.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH:

Còn đó những khó khăn

Cập nhật: 21:27, 04/12/2019 (GMT+7)

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cũng như việc triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Tuy nhiên, qua kết quả giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Tiền Giang gần đây cho thấy, việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC ở một số sở, ngành, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Đoàn giám sát của Ban pháp chế HĐND tỉnh làm việc với Sở Công thương.
Đoàn giám sát của Ban pháp chế HĐND tỉnh làm việc với Sở Công thương.

NGƯỜI DÂN CHƯA MẶN MÀ

Khi sử dụng DVCTT, người dân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký, làm các TTHC, đặc biệt là tránh được nạn nhũng nhiễu, quan liêu, gây phiền hà từ những cán bộ, công chức ở cơ quan hành chính nhà nước. Người dân, doanh nghiệp, các tổ chức có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ nơi đâu có kết nối Internet. Tuy nhiên, tình trạng người dân đến bộ phận Một cửa để giao dịch các loại giấy tờ hồ sơ theo cách “truyền thống” vẫn còn chiếm tỷ lệ cao.

Tính đến tháng 10-2019, toàn huyện Gò Công Đông tiếp nhận 9.812 hồ sơ trực tuyến, giải quyết trước hạn gần 99%. Còn tại xã Tân Đông (huyện Gò Công Đông) cũng có trên 800 hồ sơ nhận trực tuyến. Nhưng qua giám sát thực tế, tất cả những hồ sơ đó đều do cán bộ tại bộ phận Một cửa hướng dẫn người dân nhập và nhập giùm người dân. Không riêng gì tại xã Tân Đông hay huyện Gò Công Đông, mà hầu hết các xã, phường, thị trấn, huyện, thành, thị đều có chung tình trạng như thế.

Theo các địa phương, nguyên nhân là do người dân không mặn mà với DVCTT. Theo đó, một bộ phận người dân chưa biết sử dụng CNTT, nếu có thì cũng chỉ biết sơ bộ, không biết sử dụng bằng cách nào nên e ngại sử dụng DVCTT, còn có thói quen muốn đến trực tiếp các cơ quan hành chính làm thủ tục cho yên tâm. Thực tế cho thấy, người dân không thể nộp hồ sơ trực tuyến được vì không “rành” Internet và cũng không có máy scan. Vì thế, hầu hết người dân đều trực tiếp đến bộ phận Một cửa nộp văn bản giấy. Để lấy điểm thi đua, cán bộ phụ trách nơi đó phải nhập (gửi) giùm người dân từ hồ sơ giấy của họ gửi.

1.347 hồ sơ được UBND phường 4 (TX. Gò Công) nhập vào phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh trong năm 2019, với tỷ lệ giải quyết trước hạn trên 62%; trong đó có 4 hồ sơ quá hạn. Hồ sơ quá hạn nguyên nhân là mạng bị lỗi nên công chức phụ trách không trả hồ sơ trên phần mềm được. Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phường 4 Lê Hồng Tân cho biết: “Khi thực hiện DVCTT, công việc của cán bộ một cửa bận rộn hơn vì người dân nộp hồ sơ phải tiến hành scan hồ sơ, nhập vào phần mềm Một cửa điện tử, mất rất nhiều thời gian”.

Bên cạnh đó, người dân cũng không mặn mà với việc gửi, nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Một phần là do người dân cũng như các tổ chức, doanh nghiệp muốn trực tiếp mang hồ sơ đi nộp và trực tiếp nhận kết quả cho yên tâm, còn gửi qua Bưu điện không an tâm và không biết khi nào tới…

ÍT THỦ TỤC THỰC HIỆN MỨC ĐỘ 3, 4

Sở Xây dựng có 39 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở đều cung cấp trên phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh. Do tính chất và đặc thù, trong 39 thủ tục trên chỉ có 1 thủ tục được cung cấp mức độ 4, số còn lại ở mức độ 3. Tổng số hồ sơ được nhập vào phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh là 653, giải quyết trước hạn đạt gần 90%.

