Thứ Hai, 09/12/2019, 13:48 (GMT+7)
.

Phát huy hiệu quả vốn đầu tư công

Năm 2020, vốn đầu tư công ở tỉnh Tiền Giang là hơn 5.715 tỷ đồng. Tỉnh Tiền Giang đang quyết tâm nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các công trình đầu tư công.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các công trình đầu tư công.

TÍN HIỆU TÍCH CỰC

Có thể nói, xác định việc đầu tư công sẽ tạo nền tảng hạ tầng kỹ thuật, xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, do đó những năm qua, công tác đầu tư công luôn được tỉnh Tiền Giang quan tâm, tập trung thực hiện. 2019 là năm đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong công tác đầu tư công, thể hiện qua việc giải ngân nguồn vốn đạt tỷ lệ khá cao.

Theo Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Đinh Tấn Hoàng, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2019, việc đầu tư công được địa phương thực hiện rất kỹ và có kế hoạch dài hạn. Do đó, hầu hết các dự án trên địa bàn huyện khi được tỉnh ghi danh mục đầu tư công là địa phương đã có đầy đủ hồ sơ. Khi HĐND tỉnh thống nhất ghi vốn, địa phương tổ chức đấu thầu ngay. Đa phần các dự án đầu tư công do huyện, xã làm chủ đầu tư, địa phương đều vận động nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, không tốn chi phí giải tỏa, đền bù. Nhìn chung, những năm gần đây, các dự án trên địa bàn huyện đều triển khai nhanh, không bị vướng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), vốn, nhà thầu đủ năng lực. Từ những yếu tố trên, đến tháng 10-2019, huyện đã giải ngân vốn đầu tư công đạt 99%; đồng thời, đảm bảo chất lượng công trình.

Theo Sở KH-ĐT Tiền Giang, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2019 vẫn còn một số khó khăn. Cụ thể, đối với vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, tỷ lệ giải ngân đến thời điểm báo cáo còn thấp, đạt 63,9%. Đối với vốn trái phiếu Chính phủ, đặc biệt là Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang với tổng mức đầu tư 2.350 tỷ đồng là dự án nhóm A nên công tác thẩm định tác động môi trường, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các hạng mục công trình, thẩm định trang thiết bị y tế do bộ, ngành Trung ương thẩm định. Đến tháng 7-2019 dự án mới hoàn tất công tác thẩm định nên tỷ lệ giải ngân còn thấp.

 

Còn theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang, đến hết tháng 11-2019, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công các công trình do đơn vị làm chủ đầu tư đạt khoảng 93%. Đến giữa tháng 12, đơn vị sẽ giải ngân được 100% nguồn vốn được giao.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Tiền Giang, ngay sau khi được HĐND tỉnh thông qua Kế hoạch đầu tư công năm 2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH-ĐT, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan phân khai vốn cho các chủ đầu tư để triển khai thực hiện công trình, dự án. Đồng thời, liên tục chỉ đạo, đôn đốc công tác thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 thông qua các đoàn kiểm tra thực tế, các cuộc họp thành viên UBND tỉnh hằng tháng. Để công tác đầu tư công phát huy hiệu quả, UBND tỉnh đã thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác xây dựng cơ bản; tập trung điều hành quyết liệt công tác xây dựng cơ bản, tiến hành điều chuyển vốn từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có tỷ lệ giải ngân cao. Từ sự quyết tâm, trách nhiệm trên, tỷ lệ giải ngân vốn đến hết tháng 11-2019 đạt 78% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ 15,3%. Theo đó, tính đến hết tháng 11-2019, đa số các chủ đầu tư đạt tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 trên 90%, một số chủ đầu tư đạt 100%.

PHẤN ĐẤU NÂNG CAO TỶ LỆ GIẢI NGÂN VỐN

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều công trình, dự án nằm trong danh mục đầu tư công đã được tỉnh triển khai thực hiện và đi vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo của tỉnh. Nhiều công trình phát huy được hiệu quả, đặc biệt là những dự án giao thông đã tạo sự kết nối, tạo động lực trong phát triển kinh tế -xã hội.

Năm 2020, nguồn vốn đầu tư công ở tỉnh là hơn 5.715 tỷ đồng, tăng 37,4% so với năm 2019, trong đó nguồn vốn tăng thu, kết dư và huy động khác khoảng hơn 1.200 tỷ đồng. Đây là năm nguồn vốn đầu tư công ở tỉnh cao nhất. Dự kiến năm 2020, có 158 công trình khởi công mới, gồm: 54 dự án đầu tư và 104 báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Theo Sở KH-ĐT, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đến cuối tháng 3-2020 các công trình, dự án chưa triển khai thực hiện thi công sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét dừng đầu tư trong năm 2020.

Theo đồng chí Lê Văn Hưởng, đối với 3 cây cầu nằm trong danh mục đầu tư công năm 2020 để chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI (cầu Bình Xuân, Ngũ Hiệp, Trà Lọt), các địa phương cần nắm lại nguồn gốc đất của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Đồng chí Lê Văn Hưởng cũng yêu cầu lấy 3 dự án làm điểm trong công tác giải tỏa, đền bù để tạo thành một mô hình.

Quyền Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Đình Thông cho biết, để chuẩn bị chủ trương đầu tư các công trình, dự án trong năm 2020, Sở KH-ĐT đã tăng cường nhân lực cho Phòng Đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư. Trong tổng số công trình, dự án dự kiến khởi công mới năm 2020, có 38 công trình, dự án phải GPMB. Do đó, các địa phương cần chủ động và tập trung cao cho công tác GPMB, sớm khởi công dự án. Tỉnh cố gắng giải quyết mọi thủ tục đầu tư trong năm 2019, do đó trong năm 2020 chủ yếu tập trung vào công tác kiểm tra, giám sát thực tế dự án để theo dõi tham mưu UBND tỉnh thực hiện điều chỉnh vốn các công trình. Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Sở KH-ĐT sẽ tổ chức tập huấn, triển khai Luật Đầu tư công sửa đổi và các văn bản có liên quan. Song để thực hiện có hiệu quả cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ đầu tư, sở, ngành, địa phương trong công tác triển khai các dự án, giải ngân, xử lý các vướng mắc…, kể cả các dự án thuộc vốn ngân sách Trung ương.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, phát huy hiệu quả đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng yêu cầu Sở KH-ĐT xây dựng tiến độ thực hiện các dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2020. Về phần thi công, Ban Quản lý dự án (chuyên ngành của tỉnh và cấp huyện) có trách nhiệm tổ chức triển khai; phần giải tỏa, đền bù do các địa phương thực hiện. Riêng Sở Tài chính phối hợp với Sở KH-ĐT cân đối ngân sách không để thiếu vốn giải tỏa, đền bù. Đồng thời, yêu cầu các địa phương gắn công tác giải tỏa, đền bù với tiếp công dân, giải quyết khiếu nại. Ngoài ra, để các dự án thực hiện đảm bảo tiến độ, đồng chí Lê Văn Hưởng cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc đơn vị thi công thực hiện các công trình. Các chủ đầu tư phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020 (trừ một số nguồn vốn từ Trung ương)…

M. THÀNH

.
.
.