.

Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em

Cập nhật: 09:31, 14/11/2019 (GMT+7)

Phụ nữ và trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nên cần được bảo vệ, chăm sóc. Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều bộ luật và chính sách liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) cũng như trên cơ sở giới, bảo vệ chăm sóc trẻ em… Tuy nhiên, trong đời sống xã hội, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn còn xảy ra, thậm chí ở một số nơi còn gay gắt. Từ đó đòi hỏi sự chung tay trách nhiệm của cộng đồng để giảm thiểu, tiến tới loại trừ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương nên cần được bảo vệ, chăm sóc.									                                                             Ảnh: DUY NHỰT
Phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương nên cần được bảo vệ, chăm sóc. Ảnh: DUY NHỰT

PHỤ NỮ BỊ BẠO LỰC TRONG CHÍNH GIA ĐÌNH

Phụ nữ vẫn là nạn nhân chính của BLGĐ hiện nay, nhưng đa số thường cam chịu nên giữ kín không cho ai biết. Chính thái độ cam chịu, nhẫn nhục, che giấu của phụ nữ đã khiến mức độ bị bạo hành của họ càng nặng nề hơn. Báo cáo của ngành Tòa án, trung bình mỗi năm có trên 600 vụ ly hôn do BLGĐ, trong đó hành vi đánh đập, ngược đãi chiếm 54% trong tất cả các vụ ly hôn.

Bên cạnh thái độ cam chịu, không tố giác của chính bản thân những phụ nữ bị BLGĐ, thì thái độ dửng dưng, vô cảm của một bộ phận người dân, xem BLGĐ là chuyện riêng của người khác nên khi thấy hành vi bạo lực xảy ra đã không can thiệp, không ngăn chặn; cuộc sống kinh tế quá khó khăn, bế tắc… là những nguyên nhân dẫn đến BLGĐ. Đặc biệt, việc xử lý hành vi BLGĐ hiện nay gặp rất nhiều khó khăn dù đã có Luật Phòng, chống BLGĐ và các nghị định hướng dẫn thi hành.

Do quy trình xử lý theo quy định quá rườm rà và mất thời gian nên phần lớn những vụ bạo hành đều bị xử lý hành chính với mức phạt nhẹ nhàng hơn nhiều so với khung phạt của BLGĐ. Từ khi Nghị định 110 ngày 10-12-2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ ban hành cho đến khi hết hiệu lực thi hành vào năm 2014, toàn tỉnh chỉ xét xử 3 vụ theo Nghị định này. Và từ khi Nghị định 167 ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống BLGĐ ban hành cho đến nay vẫn có rất ít vụ vi phạm BLGĐ bị xử lý.

Tìm hiểu nguyên nhân của BLGĐ đối với phụ nữ chủ yếu là do bất bình đẳng giới, quan niệm lạc hậu của một bộ phận người dân. Người gây ra BLGĐ thường là những người chồng sa vào các tệ nạn xã hội như nghiện rượu, nghiện ma túy hoặc gia trưởng, ngoại tình, ghen tuông… Những người này thường thiếu suy nghĩ và không tỉnh táo khi xử sự các mâu thuẫn gia đình, những bức xúc trong cuộc sống hằng ngày.

TRẺ EM TRƯỚC NGUY CƠ BỊ XÂM HẠI

Tối ngày 4-11, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị K.T., 15 tuổi, ngụ xã Long Khánh, TX. Cai Lậy được chuyển tuyến từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy với chẩn đoán ban đầu là ngộ độc thuốc an thần sau khi bị hiếp dâm. Được biết, T. đang là học sinh của một trường trung học phổ thông trên địa bàn.  Vụ việc đang được các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Trước đó, một vụ xâm hại trẻ em xảy ra ở huyện Châu Thành được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là trường hợp em Ng.T.L. (14 tuổi) mồ côi cha mẹ bị chính cậu ruột xâm hại tình dục nhiều lần dẫn đến mang thai. Sự việc bị phát giác khi L. được chính người cậu ruột xâm hại đưa đến Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) để nạo phá thai, với bào thai đã 21 - 22 tuần tuổi. Đây là 2 trong số những trường hợp xâm hại trẻ em đau lòng xảy ra trên địa bàn tỉnh được phát hiện gần đây.

Theo báo cáo của UBND tỉnh tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội vừa qua, Tiền Giang hiện có gần 420 ngàn trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi, chiếm 24,4% dân số của tỉnh, trong đó có 36.307 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 201 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó có 196 nữ, 5 nam. Số trẻ em bị xâm hại theo từng hình thức được quy định tại Điều 4 và các điều khác của Luật Trẻ em gồm: 10 trẻ bị bạo lực; 181 trẻ bị xâm hại tình dục; 10 trẻ bị các hình thức gây tổn hại khác (bị cướp tài sản). Trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp trẻ em bị bóc lột, bị mua bán và bỏ rơi, bỏ mặc.

Riêng số liệu thống kê của cơ quan Công an và Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang, trong các vụ xâm hại có 7 trẻ em bị tử vong; 11 trẻ em bị thương tật; 33 trẻ em có thai và 14 trẻ em phải bỏ học do bị xâm hại tình dục; 150 trẻ em bị các tác động khác về thể chất, tinh thần do bị xâm hại. Hậu quả lớn nhất đối với trẻ em bị xâm hại là tổn thương về tinh thần và ảnh hưởng đến tương lai, dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hòa nhập với xã hội và đặc biệt là tổn thương về sức khỏe thể chất. Xâm hại trẻ em là vấn nạn nhức nhối bị xã hội lên án. Tuy nhiên, tình trạng xâm hại trẻ em hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức khác nhau.

HÀNH ĐỘNG XÓA BỎ BẠO LỰC

Những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, góp phần kiềm chế tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Một số nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp, các ngành, cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu và gắn với nguồn lực nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Ưu tiên hỗ trợ bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng nông thôn, trẻ em vùng khó khăn. Nhiều mô hình bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em được triển khai như “Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”; “Trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng”; “Trường học an toàn”; “Xây dựng và sửa đổi hương ước, quy ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới”; “Địa chỉ tin cậy”…

Tuy nhiên, hiệu quả của việc thực thi pháp luật và các mô hình phòng, chống bạo lực chưa được đánh giá một cách khách quan, tồn tại những khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế thực hiện. Vẫn còn những khoảng trống, điểm mờ pháp lý trong nỗ lực đưa ra ánh sáng những hành vi bạo hành thể xác và tinh thần, trong đó có xâm hại, lạm dụng tình dục phụ nữ, trẻ em. Kiến thức và nhận thức pháp luật về BLGĐ của người dân, cha mẹ, thầy cô giáo và những người có trách nhiệm vẫn còn hạn chế, lệch lạc.

Do đó, để phụ nữ và trẻ em được sống, học tập, làm việc trong môi trường an toàn, trước hết cần kiên quyết thay đổi nhận thức, hành vi của những thành viên trong mỗi gia đình và toàn xã hội, giúp phụ nữ nhận thức rõ quyền bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực. Còn đối với BLGĐ là vấn đề xã hội, cần lên án chứ không phải là chuyện trong nhà hay vấn đề riêng của mỗi gia đình. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần thực thi nghiêm túc quy định pháp luật, xử lý nghiêm với những người gây ra bạo lực; phối hợp các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tiến hành các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

MAI HÀ

.
.
.