Thứ Hai, 07/10/2019, 09:32 (GMT+7)
.

Nữ cán bộ Đoàn với quyết tâm khởi nghiệp

Là một đảng viên, đoàn viên trẻ, hơn 10 năm công tác ở Thư viện Trường Đại học Tiền Giang (ĐHTG), chị Trần Thị Kim Phượng luôn lấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm mục tiêu để phấn đấu hoàn thành xuất sắc công việc. Ngoài sự nhiệt tình, nỗ lực trong công việc, chị Phượng còn được nhiều người biết đến là thanh niên trẻ mạnh dạn trong việc khởi nghiệp.

Chị Trần Thị Kim Phượng bên trang trại trồng lan Mokara của mình.
Chị Trần Thị Kim Phượng bên trang trại trồng lan Mokara của mình.

NĂNG NỔ, NHIỆT TÌNH

Trong những ngày đầu năm học mới, Thư viện Trường ĐHTG luôn tất bật công việc. Đang loay hoay sắp xếp lại số sách mới nhập về, chị Phượng nhìn chúng tôi cười tươi: “Vất vả là thế nhưng nhìn những quyển sách được sắp xếp tinh tươm chuẩn bị cho năm học mới là biết bao nhọc nhằn vơi đi”.
Năm 2011, tốt nghiệp Cao đẳng ngành Thư viện thông tin của Trường ĐHTG với tấm bằng loại Giỏi, chị Phượng được giữ lại công tác ở trường. Theo chị Phượng, việc học Bác thể hiện ngay trong công việc hằng ngày, ở cách làm việc khoa học, chính xác và rành mạch vì công tác thư viện không cho phép bất cứ sự sai sót và cẩu thả nào.

Noi gương Bác Hồ, trong thực hiện nhiệm vụ, chị Phượng luôn lấy độc giả làm trung tâm, thường xuyên cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ; rèn luyện đạo đức, lối sống và trau dồi kỹ năng giao tiếp, thái độ phục vụ; thường xuyên cập nhật, giới thiệu những cuốn sách hay, sách mới tới bạn đọc để thu hút đông đảo độc giả đến với thư viện.

Theo chị Phượng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của người làm thư viện là phải nắm chắc về kiến thức phân loại tài liệu. Thực hiện tốt việc phân loại sẽ giúp tài liệu được ngăn nắp, trật tự và logic hơn để khi tìm kiếm tài liệu được dễ dàng hơn. Để công tác thư viện của trường ngày càng thu hút sinh viên, chị đã sáng tạo ra nhiều giải pháp hay, hữu ích. Đáng chú ý trong số đó là đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường “Xây dựng văn hóa đọc cho sinh viên Trường ĐHTG giai đoạn 2016 - 2020”. Đề tài này đã đưa ra nhiều kết quả thiết thực như: Nêu và đánh giá thực trạng đọc sách của sinh viên trường; những nguyên nhân khiến sinh viên ít đến thư viện; đề xuất các giải pháp nâng cao văn hóa đọc cho sinh viên…

Là người làm công tác thư viện, chị Phượng luôn học hỏi, hoàn thiện kỹ năng phục vụ bạn đọc, với phương châm phục vụ: “Tận tình, chu đáo, trách nhiệm” bằng các dịch vụ: Đưa sách phục vụ cho sinh viên; cung cấp thông tin có chọn lọc cho người đọc, trong đó chú trọng đến các thể loại sách phục vụ như sách kỹ năng lãnh đạo, quản lý, sách văn học, luật pháp, lịch sử… để đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường.

Không chỉ hoàn thành công việc một cách xuất sắc, chị Phượng còn là một cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình. Dù bận rộn trong công việc, thế nhưng khi có hoạt động nào của Đoàn trường tổ chức chị đều tham gia với tinh thần cống hiến sức trẻ hết mình. Với vai trò là Trưởng Ban Tuyên giáo Đoàn trường ĐHTG, chị Phượng luôn nỗ lực tìm cách đưa hoạt động Đoàn, thanh niên của trường đi lên. Nhờ sự sâu sát, gần gũi, lắng nghe sinh viên, hoạt bát, năng động trong các phong trào của mình mà chất lượng thanh niên tham gia vào hoạt động Đoàn ở các Đoàn khoa, bộ môn của trường được nâng lên rõ rệt.

QUYẾT TÂM KHỞI NGHIỆP

Với tinh thần cầu tiến, dám nghĩ dám làm, đầu năm 2019, chị Phượng đã quyết định khởi nghiệp với mô hình sản xuất lan Mokara cắt cành ứng dụng công nghệ cao. Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp của mình, chị Phượng cho biết, qua tìm hiểu từ báo, đài, cũng như từ những hiểu biết của bản thân, chị nhận thấy, hiện nay tại Tiền Giang nhu cầu về lan Mokara rất lớn, trong khi thị trường cung ứng loại lan này không nhiều. Qua học tập kinh nghiệm từ các anh, chị đi trước, chị Phượng đã mạnh dạn khởi nghiệp với loại lan này.

Ban đầu, với số vốn hơn 100 triệu đồng, chị Phượng đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới phun sương và mua giống lan Mokara từ một trang trại ở TP. Đà Nẵng về trồng. Sau 2 tháng, thấy cây lan phát triển tốt, chị Phượng mạnh dạn vay vốn hơn 400 triệu đồng để mở rộng quy mô trồng lan này. Hiện nay, chị Phượng trồng hơn 3.000 cây lan Mokara.

Dù bước đầu gặp không ít khó khăn, nhưng chị Phượng vẫn không nản lòng. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng lan Mokara, chị cho biết: “Lan Mokara rất dễ trồng và rất phù hợp khí hậu ở Tiền Giang. Đặc biệt, loại lan Mokara không có sâu, rầy gây hại. Mỗi tháng, cây ra một lần hoa, mỗi cây cho ra 2 - 3 cành hoa/lần. Việc chăm sóc cây lan này cũng khá đơn giản do được ứng dụng công nghệ tưới phun tự động nên tiết kiệm khâu chăm sóc”.

Chị Phượng cũng cho biết, khoảng giữa tháng 10 này chị sẽ thu hoạch đợt đầu tiên ước tính khoảng 2.000 cành hoa, ước tính thu được khoảng 30 triệu đồng. Các tháng tiếp theo, chị ước tính thu hoạch khoảng trên 4.000 cành hoa. “Các shop hoa đang có nhu cầu hoa lan này rất cao, hiện nay có shop đến tận vườn đặt hàng. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng mô hình để tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, chủ yếu là truyền kinh nghiệm cho thanh niên” - chị Phượng chia sẻ.

Đ. PHI

.
.
.