Thứ Năm, 12/12/2019, 22:43 (GMT+7)
.

Thành tựu đảm bảo quyền con người của Việt Nam là to lớn, vững chắc

Ngày 10-12-1948, tại Thủ đô Paris của nước Cộng hòa Pháp, Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) đã chính thức thông qua Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (Tuyên ngôn nhân quyền). 71 năm qua, Bản Tuyên ngôn có ý nghĩa nhân văn cao cả vẫn còn nguyên giá trị, đã và đang là mục tiêu phấn đấu của toàn thể nhân loại. LHQ đã lấy chính ngày thông qua Tuyên ngôn này làm Ngày Nhân quyền thế giới.

Đảng và Nhà nước ta luôn luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. Theo đó, những tiêu chuẩn về quyền con người càng được củng cố và phát triển, đời sống của người dân ngày càng thay đổi và được nâng cao.

Những thành tựu về xóa đói giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế thừa nhận và được coi là một tấm gương mẫu mực cho các quốc gia khác noi theo. Các quyền con người cơ bản theo pháp luật Việt Nam (Hiến pháp, các bộ luật, luật) gồm: Các quyền dân sự, chính trị; các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền tự do kinh doanh; quyền được giáo dục; quyền tham gia đời sống văn hóa và hưởng thụ các giá trị văn hóa.

Những quyền cơ bản của người dân đang ngày càng được pháp luật bảo đảm, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và những cam kết mà Việt Nam tham gia với tư cách là thành viên quốc tế và khu vực.

Với việc thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó dành toàn bộ Chương II quy định việc bảo vệ quyền con người và quyền công dân; ban hành mới nhiều luật như: Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi, Luật Tố cáo, Luật Công đoàn, Luật Khiếu nại, Luật Luật sư, Luật Phòng, chống mua bán người… đã giúp hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý về quyền con người ở Việt Nam, nhằm thực hiện tốt hơn quyền con người trên thực tế.

Với những thành tựu và uy tín của mình nên Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Hội đồng nhân quyền (HĐNQ) LHQ với số phiếu cao nhất. Sau gần 5 tháng kể từ khi Việt Nam bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) của HĐNQ LHQ khóa 26, ngày 20-6-2014, HĐNQ tại Geneva (Thụy Sĩ) đã chính thức thông qua Báo cáo UPR chu kỳ 2 của Việt Nam.

Việc bảo vệ thành công Báo cáo UPR chu kỳ II chứng tỏ Việt Nam đã có những chủ trương đúng đắn, bước đi thuyết phục, làm cho thế giới hiểu về quan điểm nhân quyền của mình với những thành tựu được cộng đồng quốc tế thừa nhận và Việt Nam có quyền tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa… theo Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị của LHQ.

Đó cũng chính là câu trả lời rõ ràng cho những tổ chức, cá nhân vẫn ấp ủ âm mưu lợi dụng nhân quyền chống lại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã phê chuẩn và gia nhập nhiều điều ước quốc tế về quyền con người, trong đó có một số công ước cơ bản như: Công ước quốc tế 1965 về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc (gia nhập từ ngày 9-6-1981); Công ước quốc tế 1966 về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (gia nhập từ ngày 24-9-1982); Công ước quốc tế 1966 về các quyền dân sự và chính trị (gia nhập từ ngày 24-9-1982); Công ước về quyền trẻ em, 1989 (phê chuẩn ngày 18-12-1982)…

Như vậy, hiện Việt Nam đã là thành viên của 7/9 Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người.  Theo Báo cáo phát triển con người năm 2019 được Chương trình phát triển LHQ (UNDP) công bố mới đây thì Việt Nam đã đạt tiến bộ tốt trong phát triển con người với tăng trưởng trung bình chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức 1,36% trong suốt giai đoạn 1990 - 2018. Điều này giúp Việt  Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới.  

Kỷ niệm 71 năm Ngày Nhân quyền thế giới, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nắm, hiểu đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thành tựu đảm bảo quyền con người của Việt Nam là to lớn, vững chắc - không ai có thể phủ nhận được; thấy được những âm mưu hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá ta của các thế lực thù địch, nhất là lợi dụng Internet, mạng xã hội. Bên cạnh đó, tuyên truyền đậm nét về những thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa (trong đó có việc cải thiện không ngừng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân), các sự kiện chính trị của cả nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng.                                                                                      

  NHƯ NGỌC

.
.
.