tạo cảnh quan môi trường, trồng cây xanh, hoa kiểng trước cửa nhà; có khoảng 40% - 50% các tuyến đường chính trên địa bàn các xã được trồng hoa, thảm cỏ… ngày càng xanh - sạch - đẹp. |
HƯỚNG ĐẾN HUYỆN NTM
Hiện nay, TP. Mỹ Tho có 6/6 xã đạt chuẩn NTM. UBND TP. Mỹ Tho đang tập trung củng cố, nâng chất các tiêu chí NTM ở các xã; đồng thời, chuẩn bị thủ tục, hồ sơ theo quy định để đề nghị UBND tỉnh thẩm tra và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong quý IV-2019. Theo UBND TP. Mỹ Tho, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố phấn đấu có 3 xã NTM kiểu mẫu là Tân Mỹ Chánh, Mỹ Phong, Đạo Thạnh và 3 xã NTM nâng cao là Phước Thạnh, Trung An, Thới Sơn; thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn (các xã NTM) cao hơn 1,5 lần trở lên so với thời điểm được công nhận xã NTM; không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 100%...
Cùng với TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo đang phấn đấu để trở thành huyện NTM vào năm 2020. Hiện huyện Chợ Gạo đã ra mắt 12/18 xã NTM; còn 6 xã sẽ phấn đấu đạt chuẩn, ra mắt NTM trong năm 2019. Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Lê Văn Mỹ cho biết: “Qua thời gian xây dựng NTM, các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển toàn diện, thu nhập bình quân đầu người tăng lên theo từng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm, cơ sở vật chất trường lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học, môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp…”.
Sau thời gian triển khai Chương trình xây dựng NTM, đến nay, huyện Gò Công Đông đạt tiêu chí NTM bình quân 17,72%/xã; có 8/11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; còn 3 xã bãi ngang ven biển gồm Kiểng Phước, Phước Trung và Gia Thuận đều đạt từ 15/19 tiêu chí trở lên và phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ đạt 19/19 tiêu chí, nâng toàn huyện sẽ có 100% xã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Đối với tiêu chí huyện NTM, huyện tự đánh giá hiện đạt 6/9 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt là quy hoạch vùng huyện, giao thông và y tế - văn hóa - giáo dục.
Phát biểu tại cuộc họp gần đây về xây dựng NTM, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn cho biết: “Đối với việc thực hiện tiêu chí xây dựng huyện NTM, thì 2 huyện Chợ Gạo và Gò Công Đông phấn đấu đến giữa tháng 10-2019 sẽ đạt thêm ít nhất 2 tiêu chí nữa (giao thông, điện hoặc môi trường); nâng số tiêu chí đạt được lên 6/9 tiêu chí để đủ điều kiện đăng ký huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Các tiêu chí còn lại sẽ phấn đấu hoàn thành trong quý II-2020 và hoàn tất hồ sơ tự đánh giá để trình tỉnh thẩm tra, Trung ương thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn NTM trong quý II hoặc quý III-2020”.
Đảm bảo nguồn điện cho khu vực nông thôn Để thực hiện đạt Tiêu chí số 4 về điện trên địa bàn các xã theo kế hoạch xây dựng NTM của từng địa phương, Công ty Điện lực Tiền Giang đã huy động nhiều nguồn lực và nguồn vốn (kể cả nguồn vốn ứng ngân sách tỉnh) để thực hiện cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới lưới điện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2015 - 2018, công ty đã thực hiện đầu tư các công trình cải tạo, phát triển lưới điện nông thôn (theo Tiêu chí số 4 về điện) trên địa bàn 63 xã, với khối lượng đầu tư gồm: Đường dây trung thế dài 239,6 km, đường dây hạ thế dài 1.758,2 km; lắp mới và nâng công suất Trạm biến áp các loại với tổng dung lượng 29.170,5 kVA, vốn đầu tư khoảng 474,3 tỷ đồng. Năm 2019, công ty đang tổ chức thực hiện đầu tư các công trình cải tạo, phát triển lưới điện nông thôn theo tiêu chí số 4 trên địa bàn 30 xã, với khối lượng đầu tư gồm: Đường dây trung thế dài 237,3 km, đường dây hạ thế dài 1.037,4 km; lắp đặt và nâng công suất Trạm biến áp các loại với tổng dung lượng 26.434 kVA, vốn đầu tư khoảng 270 tỷ đồng. |
SĨ NGUYÊN