Trong năm, sở chỉ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 chỉ có 3 hồ sơ; không có hồ sơ nào được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, nguyên nhân ít hồ sơ thực hiện ở mức độ 3, 4 là do thủ tục quản lý hoạt động xây dựng là lĩnh vực phát sinh nhiều hồ sơ.

Trong đó, nhóm thủ tục cấp giấy chứng chỉ hành nghề của cá nhân và chứng chỉ năng lực của tổ chức tham gia hoạt động xây dựng thực hiện nhiều giai đoạn. Bên cạnh đó, đối với thẩm định các dự án đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, việc ứng dụng CNTT để nộp hồ sơ trực tuyến rất thấp, do thành phần hồ sơ của các thủ tục này có nhiều tài liệu, bản vẽ kỹ thuật chuyên ngành Xây dựng (khổ A0, A1…), nên việc nộp hồ sơ trực tuyến rất phức tạp tốn nhiều chi phí và thời gian so với nộp hồ sơ giấy tại bộ phận Một cửa.

Còn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 121 TTHC thì có 84 thủ tục ở mức độ 3 và 37 thủ tục cung cấp mức độ 4. Tổng số hồ sơ tiếp nhận và trả qua dịch vụ bưu chính công ích là 452. Theo lãnh đạo các chi cục trực thuộc sở, số hồ sơ đó không hoàn toàn người dân, doanh nghiệp gửi trực tuyến, mà là người dân, doanh nghiệp trực tiếp gửi bản giấy, khi trả kết quả mới chuyển qua Bưu điện do có nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh. Mặc khác, theo quy định, có nhiều thủ tục người dân phải nộp bản chính mới được cấp hồ sơ. Có những hồ sơ nhiều đơn vị tiếp nhận và trình qua UBND tỉnh ký...

Tại Sở Công thương, trong năm sở tiếp nhận 3.480 hồ sơ trực tuyến ở mức độ 3, 4; không có hồ sơ trả qua dịch vụ bưu chính công ích. Lãnh đạo Sở Công thương cho biết, đa phần các hồ sơ nộp trực tuyến chủ yếu là những thủ tục đơn giản, không phải trả kết quả cũng như không thu phí như: Thủ tục thông báo khuyến mãi và sửa nội dung khuyến mãi. Bên cạnh đó, tại sở cũng có nhiều thủ tục mà người dân, doanh nghiệp không thể nộp trực tuyến được như: Cấp giấy cửa hàng bán lẻ xăng dầu, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm….

Nguyên tắc những tài liệu gửi trực tuyến thì các giấy tờ được gửi bằng file ảnh, bản scan đều không đảm bảo cơ sở pháp lý. Hiện nay, một số sở, ngành, địa phương đã “linh hoạt” giải quyết cho người dân, doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đối chiếu, hoặc yêu cầu nộp hồ sơ gốc để lưu.

CẦN GIẢI PHÁP VÀ THỜI GIAN

Việc sử dụng DVCTT hiện nay còn khá mới với nhiều người, nhất là người dân nông thôn. Do đó, để DVCTT phát huy hiệu quả, nhiều người biết đến, điều đầu tiên phải nói đến là công tác tuyên truyền. Thực tế cho thấy, việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Do đó, muốn xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số cần phải có giải pháp và đòi hỏi phải có thời gian, có lộ trình. Các địa phương cho rằng, các cấp, các ngành cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức tại bộ phận Một cửa; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, tổ chức hiểu.

Qua các ngày giám sát tại các sở, ngành, địa phương, các thành viên trong Đoàn giám sát của Ban pháp chế HĐND tỉnh đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNTT; từng bước khắc phục hạn chế, tồn tại; những thủ tục nào đơn giản thì tập trung thực hiện ở mức độ 4; tiếp tục kiến nghị, đề xuất các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý, điều hành, phục vụ tốt hơn cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong quá trình ứng dụng CNTT giải quyết TTHC tại đơn vị vẫn còn gặp khó khăn, mà trở ngại lớn là sự không tương thích giữa phần mềm nghiệp vụ dùng chung của Trung ương với các phần mềm của địa phương. Vì thế, Đoàn giám sát yêu cầu các đơn vị, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục kiến nghị, đề xuất các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn về việc không tương thích giữa các phần mềm.

P. MAI

.
.
.