.
HUYỆN GÒ CÔNG ĐÔNG:

Kết quả bước đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin

Cập nhật: 16:48, 25/11/2019 (GMT+7)

Ngày 29-3-2019, UBND huyện Gò Công Đông phát động chuyên đề thi đua “Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước” trên địa bàn huyện. Theo đó, huyện đã triển khai cho tất cả các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Qua thời gian phát động chuyên đề, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Trần Văn Thành cho biết, các đơn vị trên địa bàn huyện đều được trang bị máy tính, đảm bảo 100% cán bộ, công chức có máy tính làm việc (1 máy/người), đảm bảo cấu hình phục vụ khai thác phần mềm Quản lý văn bản và điều hành phục vụ công tác chuyên môn. Tất cả máy tính đều được kết nối đường truyền số liệu chuyên dùng và kết nối Internet đáp ứng yêu cầu phục vụ trong công tác.

Cán bộ Bộ phận Một cửa huyện Gò Công Đông giải quyết công việc trên máy tính.
Cán bộ Bộ phận Một cửa huyện Gò Công Đông giải quyết công việc trên máy tính.

Hiện UBND huyện Gò Công Đông cũng đã trang bị 1 máy tính không kết nối Internet, 1 máy in, 1 máy hủy giấy phục vụ soạn thảo văn bản và xử lý văn bản mật theo đúng quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; thực hiện sao lưu dữ liệu, bảo đảm an toàn dữ liệu định kỳ 3 tháng/lần (USB).

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng thực hiện đúng và đầy đủ quy trình xử lý văn bản đi và đến theo hướng dẫn tại Quy chế quản lý, sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành của UBND tỉnh.

Hiện nay, huyện Gò Công Đông đang ứng dụng song song việc thực hiện hộp thư công vụ của UBND tỉnh và Văn phòng điện tử trong việc gửi văn bản chỉ đạo điều hành, trao đổi thông tin. 100% cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, ban, ngành huyện, xã, thị trấn được cấp hộp thư công vụ.

Thời gian qua, các cơ quan và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gò Công Đông đã chủ động triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý và điều hành. Từ đó đã tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động nhận thức cũng như hành động của cán bộ, công chức, viên chức; góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Ngoài ra, huyện có 12/12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, Ban Quản lý Dự án và Phát triển quỹ đất, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh, UBND các xã, thị trấn được cấp chữ ký số.

Trong năm 2019, trưởng, phó các cơ quan chuyên môn thuộc huyện; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND các xã, thị trấn được cấp chữ ký số cá nhân (do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp) để áp dụng ký văn bản trên Văn phòng điện tử, hiện đã cài đặt và từng bước sử dụng.

Song song đó, với việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, công tác ứng dụng CNTT tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện được quan tâm, đẩy mạnh với việc triển khai nhiều phần mềm ứng dụng trong công tác chuyên môn và quản lý nhà nước.

Ngoài các phần mềm thông thường như soạn thảo văn bản, truy cập email, các xã, thị trấn đã ứng dụng các phần mềm chuyên ngành như quản lý danh sách hộ nghèo, quản lý hộ tịch, quản lý văn bản, kế toán ngân sách, quản lý công chức...

Bên cạnh việc triển khai phần mềm Quản lý văn bản, phần mềm Một cửa điện tử là phần mềm cho phép quản lý, theo dõi tình trạng tiếp nhận, xử lý hồ sơ của người dân tại UBND xã, thị trấn nhằm chuẩn hóa, thống nhất về quy trình, thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ, tránh tình trạng “ngâm”, thất lạc hồ sơ, cho phép công khai, minh bạch về quá trình xử lý.

Phần mềm này được triển khai trên tất cả lĩnh vực, giúp cho cán bộ cấp xã quản lý thông tin, in phiếu hẹn, báo cáo, thống kê tình hình xử lý hồ sơ một cách thuận tiện, nhanh chóng.

Nhìn chung, công tác ứng dụng CNTT ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gò Công Đông bước đầu có hệ thống, góp phần nâng cao hiệu quả công việc và thực hiện cải cách hành chính ở cơ sở.

Việc ứng dụng CNTT đã giúp chuẩn hóa quy trình làm việc, tạo phong cách hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ người dân tốt hơn. Đánh giá lại những kết quả đã đạt được, đồng chí Trần Văn Thành cho rằng: “Được sự quan tâm hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông, cũng như sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy Gò Công Đông về tăng cường ứng dụng CNTT, thời gian qua UBND huyện đã kịp thời triển khai ứng dụng, sử dụng các phần mềm ứng dụng tại các cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức sử dụng phần mềm và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phục vụ cho công việc.

Bên cạnh đó, huyện cũng đang đẩy mạnh thực hiện chủ trương ứng dụng CNTT nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan nhà nước, triển khai các chương trình, kế hoạch của tỉnh về ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, do người dân mới bắt đầu tiếp cận và sử dụng CNTT nên một số phần mềm tiếp nhận từ tỉnh khi triển khai thực tế tại huyện như: Phần mềm Đánh giá cán bộ, công chức; phần mềm Một cửa điện tử… chưa được sử dụng rộng rãi”.

Để tạo bước đột phá, phát huy vai trò động lực của CNTT trong cải cách hành chính, huyện Gò Công Đông nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung cần phát huy hơn nữa vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị đối với việc ứng dụng CNTT; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình ứng dụng CNTT, tránh chồng chéo, trùng lắp; nâng cao vai trò, năng lực của cơ quan chuyên trách CNTT; tập trung đầu tư các hệ thống thông tin dùng chung, cơ sở dữ liệu các ngành và hạ tầng kỹ thuật CNTT để hoàn thiện một cách đồng bộ, đảm bảo kết nối nội bộ, kết nối liên thông.

SĨ NGUYÊN

.
.
.