Thứ Hai, 20/01/2020, 12:51 (GMT+7)
.
Gỡ vướng trong cấp "sổ đỏ"

Bài cuối: Tập trung giải quyết các "nút thắt"

Bài 1: Đã có hướng tháo gỡ

Bài 2: Những bất cập từ cơ chế chính sách

Để tháo gỡ những khó khăn về cơ chế chính sách cũng như những bất cập, vướng mắc đã và đang tồn tại trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho hộ gia đình, cá nhân, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang và ngành liên quan đã và đang chỉ đạo, đưa ra các giải pháp. 

* PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH TIỀN GIANG PHẠM ANH TUẤN:

Tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng của Dự án VLAP

Đất đai là một trong những đối tượng quản lý phức tạp nhất. Những bất cập từ cơ chế chính sách, nhiều vấn đề Trung ương cũng đã nhìn thấy. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tập hợp những khó khăn, vướng mắc cũng như nhiều quy định chồng chéo, không phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có hướng tháo gỡ.

Năm 2015 khi thực hiện quy trình đăng ký cấp GCNQSDĐ qua hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) 1 cấp, lượng hồ sơ tồn đọng nhiều đến mức báo động, do trước đây hồ sơ cấp GCNQSDĐ được 11 đơn vị cấp huyện cấp, nay chuyển về VPĐKĐĐ tỉnh thực hiện, trình lãnh đạo Sở TN&MT ký, vì vậy nguồn nhân lực thẩm định, thực hiện tại VPĐKĐĐ tỉnh bị quá tải, dẫn đến lượng hồ sơ tồn đọng nhiều. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh cùng các ngành đã tập trung tháo gỡ.

Đến nay, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 95%, đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống để thực hiện công tác này. Tuy nhiên, qua kết quả giám sát cho thấy vẫn còn không ít khó khăn, nhất là đối với Dự án VLAP. UBND tỉnh cũng đã nhìn thấy và đang tập trung chỉ đạo. Đối với những bất cập về cơ chế chính sách, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành liên quan tổng hợp kiến nghị về Trung ương. Một số vấn đề thuộc thẩm quyền  của UBND tỉnh, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo Sở TN&MT xử lý dứt điểm các hồ sơ còn tồn đọng.

Trong đó, đặc biệt tập trung đối với Dự án VLAP. Bởi đây là dự án thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA, trong đó vốn đối ứng của tỉnh khoảng 40 tỷ đồng nên UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo. Qua các lần tiếp xúc PAPI, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT xây dựng kế hoạch thí điểm (giai đoạn 1) việc kiểm tra, rà soát, phân loại hồ sơ, mời người dân đến để phối hợp giải quyết hồ sơ tồn đọng của Dự án VLAP tại xã Bình Nghị (huyện Gò Công Đông). Qua thí điểm đã đạt được hiệu quả bước đầu. Sở TN&MT đã xây dựng quy trình hoàn thiện để giải quyết hồ sơ tồn đọng và dự kiến tổ chức tập huấn, nhân rộng để thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh. Hiện UBND tỉnh đang xem xét để có chủ trương phù hợp.

Đối với việc sửa đổi Quyết định 18/2018 và Quyết định 22/2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và quy định của Trung ương. Đồng thời, chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu giải quyết những hạn chế của 3 phần mềm đang áp dụng. Cùng với đó là nghiên cứu những ứng dụng mới của công nghệ thông tin vào việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, làm sao để quản lý theo hệ thống kết nối dữ liệu từ tỉnh đến cơ sở để người dân chỉ cần nhập mã hồ sơ là biết được hồ sơ giải quyết đến cơ quan nào.

