Thứ Năm, 05/12/2019, 08:56 (GMT+7)
.

Gò Công Tây: Hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng

Thực hiện tốt việc luân canh cây màu dưới chân ruộng nhiều hộ dân ở huyện Gò Công Tây đã nâng cao thu nhập. Ảnh: HỮU CHÍ
Thực hiện tốt việc luân canh cây màu dưới chân ruộng nhiều hộ dân ở huyện Gò Công Tây đã nâng cao thu nhập. Ảnh: Hữu Chí

Việc cắt vụ, chuyển vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng được nông dân huyện Gò Công Tây tích cực hưởng ứng do mang lại hiệu quả kinh tế, cũng như nhiều lợi ích thiết thực khác.

THAY ĐỔI TƯ DUY LÀM NÔNG

Trong những năm qua, lĩnh vực trồng trọt tại huyện Gò Công Tây có sự chuyển dịch tích cực, diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được khuyến khích chuyển dần sang các loại cây ăn trái, rau màu thích nghi với biến đổi khí hậu và phù hợp với từng vùng sinh thái.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Gò Công Tây Ngô Văn Dũng cho biết, Gò Công Tây là huyện nông nghiệp, do đó phát triển nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, xu hướng diện tích đất lúa bình quân/hộ ngày càng giảm, mà năng suất, chất lượng, giá lúa bán ra không tăng nên người trồng lúa khó có thể giàu được. Do đó, ngành Nông nghiệp phải có bước chuyển mạnh để làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân; phải thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân, những năm qua UBND huyện chỉ đạo những vùng có thổ nhưỡng thuận lợi trong sản xuất lúa thì tiếp tục sản xuất lúa nhưng phải nâng giá trị hạt gạo, giảm chi phí sản xuất thông qua áp dụng cơ giới hóa ở các khâu để người lớn tuổi vẫn có thể làm được; vận động luân canh cây màu dưới chân ruộng thành từng khu vực (dưa hấu, ớt, bắp…).

Bên cạnh đó, huyện cũng đã quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông; hỗ trợ kỹ thuật, thị trường tiêu thụ, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về cắt vụ, chuyển vụ đến người dân. Nhờ vậy, huyện đã đạt được kết quả tích cực về cắt vụ, chuyển vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

VÀ HIỆU QUẢ...

Thạnh Trị là một trong những xã thực hiện chuyển đổi cây trồng khá hiệu quả. Chia sẻ với chúng tôi, cán bộ Nông nghiệp xã Thạnh Trị Phan Thị Ngọc Hương cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng của UBND huyện. Tính lũy kế từ năm 2018 đến nay, xã đã chuyển đổi hơn 59 ha đất trồng lúa sang cây trồng các loại; trong đó, chuyển sang trồng cây ăn trái gần 18 ha, trồng cỏ gần 16 ha, trồng cây khác gần 3 ha, trồng màu chuyên canh hơn 22 ha. Ngành Nông nghiệp đã làm tốt công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật trên diện rộng, tuân thủ lịch thời vụ, khống chế được dịch bệnh, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông dân đã giúp cho họ ổn định sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nên người dân rất phấn khởi”.

Theo đồng chí Ngô Văn Dũng, cơ cấu mùa vụ huyện Gò Công Tây chủ yếu là 3 vụ lúa hoặc 2 lúa - 1 màu. Vụ đông xuân là vụ chính sản xuất lúa, với diện tích và sản lượng cao nhất trong năm. Chủ trương của tỉnh là giảm dần diện tích sản xuất lúa thu đông bằng cách chuyển sang trồng các loại hoa màu ngắn ngày cho lợi nhuận cao hơn lúa; đồng thời, đối với những khu vực khó khăn về nguồn nước thì chuyển sang trồng cây ăn trái phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng.

Kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng lũy tiến đến tháng 9-2019, huyện đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang màu, cây ăn trái, cỏ và cây khác hơn 7.608 ha; trong đó, chuyển sang trồng cây ăn trái trên 1.240 ha (mãng cầu Xiêm, thanh long, bưởi da xanh, dừa…), cỏ hơn 187 ha, cây trồng khác hơn 59 ha, cây màu chuyên canh hơn 257 ha, chuyển sang màu luân canh hơn 5.860 ha, trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao như: Dưa hấu, ớt, bắp… dưới chân ruộng theo các mô hình luân canh, xen canh.

Theo định hướng của UBND huyện, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Chính phủ về quy hoạch thành từng vùng để phát triển; định hướng cho người dân trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng ở từng vùng.

Cụ thể là vận động người dân chuyển sang cây lâu năm theo từng khu vực; phát triển cây ăn trái và rau màu theo hướng chuyên canh, gắn kết chặt chẽ sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ; hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái và rau màu tập trung ứng dụng công nghệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục mở rộng diện tích các loại cây ăn trái chủ lực của địa phương. Cùng với đó, UBND huyện sẽ tiếp tục năng động trong việc tìm thị trường tiêu thụ để người dân yên tâm sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân trong huyện...

HOÀI THU

.
.
.