Đổi thay Đồng Thạnh
Sau hơn 8 năm nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Đồng Thạnh (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) đã về đích NTM. Kết quả đó là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân trong xây dựng NTM.
Là xã thuần nông, trước khi triển khai xây dựng NTM, kinh tế chủ yếu của xã là nông nghiệp, với tỷ trọng chiếm trên 80%. Trong đó, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu theo phong tục tập quán và kinh nghiệm. Vì thế, hiệu quả sản xuất thấp, đời sống người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao.
Giao thông nông thôn là khâu đột phá trong xây dựng NTM ở xã Đồng Thạnh. |
NHIỀU HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN
Nhận thấy rõ những khó khăn trên, lãnh đạo xã xác định xây dựng NTM là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng với sự tham gia của toàn dân. Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động đã được xã triển khai đến nhân dân bằng nhiều hình thức, được phát động sôi nổi ở các ấp. Từ đó, phong trào Chung sức xây dựng NTM lan tỏa rộng khắp, thu hút người dân tham gia.
Ngay từ khi triển khai xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM xã đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của nội dung các tiêu chí NTM, phối hợp các đoàn thể hướng dẫn người dân tự lựa chọn những công trình ưu tiên phù hợp từng ấp, khu dân cư tham gia xây dựng NTM. Kết quả xã Đồng Thạnh đã huy động nguồn lực xây dựng NTM hơn 86,3 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp đóng góp hơn 25,5 tỷ đồng và nhân dân đóng góp gần 8 tỷ đồng.
Cơ cấu kinh tế của xã tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, xã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế của xã. Theo đó, xã ổn định diện tích trồng lúa, quy hoạch hoàn chỉnh các vùng sản xuất; nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, phát triển rau màu, luân canh cây màu với lúa để nâng cao hiệu quả trên cùng một diện tích. Xã tập trung phát triển các mô hình như Cánh đồng lớn trồng lúa, mô hình trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, trên địa bàn xã có Hợp tác xã Nông nghiệp Lợi An (thành lập năm 2016) theo Luật Hợp tác xã năm 2012 với 50 thành viên. Hợp tác xã thực hiện Cánh đồng lớn ở ấp Lợi An liên kết với doanh nghiệp Phước Thành để nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần vào sự phát triển kinh tế của xã. Bên cạnh đó, nhiều dự án, mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao đã được người dân ứng dụng, nhân rộng. Qua đó, thu nhập bình quân đầu người của xã được nâng lên đáng kể, đến nay đạt 46,72 triệu đồng/năm.
ĐỘT PHÁ HẠ TẦNG GIAO THÔNG
Phát triển giao thông được xã Đồng Thạnh chọn là khâu đột phá. Xã huy động nguồn kinh phí xây dựng giao thông hơn 33 tỷ đồng. Với đa số hộ dân sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập hằng năm còn thấp, song khi được vận động đóng góp xây dựng đường giao thông theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân trong xã tích cực đóng góp tiền của, ngày công lao động để chung tay xây dựng những tuyến đường giao thông nông thôn tạo nên diện mạo mới; cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp ở các khu dân cư.
Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Cụ thể, 3 tuyến đường: Lợi An - Bình Trinh, Thạnh Phú - Thạnh Lạc, Bắc kinh Tham Thu, với tổng chiều dài 6.830 m đều được cứng hóa đạt theo tiêu chuẩn. Xã có 4 tuyến ấp, liên ấp với tổng chiều dài hơn 5 km đạt chuẩn theo quy định.
10 tuyến đường ngõ xóm với tổng chiều dài hơn 7 km được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa... Cùng với đó, trường học, y tế, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, kiên cố; nhà cửa được chỉnh trang sạch - đẹp. Nét nổi bật là đời sống nhân dân được nâng lên; người dân đã có ý thức trong việc tham gia bảo hiểm y tế để chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe.
Đến nay, toàn xã đạt 94,5% số người tham gia bảo hiểm y tế. Bày tỏ niềm vui khi đời sống vật chất lẫn tinh thần được nâng lên, ông Phan Văn Thức (ấp Hòa Thạnh) cho biết, ông và nhân dân trong xã rất vui mừng khi thấy diện mạo nông thôn của xã có nhiều đổi thay. Từ đó, các gia đình trong xã cùng nhau hăng hái thi đua xây dựng đời sống văn hóa; thi đua lao động, sản xuất nâng cao đời sống.
Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng NTM, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Đồng Thạnh Nguyễn Văn Tỵ cho biết, trước hết xã đã tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về xây dựng NTM theo tinh thần người dân phát huy vai trò người chủ của cộng đồng dân cư trên địa bàn xã. Để duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt chuẩn, đồng chí Nguyễn Văn Tỵ cho biết, Đảng bộ và chính quyền xã tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.
KIỀU TƯỚC NGUYÊN