* GIÁM ĐỐC SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TIỀN GIANG TRẦN VĂN DŨNG:

Tham mưu đầu tư thiết bị ứng dụng phần mềm cho cấp cơ sở

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang áp dụng 3 phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC liên quan đến cấp GCNQSDĐ gồm: Phần mềm Một cửa liên thông, phần mềm Vilis 2.0, phần mềm Liên thông hồ sơ tính thuế nên đã rút ngắn thời gian, giúp việc tiếp nhận, giải quyết, tra cứu hồ sơ nhanh, tiện lợi, hiệu quả.

Tuy nhiên, các phần mềm này vẫn còn hạn chế. Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm chuyên ngành, liên thông trong thực hiện luân chuyển, lưu trữ hồ sơ từ cấp xã đến huyện, tỉnh; tham mưu tỉnh có chính sách phù hợp trang bị thiết bị công nghệ thông tin cấp xã cho đồng bộ, để từng bước triển khai phần mềm Liên thông; nhân rộng việc áp dụng hình thức giao trả hồ sơ, GCNQSDĐ qua dịch vụ bưu chính công ích (bưu điện) trên phạm vi toàn tỉnh để giảm thời gian đi lại và chi phí cho người dân.


* PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ TN&MT TIỀN GIANG VÕ VĂN TƯƠI:

Tiếp tục chấn chỉnh tình trạng “cò đất”

Thủ tục rườm rà, phức tạp là một trong những lý do khiến cho người dân ngại trực tiếp đi làm giấy tờ đất, mà chủ yếu thuê các dịch vụ làm dẫn đến “cò đất” tồn tại. Thời gian qua, thông tin từ người dân phản ánh, việc thuê tư vấn dịch vụ làm GCNQSDĐ thì rất nhanh, còn người dân trực tiếp làm thì rất chậm và thực tế là có vấn đề này. Khi có sự tiếp tay của cán bộ, các dịch vụ làm giấy tờ đất mới có đất sống. Ngành TN&MT đã thấy và đang chấn chỉnh quyết liệt vấn đề này.

Sở TN&MT đã thành lập Tổ công tác ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn để phát hiện và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác này tại các Chi nhánh VPĐKĐĐ.

Sở TN&MT cũng tiếp tục nghiên cứu xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu địa chính, bản đồ địa chính số hóa để kịp thời chỉnh lý biến động, tra cứu dữ liệu đất đai để phục vụ công tác cấp GCNQSDĐ; tăng cường công tác kiểm tra thực hiện TTHC; nghiên cứu ban hành bộ đơn giá làm cơ sở xây dựng đơn giá dịch vụ cho công tác cấp GCNQSDĐ, đơn giá dịch vụ đo đạc lập bản đồ địa chính làm cơ sở đặt hàng cho đơn vị sự nghiệp thực hiện theo hướng đảm bảo khả năng của người dân và kinh phí hoạt động của các đơn vị. Sở tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quyết định 18/2018 và Quyết định 22/2018 cho phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

Bên cạnh đó, các ngành liên quan, các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, giúp nhân dân hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ của người sử dụng đất, thực hiện việc kê khai đăng ký cấp GCNQSDĐ và chấp hành đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định; quản lý và đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả sản phẩm dữ liệu hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật...

Ngoài ra, Sở TN& MT sẽ tiếp tục nghiên cứu kiến nghị Bộ TN&MT tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách đối với đất đai. Đồng thời, xem xét, bố trí thêm nhân sự để bổ sung cho các bộ phận còn thiếu như: Đo đạc, chỉnh lý biến động...

Tiền Giang là 1 trong 9 tỉnh của cả nước được Chính phủ, Bộ TN&MT lựa chọn và thực hiện thí điểm Dự án VLAP. Quá trình thực hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng tôi khẳng định đối với GCNQSDĐ nằm trong Dự án VALP chưa được cấp đổi vẫn có giá trị pháp lý như GCNQSDĐ bình thường, người dân có đủ quyền giao dịch theo đúng quy định pháp luật.

GIÁM ĐỐC SỞ TN&MT TIỀN GIANG PHẠM VĂN TRỌNG

THU HOÀI

.
.
.