.
Gỡ vướng trong cấp "sổ đỏ"

Bài 2: Những bất cập từ cơ chế chính sách

Cập nhật: 14:27, 17/01/2020 (GMT+7)
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ hồ sơ Dự án VLAP.
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ hồ sơ Dự án VLAP.

Bài 1: Đã có hướng tháo gỡ

Theo đánh giá của ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trong 2 năm gần đây, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của UBND tỉnh Tiền Giang, sự nỗ lực của các ngành, các cấp liên quan, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến, tỷ lệ hồ sơ tồn đọng đã giảm. Tuy nhiên, ngành TN&MT vẫn thừa nhận chưa giải quyết được những khó khăn, bất cập đã tồn tại nhiều năm đối với công tác này.

Theo đánh giá của nhiều Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) trên địa bàn tỉnh, công tác cấp GCNQSDĐ liên quan đến hộ gia đình và cá nhân còn nhiều bất cập từ cơ chế, chính sách.

THỦ TỤC RƯỜM RÀ

Trong đó, thủ tục hồ sơ là nhiêu khê nhất. Việc cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên theo quy định; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn hạn chế, chưa đồng bộ…Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do một số văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Trung ương điều chỉnh trên lĩnh vực cấp GCNQSDĐ không phù hợp với thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung.

 
Việc giải quyết hồ sơ đất đai liên quan đến nhiều ngành, chỉ cần một ngành trễ là kéo theo cơ quan khác trễ hạn.
 
Giám đốc Chi nhánh
Văn phòng ĐKĐĐ TP. Mỹ Tho Nguyễn Thị Hồng Lê

Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) Nguyễn Thị Tuyết Vân cho rằng, qua giám sát thực tế tại các địa phương cho thấy, bộ thủ tục hành chính về cấp GCNQSDĐ hiện nay vẫn còn quá nhiều loại giấy tờ, biểu mẫu kê khai phức tạp, rườm rà, khó hiểu nên việc Trung ương quy định người dân phải trực tiếp viết hồ sơ là rất khó thực hiện. Dù có cán bộ, công chức xã hướng dẫn viết nhưng số lượng hồ sơ sai hoặc chưa đầy đủ bị Văn phòng ĐKĐĐ trả về chiếm tỷ lệ khá cao dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ ”.

Trao đổi với chúng tôi, một người dân ở xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) kể về quá trình xin đổi GCNQSDĐ của gia đình gần 5 năm vẫn chưa được cấp đổi. Anh này cho biết, ban đầu cán bộ xã hướng dẫn viết hồ sơ thủ tục, nhưng vẫn bị sai, bổ sung nhiều lần, sau đó cán bộ huyện giải thích là do Luật Đất đai thay đổi, nhiều văn bản chỉ đạo mới nên chưa giải quyết được. Theo anh, nhiều người anh quen biết đi nhiều lần vẫn không làm được nên đã bỏ cuộc.

Chị Võ Thị Phương (ấp Long Thạnh A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành) cũng cho biết, hiện nay hầu hết người dân làm giấy tờ đất đai bằng dịch vụ để tiết kiệm thời gian, công sức và tùy theo mức độ khó dễ của hồ sơ sẽ có giá khác nhau.

Từ đó phát sinh ra “cò đất” theo quy định, “cò đất” có quyền làm GCNQSDĐ khi được ủy quyền. Tuy nhiên, quy định không nêu rõ là một người được thực hiện bao nhiêu hồ sơ ủy quyền, cho nên một “cò đất” có thể làm vài chục bộ hồ sơ mà vẫn rất nhanh. Điều này không loại trừ khả năng các “cò đất” móc nối với cán bộ của cơ quan công quyền, dễ gây nhũng nhiễu, tiêu cực.

Thực tế, thủ tục hành chính về đất đai còn rườm rà phức tạp xuất phát từ việc xác định cơ sở pháp lý, do tính lịch sử, cơ sở dữ liệu; hạ tầng thông tin để quản lý đất đai đầu tư dàn trải, chậm được cập nhật, nâng cấp.

