Tiền Giang đẩy mạnh tuyên truyền đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Xác định công tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm. Về lợi ích trước mắt, sẽ tạo ra thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề, tiếp cận công nghệ tiên tiến cho NLĐ; về lâu dài, sẽ góp phần phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Trong những năm qua, các cấp, các ngành và địa phương của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng kết quả đạt được còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng lao động của tỉnh.
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thăm NLĐ đang được đào tạo ngành Trang trí nội thất để đi làm việc ở Nhật Bản tại Công ty cổ phần Haindeco Saigon. |
1. Năm 2018, tỉnh Tiền Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài như: UBND tỉnh ban hành các quyết định gồm Quyết định 363/QĐ-UBND ngày 31-1-2018 phê duyệt Đề án Hỗ trợ NLĐ trên địa bàn tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018 - 2020, Quyết định 21/QĐ-UBND ngày 26-10-2018 về quy định cho vay đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 06/2018/NQ-HĐND ngày 13-7-2018 về bổ sung đối tượng chính sách được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương; Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 04-CT/TU ngày 17-9-2018 về đẩy mạnh công tác đưa NLĐ trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài. Có thể nói, với nhiều chủ trương được ban hành cho thấy sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh trong tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ tham gia đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực, thúc đẩy phong trào đi làm việc ở nước ngoài phát triển, với số lượng NLĐ tham gia ngày càng tăng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.
Ký kết hợp tác tuyên truyền, tạo nguồn lao động giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trường Trung cấp Cai Lậy và Công ty TNHH Nhân lực Mirai. |
Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tổ chức trên 60 cuộc tư vấn về công tác đưa NLĐ đi làm viêc ở nước ngoài, với gần 2.000 người tham dự. Đến thời điểm này, tỉnh có 255 NLĐ xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, đạt 170% so với chỉ tiêu (150 lao động/năm) và đạt 85% so với chỉ tiêu phấn đấu 300 lao động/năm. So với các năm trước đây, năm 2019 là năm tỉnh có số lượng NLĐ xuất cảnh làm việc ở nước ngoài cao nhất kể từ năm 2007. Cùng với số NLĐ chuẩn bị xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, dự báo năm 2019 khả năng tỉnh đạt chỉ tiêu phấn đấu về xuất khẩu lao động đã đề ra là rất cao. |
Cuối năm 2018 và những tháng năm 2019, với các chính sách mới ban hành, cấp tỉnh, huyện đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để triển khai nội dung các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ chi phí, cho vay vốn và các chương trình tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) các huyện, thị, thành, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đã phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài ký kết hợp tác tuyên truyền, tạo nguồn lao động giữa các đơn vị.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn phối hợp với các đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp huyện như Hội LHPN tỉnh, Huyện đoàn Cai Lậy, Huyện đoàn Gò Công Đông, Hội Cựu chiến binh TP. Mỹ Tho tuyên truyền về công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trong đoàn viên, hội viên.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, Sở LĐ-TB&XH thống nhất với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh vay tín chấp tối đa 100% chi phí sinh hoạt ăn ở, đi lại, khám sức khỏe và làm các thủ tục cần thiết. Theo đó, việc giải ngân cho NLĐ chia làm 2 đợt gồm 30% ngay sau khi trúng tuyển và còn lại 70% khi có Visa chính thức. Từ khi triển khai vay vốn theo Quyết định 21/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đã có 57 NLĐ làm hồ sơ vay vốn, với số tiền 5,486 tỷ đồng. Có thể nói, với chính sách hỗ trợ vay vốn như hiện nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều NLĐ đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài. |
Bên cạnh đó, tất cả các địa phương của tỉnh đều tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, tuyên truyền về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Trong đó, huyện Cái Bè phối hợp với Công ty TNHH Esuhai và Công ty TNHH Sài Gòn Inserco tổ chức tư vấn, tuyên truyền tại 10 xã trên địa bàn huyện; huyện Cai Lậy phối hợp với Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Xuất khẩu lao động Trường Sơn tổ chức tư vấn, tuyên truyền 12 cuộc tại nhiều xã của huyện; huyện Gò Công Tây phối hợp với Trung tâm Phát triển việc làm phía Nam Hiteco, Công ty TNHH Nhân lực Mirai triển khai tư vấn tuyên truyền tại các trường trung học phổ thông và một số xã của huyện; huyện Gò Công Đông phối hợp với Công ty cổ phần Haindeco Saigon tổ chức tư vấn tại các xã của huyện; TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành phối hợp với chi nhánh Công ty TNHH Newtatco tổ chức trên 15 cuộc tư vấn…
Về phía các cơ sở đào tạo đã có sự phối hợp gắn kết với các doanh nghiệp để tư vấn, đào tạo, tạo nguồn học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường tham gia đi làm việc ở nước ngoài như Trường Đại học Tiền Giang và Công ty TNHH Esuhai; Trường Cao đẳng Tiền Giang và Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Xuất khẩu lao động Trường Sơn; Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang và Công ty TNHH Nhân lực Mirai; Trường Trung cấp Cai Lậy và Công ty TNHH Nhân lực Mirai; Trường Trung cấp Gò Công và Công ty TNHH Sen Đại Dương; Trường Trung cấp kỹ Thuật Nghiệp vụ Cái Bè và Công ty cổ phần Quốc tế TIC. Các cơ sở đào tạo cũng đã liên kết đào tạo tiếng Nhật cho học sinh, sinh viên tại các trường: Đại học Tiền Giang, Cao đẳng Tiền Giang, Trung cấp Gò Công, Trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Cái Bè.
