.

Tiền Giang: Tập trung nhiều giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu

Cập nhật: 20:57, 07/10/2019 (GMT+7)

(ABO) Để chuẩn bị nội dung chương trình “Thảo luận chính sách” giữa Đại học Harvard (Hoa Kỳ) và Chính phủ Việt Nam, chiều 7-10, Giáo sư David Dapice và giảng viên, cộng tác viên của Trường Chính sách công và quản lý Fulbright có buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn và lãnh đạo các sở, ngành tiếp đoàn.

Trường Chính sách công và quản lý Fulbright có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang
Trường Chính sách công và quản lý Fulbright có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang.

Nội dung buổi làm việc xoay quanh các vấn đề: Những biểu hiện của biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; tình trạng sụt lún, nước biển dâng ảnh hưởng đến dân sinh xã hội và phát triển kinh tế của đại phương; các chính sách hiện tại trong việc ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu và các nguy cơ; công tác thích ứng biến đổi khí hậu đối với từng lĩnh vực….

Đồng chí Phạm Anh Tuấn nêu một số giải pháp ứng phó BĐKH tại Tiền Giang
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nêu một số giải pháp ứng phó BĐKH tại Tiền Giang.

Tại Tiền Giang, BĐKH thời gian qua thể hiện rõ như: Số giờ nắng, số ngày nắng nóng kéo dài và nhiệt độ trung bình năm có xu hướng tăng lên, lượng mưa trung bình năm giảm; xâm nhập mặn ngày càng đi sâu vào đất liền. Theo số liệu quan trắc, tình hình nước biển dâng trong các năm qua tăng khá mạnh….

Giáo sư David Dapice dự báo tình trạng ngập nước tại đồng bằng sông Cửu long
Giáo sư David Dapice dự báo tình trạng ngập nước tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Giáo sư David Dapice cho rằng: “Tiền Giang là tỉnh không bị ngập nhiều, nhưng thực tế khi xảy ra thì sẽ xảy ra rất sớm. Vì thế trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Tiền Giang cần có kế hoạch dự trù, ứng phó. Tỉnh cũng cần thống kê và nghiên cứu về tình trạng sụt, lún”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết: “Tiền Giang luôn đẩy mạnh công tác ứng phó với biến đổi khí hậu như: Xây dựng và phát triển Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025; tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi, ngăn mặn, thoát lũ; quyết liệt chống triều cường để bảo vệ vườn cây ăn trái; tập trung khôi phục rừng phòng hộ; kiểm soát hoạt động khai thác nước ngầm…”.

P. MAI

 

.
.
.