Thứ Tư, 18/12/2019, 20:45 (GMT+7)
.

Chống hạn, mặn với tinh thần quyết liệt

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công trình ngăn mặn, trữ ngọt ở huyện Châu Thành.                                                                                                                                                                                                                                              Ảnh: NGUYỄN SỰ
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công trình ngăn mặn, trữ ngọt ở huyện Châu Thành. Ảnh: NGUYỄN SỰ

Các ngành chức năng nhận định: Mùa khô năm nay, hạn, mặn sẽ diễn biến rất phức tạp, lấn sâu vào nội đồng và kéo dài. Chính vì vậy, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và lên phương án ứng phó nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.

NGƯỜI DÂN CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Những ngày qua, người dân trồng sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) và vùng trồng cây ăn trái ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh như ngồi trên đống lửa khi nghe thông báo hạn, mặn năm nay rất phức tạp, có thể đe dọa vùng cây ăn trái. Rất nhiều người đã tất bật nạo vét mương vườn để trữ nước ngọt, mua máy đo độ mặn để theo dõi thường xuyên nguồn nước cấp vào mương vườn.

Ông Nguyễn Văn Phú (ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) trồng 7 công sầu riêng được 8 năm tuổi cho biết, mấy ngày qua gia đình ông thường xuyên xem báo, đài để nắm bắt thông tin về tình hình hạn, mặn nhằm chủ động ứng phó. Các con mương trong vườn cũng được nạo vét sâu để trữ nước ngọt. Ngoài ra, gia đình cũng đầu tư mua máy đo độ mặn và đo trước khi cho nước vào vườn tưới cây.

Ông Phú tâm sự: “Năm 2016, hạn, mặn gay gắt đã ảnh hưởng đến vùng này. Nhiều vườn không có biện pháp ứng phó đã thiệt hại khá lớn như cháy lá, rụng trái. Năm nay, người dân đã có kinh nghiệm hơn và chủ động ngay từ đầu. Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước và không chủ quan của người dân, tình hình thiệt hại sẽ không xảy ra”. Hiện vườn sầu riêng của ông Phú đang trong giai đoạn cho trái sai. Dự kiến, cuối tháng 12 này, gia đình ông sẽ thu hoạch.

Còn vùng Ngọt hóa Gò Công hằng năm đều chịu ảnh hưởng của hạn, mặn. Chính quyền địa phương và người dân nơi đây đã quen điều này. Tuy nhiên, năm nào, hạn, mặn gay gắt và người không chủ động từ trước thì bị ảnh hưởng nặng.

Bà Nguyễn Thị Bảy (ấp Xóm Chủ, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) trồng 3 công thanh long ruột đỏ được 3 năm tuổi cho biết: “Các ngành chức năng dự báo, hạn, mặn năm nay sẽ rất gay gắt. Khi nghe thông tin này, gia đình tôi đã bàn bạc sẽ mua thêm lu và xây thêm hồ để dự trữ nước. Ngoài ra, gia đình cũng mua thêm bao ni lông chứa nước ở các ao nhằm tưới cho vườn thanh long khi nước ngoài kinh không thể lấy được. Đây là giải pháp tình thế, nhưng không thể không làm. Nếu hạn, mặn kéo dài thì đành phải chịu thiệt hại”.

Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình ngăn mặn, trữ ngọt.
Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình ngăn mặn, trữ ngọt.

NHÀ NƯỚC QUYẾT LIỆT VÀO CUỘC

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang Võ Văn Thông cho biết, hiện tại, mực nước đầu nguồn sông Tiền ở mức thấp, tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm và thấp hơn rất nhiều so với năm 2015. Do đó, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở Tiền Giang trong mùa khô năm 2019 - 2020 sẽ rất cao và nghiêm trọng. Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Tiền sẽ rất cao và tăng dần.

Cụ thể, biên độ mặn 1 g/l có khả năng lấn sâu đến xã Hội Xuân (huyện Cai Lậy), cách cửa sông 80 km. Ngoài ra, ngành chức năng của tỉnh cần đề phòng xâm nhập mặn trên nhánh sông Hàm Luông lấn qua sông Tiền làm cho mặn ở khu vực cù lao Ngũ Hiệp tăng cao, dự báo mặn cao nhất ở khu vực phía Nam cù lao Ngũ Hiệp xấp xỉ 2 g/l xuất hiện vào cuối tháng 2, đầu tháng 3-2020. Tình hình hạn, mặn trên sông Vàm Cỏ Tây đến sớm, lấn sâu vào nội đồng và kéo dài, dự báo độ mặn tại Tân An (cách cửa sông 75 km) đạt 2 g/l xuất hiện vào đầu tháng 1-2020.

Trước dự báo hạn, mặn thời gian tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Mẫn cho rằng, để đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt đủ nước tưới cho gần 60.000 ha lúa đông xuân 2019 - 2020, trên 9.400 ha hoa màu và đảm bảo ngăn mặn bảo vệ 81.300 ha vườn cây ăn trái, khóm ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh, ngành Nông nghiệp kêu gọi người dân cùng với Nhà nước chủ động ứng phó ngay thời điểm này. Hiện tỉnh cũng xây dựng kế hoạch chống hạn, mặn cho vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công, vùng Dự án Bảo Định và vùng kiểm soát lũ. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Trong đó, nhiều vấn đề phải xử lý khẩn cấp như: Khuyến cáo cắt vụ đối với diện tích lúa gieo sạ sau ngày 15-12, tuyên truyền cho người dân sử dụng nước tiết kiệm, duy trì thông thoáng lòng kinh, tổ chức tốt mạng lưới thông báo mặn, chủ động ngăn mặn xâm nhập vào các vùng dự án…

Tại cuộc họp khẩn về chống hạn, mặn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng yêu cầu ngành chức năng và các huyện, thị, thành chống hạn, mặn với tinh thần quyết liệt; giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất. Các địa phương phải hạn chế hội họp hoặc tổ chức họp ngoài giờ để tập trung cho công tác chống hạn, mặn. Ngành chuyên môn xây dựng công việc cụ thể, thời gian rõ ràng, nhiệm vụ từng người, từng đơn vị trực thuộc. Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành có liên quan đến khảo sát và xử lý ngay các kiến nghị của địa phương cho công tác chống hạn, mặn; làm việc với tỉnh Long An về phương án đắp các đập ngăn mặn phía Long An để bảo vệ diện tích lúa, cây ăn trái trong nội đồng của 2 tỉnh.

Đối với nước sinh hoạt cho người dân trong thời gian tới, đồng chí Lê Văn Hưởng nghiêng về phương án vận động nhân dân mua thùng trữ nước ngọt hoặc cấp phát thùng để người dân trữ nước phục vụ cho sinh hoạt. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiến hành ngay việc khoan các giếng lớn để phục vụ khi có nhu cầu khẩn cấp, bảo vệ an ninh nguồn nước trong hệ thống kinh Sáu Ầu - Xoài Hột. Các huyện, thị phía Tây của tỉnh quan tâm đặc biệt cho công tác bảo vệ vườn cây ăn trái, trong đó địa phương mua máy đo độ mặn và thường xuyên đo mặn để cảnh báo cho người dân.

SĨ NGUYÊN

.
.
.