Cùng với đó, Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền như treo băng gôn, in phát tờ rơi, tài liệu; tuyên truyền trên kênh phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử về hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài…
Qua đó, giúp NLĐ nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước, chủ động lựa chọn những doanh nghiệp, đơn vị đủ tư cách pháp nhân, có uy tín, công việc ổn định, thu nhập tốt; đồng thời, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và phòng tránh thiệt hại cho NLĐ. Sở LĐ-TB&XH tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có uy tín tư vấn, tuyển chọn lao động.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các địa phương của tỉnh, các trường nhiều lần đến tham quan, tìm hiểu hoạt động, gặp gỡ các ứng viên đang học tập, đào tạo tại các doanh nghiệp nhằm nắm bắt nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho NLĐ.
2. Hiện nay, các thị trường lao động chính mà tỉnh đang thực hiện đưa NLĐ đi làm việc gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; trong đó, thị trường lao động Nhật Bản là trọng điểm, với 80% trở lên NLĐ của tỉnh tham gia thị trường này hằng năm. Đây cũng là xu hướng chung của cả nước khi Nhật Bản là thị trường lao động đứng đầu, với số lượng NLĐ Việt Nam đi làm việc tại nước này luôn cao hơn các nước khác.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2018, tổng số NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.860 người, trong đó thị trường đứng đầu về lượng tiếp nhận lao động Việt Nam có thể kể đến là Nhật Bản 68.737 người, Đài Loan 60.369 người, Hàn Quốc 6.538 người...
Điển hình một số trường hợp gia đình có người thân đi làm việc ở nước ngoài mang về nguồn thu nhập cao, tạo dựng cuộc sống khá giả, trong đó có ông Nguyễn Văn Quốc, xã Mỹ Hạnh Đông (TX. Cai Lậy) có con đi làm việc tại Nhật Bản, hằng tháng gửi về cho gia đình từ 20 đến 30 triệu đồng. Sau 3 năm, gia đình ông tích lũy gần 1 tỷ đồng, xây dựng nhà ở khang trang.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thôi, xã Tân Bình (TX. Cai Lậy) có con là anh Nguyễn Duy Tân đi làm việc tại Nhật Bản hơn 2 năm, với ngành Trang trí nội thất cho Tập đoàn Nohara đã mang về cho gia đình nguồn thu nhập từ 30 triệu đồng/tháng trở lên.
Anh Nguyễn Lê Hải Dương, xã Trung An (TP. Mỹ Tho) sau 3 năm đi làm việc ở Nhật Bản về nước đã sử dụng số tiền tích lũy mua đất xây nhà khang trang; đồng thời, với vốn tiếng Nhật có được, hiện tại anh đang đi dạy tiếng Nhật, với thu nhập khá ổn định. Hay trường hợp khác là chị Lê Thị Bé Nguyên, thị trấn Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo) sau 3 năm đi làm việc ở Nhật Bản đã tích lũy số tiền trên 700 triệu đồng và tiếp tục gia hạn làm việc tại Nhật Bản thêm 2 năm…
Có thể nói, đưa NLĐ đi làm việc hợp pháp ở nước ngoài là kênh giải quyết việc làm, xóa khó, giảm nghèo hiệu quả, tăng thu nhập cho NLĐ, mang nguồn ngoại tệ lớn về cho đất nước. Chính vì vậy, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từng bước làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về lợi ích của việc đi làm việc ở nước ngoài mang lại, để NLĐ mạnh dạn tham gia, tạo nguồn thu nhập cũng như cải thiện cuộc sống của bản thân, gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
PV