Chúng ta có thể yên tâm trong phòng chống hạn, mặn
Đồng chí Lê Văn Hưởng trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Anh Tuấn trong buổi phát lệnh đắp đập thép kinh Nguyễn Tấn Thành. |
Hiện nay, độ mặn đang tăng và xâm nhập sâu vào nội đồng ở nhiều tuyến sông, kinh uy hiếp nhiều khu vực trồng cây ăn trái, ruộng lúa và cả nước sinh hoạt của người dân. Trước tình hình trên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã có cuộc trao đổi với Báo Ấp Bắc về công tác ứng phó với hạn, mặn của tỉnh trong thời gian qua cũng như sắp tới.
Ngày 7 và 9-2, đồng chí Lê Văn Hưởng tiến hành làm việc, kiểm tra các huyện, thị phía Đông về công tác ứng phó với hạn, mặn.
Đồng chí Lê Văn Hưởng nhấn mạnh: Ngành Nông nghiệp cần chuẩn bị ngay cột thép để trong trường hợp cống Xuân Hòa có sự cố lớn thì đóng ngay cừ thép để giữ cho được nguồn nước ngọt trong nội đồng. Đồng chí đến kiểm tra trạm bơm trên kinh Gò Xoài - Mỹ Xuân - Muôn Nghiệp (TX. Gò Công), các tuyến kinh nội đồng ở xã Tân Phước (huyện Gò Công Đông); đồng thời, yêu cầu các địa phương tiếp tục thông tin, tuyên truyền cho người dân tiết kiệm nguồn nước sản xuất, sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh nguồn nước… S.N - M.T - H. TÂM
|
Đồng chí Lê Văn Hưởng cho biết: Sau đợt hạn, mặn năm 2016, tỉnh Tiền Giang đã tập trung xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng, chống hạn, mặn; giải quyết nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân trong tỉnh. Đến nay, hệ thống cống, đập của tỉnh Tiền Giang tương đối hoàn thiện, bảo vệ hàng chục ngàn ha lúa, ngàn chục ngàn vườn cây ăn trái và hàng ngàn ha hoa màu của nông dân trong tỉnh. Ngoài ra, hệ thống cống, đập khép kín; ngăn mặn, giữ ngọt hiệu quả còn giúp cho một bộ phận lớn người dân sử dụng nguồn nước này vào sinh hoạt khi hạn, mặn gay gắt.
* Phóng viên (PV): Hạn, mặn năm nay dự báo sẽ vô cùng gay gắt, có khả năng ảnh hưởng lớn đến diện tích lúa, vườn cây ăn trái và cả nước sinh hoạt cho nhân dân. Trước nhận định và tình hình thực tế trên, xin đồng chí cho biết Tiền Giang đã và đang chuẩn bị ứng phó như thế nào?
* Đồng chí Lê Văn Hưởng: Đối với khu vực phía Đông và một phần phía Tây của TP. Mỹ Tho phụ thuộc vào hệ thống cung cấp nước của Nhà máy nước BOO Đồng Tâm, Nhà máy nước Bình Đức. Trong những ngày qua, hạn, mặn diễn biến phức tạp, độ mặn rất cao.
Tiền Giang cũng đang bị ảnh hưởng bởi việc xâm nhập mặn từ phía sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) về phía sông Tiền qua cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy). Do đó, đến thời điểm này, các cửa kinh nối từ sông Tiền vào đã bị mặn đe dọa đến nước sản xuất, đời sống của người dân.
Từ tình hình trên, UBND tỉnh đã quyết định đắp đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành. Điều này sẽ giữ được nước sinh hoạt cho một phần vùng phía Tây TP. Mỹ Tho và vùng phía Đông của tỉnh, với hơn 800 ngàn hộ dân. Đồng thời, việc đắp đập này còn góp phần giữ ngọt cho vùng từ vị trí đắp đập trở về phía huyện Tân Phước và tỉnh Long An.
Kinh Nguyễn Tấn Thành thuộc quản lý của Bộ Giao thông - Vận tải. Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã trao đổi với Bộ này và được sự thống nhất cao. Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, trong tình huống khẩn cấp phải sử dụng nguồn nước ngọt này phục vụ cho nhân dân thì tiến hành đóng đập thép.
Sau khi nước mặn qua đi, tỉnh Tiền Giang nhổ đập thép lên, việc lưu thông qua kinh này trở lại bình thường. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang nghiên cứu để xây cống cố định tại đây.
Theo dự báo, đợt triều cường tới đây sẽ là đỉnh triều mặn nhất trong năm. Vì vậy, UBND tỉnh đã tập trung, quyết tâm phải hợp long đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành trước đỉnh triều, để hệ thống nước của toàn tỉnh không bị mặn, đảm bảo đời sống, sinh hoạt của người dân được tốt hơn, đặc biệt là các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, sản xuất.
Trước thực tế hạn, mặn đang gay gắt và đe dọa nước sinh hoạt của hàng trăm ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cũng đề nghị người dân xung quanh công trình đập thép kinh Nguyễn Tấn Thành cố gắng hợp tác, hỗ trợ để đơn vị thi công hoàn thành công trình và sớm đưa vào sử dụng. Về phần đất để thi công công trình là đất của Nhà nước, không ảnh hưởng đến đất của người dân nên người dân cũng yên tâm.
* PV: Đánh giá lại công tác phòng, chống hạn, mặn của tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua đến thời điểm này, đồng chí có ý kiến gì?
* Đồng chí Lê Văn Hưởng: Với sự tập trung cao nhất của Tỉnh ủy Tiền Giang, UBND tỉnh cùng các ngành, các cấp, đặc biệt là sự hợp tác của người dân trong tỉnh nhà, công tác phòng, chống hạn, mặn đến thời điểm này đã được sự đồng tình, ủng hộ rất cao. Từ sự chuẩn bị, kinh nghiệm của những năm trước đây, đến thời điểm này, chúng ta có thể yên tâm trong phòng, chống hạn, mặn.
Trước hết, về nước sản xuất, gần 30.00 ha lúa ở khu vực phía Đông của tỉnh đang ở giai đoạn đòng, trổ, Trạm bơm Xuân Hòa vẫn còn lấy gạn nước được, Trạm bơm Bình Phan hoạt động trở lại. Do đó, nếu không có diễn biến gì khác, tình hình nước sản xuất cho toàn vùng Ngọt hóa Gò Công sẽ yên tâm hơn.
Những năm qua, hệ thống cống, đập được tỉnh đầu tư khá hoàn chỉnh cho vườn cây ăn trái ở các huyện phía Tây nên cũng tạm yên tâm.
Đối với nước sinh hoạt, khi hoàn thành việc đắp đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành đúng tiến độ thì người dân cũng yên tâm toàn bộ nước sinh hoạt từ phía Tây TP. Mỹ Tho và vùng Ngọt hóa Gò Công được đảm bảo. Nhân dân và nhà đầu tư yên tâm sinh hoạt, sản xuất…
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
SĨ NGUYÊN - MINH THÀNH (thực hiện)