Tuyên truyền người dân thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công
(ABO) Chiều 7-11, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch về thực hiện Đề án thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Đề án). Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa chủ trì hội nghị.
Đồng chí Lê Văn Nghĩa phát biểu tại hội nghị. |
Tính đến cuối tháng 8-2019, trên địa bàn tỉnh có 240 máy ATM và 737 điểm giao dịch chấp nhận thanh toán qua POS, gần 946.000 thẻ do các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã phát hành; số lượng giao dịch thanh toán qua POS chỉ đạt 136.795 món (tương ứng hơn 894 tỷ đồng).
Trên địa bàn tỉnh có 22/28 ngân hàng thương mại thực hiện thanh toán một số hình thức dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng. Hoạt động thanh toán đối với dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu đối với dịch vụ thu tiền điện (đạt 684.510 món, với hơn 3.731 tỷ đồng), thu thuế (đạt 231.426 món, với hơn 5.277 tỷ đồng), chi trả an sinh xã hội (đạt 69.699 món, với hơn 1.250 tỷ đồng); các dịch vụ thu tiền nước và thu tiền học phí có phát sinh nhưng tỷ lệ không cao; chưa phát sinh giao dịch thanh toán viện phí qua ngân hàng.
Đồng chí Nguyễn Thị Đậm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang triển khai Kế hoạch 179 của UBND tỉnh Tiền Giang. |
Theo Kế hoạch 179 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 80% giao dịch nộp thuế thực hiện qua ngân hàng; 100% Kho bạc Nhà nước Tiền Giang và các Kho bạc Nhà nước huyện, thành, thị có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách nhà nước; 70% tiền điện và 50% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh thực hiện thanh toán qua ngân hàng; 100% trường đại học, cao đẳng trên địa bàn chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng và 80% số sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng; 50% bệnh viện trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng và 20% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng.
Các ngân hàng thương mại giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thanh toán, các chính sách về phí dịch vụ... |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Văn Nghĩa nhấn mạnh, cần tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của việc thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội, góp phần thuyết phục người dân từ bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán các dịch vụ công do nhà nước cung cấp. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử; chú trọng đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán; có sự phối hợp giữa ngân hàng với các đơn vị liên quan trong việc đảm bảo an ninh...
VĂN THẢO
.