Người dân thực hiện các giao dịch dựa vào GCNQSDĐ được cấp qua nhiều thời kỳ, chưa cấp đổi lại đồng nhất trên một nền cơ sở dữ liệu thống nhất nên việc giải quyết các yêu cầu thường chậm thời gian so với quy định. Không những vậy, theo Phó Trưởng phòng Quản lý đất đai (Sở TN&MT) Phan Văn Khải Minh, hiện nay nhiều quy định từ Trung ương về cấp GCNQSDĐ bất cập.

Bí thư Đảng ủy xã Long Tiên (huyện Cai Lậy) Nguyễn Thị Xuân Thúy cho biết, thủ tục cấp “sổ đỏ” vẫn rườm rà, phức tạp, người dân ngán ngại đi làm, nên chủ yếu thuê “cò đất” làm đã tạo điều kiện cho “cò đất” có đất màu mỡ để sống mà không cần phải chịu bất cứ thuế phí gì từ Nhà nước.

GẦN 300 NGÀN THỬA ĐẤT CHƯA CHỈNH LÝ BIẾN ĐỘNG

Mặc dù việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến cấp GCNQSDĐ đã được UBND tỉnh quan tâm đầu tư và mang lại những kết quả tích cực, nhưng việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, số hóa, chỉnh lý biến động chưa hoàn chỉnh.

Tài liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai tại các huyện đã rất lạc hậu (từ những năm 1990 - 1995), có độ chính xác thấp... Việc tra cứu dữ liệu đất đai để phục vụ công tác cấp GCNQSDĐ còn hạn chế, đa số phải tìm kiếm hồ sơ bằng phương pháp thủ công làm mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tiến độ giải quyết hồ sơ (hồ sơ từ năm 2016 trở về trước).

Theo số liệu thống kê của Sở TN&MT Tiền Giang, còn khoảng 61 xã, thị trấn với 1.483 tờ bản đồ, gần 300 ngàn thửa đất chưa được chỉnh lý biến động trước khi xây dựng cơ sở dữ liệu và tích hợp toàn tỉnh. Có 40 xã với diện tích trên 73.236 ha thuộc huyện Tân Phước, huyện Châu Thành và huyện Tân Phú Đông chưa được đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính.

Bản đồ địa chính tại các khu vực quy hoạch, khu, cụm công nghiệp của huyện Gò Công Đông và một số khu, cụm dân cư chưa được tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính đang vận hành...; người dân vẫn sử dụng GCNQSDĐ cũ (trước năm 2000), chưa được cấp đổi nay đăng ký biến động.

Bên cạnh đó, phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ như: Phần mềm Một cửa điện tử liên thông, phần mềm Vilis, phần mềm Liên thông hồ sơ tính thuế thường xuyên bị lỗi, tốc độ chậm, có lúc không nhập và chuyển được hồ sơ.

Phần mềm Vilis chỉ được sử dụng trong hệ thống Văn phòng ĐKĐĐ, cấp xã không được sử dụng nên không cập nhật kịp thời các biến động đất đai trên địa bàn.

Phần mềm Liên thông hồ sơ tính thuế giữa hệ thống Văn phòng ĐKĐĐ với cơ quan Thuế chưa đồng bộ và sát với thực tế, còn một số hạn chế, như: Việc hoàn trả hồ sơ để bổ sung điều chỉnh phần mềm không có thông báo hiển thị nên không thông báo kịp thời đến người dân để bổ sung hồ sơ; phần mềm chưa được cập nhật đầy đủ các tính năng về vị trí, danh mục các tuyến đường, loại biến động... của từng loại hồ sơ cụ thể.

Ngoài ra, theo Giám đốc Chi nhánh Văn phòng ĐKDĐ TP. Mỹ Tho Nguyễn Thị Hồng Lê: “Việc giải quyết hồ sơ đất đai liên quan đến nhiều ngành, chỉ cần một ngành trễ là kéo theo cơ quan khác trễ hạn”. Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ TP. Mỹ Tho là nơi tiếp nhận và trả kết quả, nếu các cơ quan như Chi cục Thuế, Phòng Quản lý đô thị, phường, xã trễ hạn thì đơn vị phải hẹn lại, nhưng không biết hẹn đến khi nào, đây là vấn đề khó khăn nhất hiện nay của Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ TP. Mỹ Tho và chi nhánh văn phòng cấp huyện khiến cho người dân bức xúc.

THU HOÀI (Còn tiếp)

.
.
.