Gỡ khó cho việc khan hàng khẩu trang y tế
Trước diễn biến của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra, nhiều người dân đã tìm mua khẩu trang y tế (KTYT) để bảo vệ sức khỏe dẫn đến nguồn cung mặt hàng này thiếu hụt.
Lực lượng QLTT kiểm tra việc bán KTYT tại các nhà thuốc. |
KHAN HIẾM KTYT
Theo ghi nhận của chúng tôi, thời điểm này, do nhu cầu mua KTYT của người dân tăng cao nên nguồn cung mặt hàng này đang thiếu hụt trong toàn tỉnh. Tại TP. Mỹ Tho, mặt hàng KTYT gần như “cháy” hàng. Cụ thể, vào tối ngày 12-2, tại nhà thuốc Long Châu (đường Lý Thường Kiệt, phường 4, TP. Mỹ Tho), KTYT đã hết hàng. Theo nhân viên nhà thuốc, dự kiến, ngày 13-2, KTYT mới được nhập về, song điều này cũng chưa chắc chắn. Cách đó không xa, nhà thuốc Phước Thành cũng đã treo bảng hết KTYT. Còn tại đường Ấp Bắc, các nhà thuốc như: Mai Linh, Long Châu… cũng không còn KTYT để bán cho người dân. Riêng tại cửa hàng dụng cụ y khoa Thành Công (đường Thủ Khoa Huân, phường 1, TP. Mỹ Tho), dù KTYT được bán nhưng với số lượng khá hạn chế. Một túi KTYT 20 cái được cửa hàng bán với giá 30.000 đồng. Không riêng khu vực TP. Mỹ Tho, nhiều huyện, thị trên địa bàn tỉnh cũng đang thiếu hụt nguồn cung KTYT.
Trong thời điểm khó khăn về nguồn cung ứng KTYT, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có nghĩa cử đẹp là tặng KTYT cho người dân sử dụng. Tại phòng khám Hạnh Phúc, ấp Chợ, xã Bình Đức, TP. Mỹ Tho, từ cuối tháng 12-2019 đã thực hiện tặng KTYT miễn phí cho người dân có nhu cầu nhằm khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người để phòng bệnh lây qua đường hô hấp. Bác sĩ Đỗ Quang Thành, chủ nhân của sáng kiến này cho biết, thời điểm hiện tại nguồn cung KTYT bị thiếu hụt nên mua được bao nhiêu thì anh tặng bấy nhiêu cho người dân. Hay tại cửa hàng thuốc tây Phương Linh, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy không có bán KTYT nhưng khách đến mua đều được tặng mỗi người 2 KTYT. |
Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Nguyễn Văn Bằng cho biết, trên địa bàn huyện, KTYT đang khan hiếm, phần lớn các cửa hàng thuốc đều không còn hàng để bán. Tuy nhiên, theo thông tin phản hồi từ người dân đã có một số nơi không bán khẩu trang cho khách quen nhưng bán cho khách lạ với giá cao nhằm trục lợi. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Y tế huyện điều tra nắm chứng cứ để xử lý. Riêng tại huyện Cái Bè, thông tin từ Phòng Y tế huyện, tất cả các cửa hàng dược trên địa bàn đều có KTYT để bán cho người dân sử dụng nhưng chỉ bán với số lượng ít, không có tình trạng tăng giá bán.
TÌM HƯỚNG GỠ KHÓ
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang, từ ngày 1 đến 12-2, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế để phòng bệnh Covid-19 tăng cao như: KTYT, nước rửa tay sát khuẩn, găng tay y tế… Riêng đối với mặt hàng KTYT, phần lớn các cơ sở đã hết hàng. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh mặt hàng trang thiết bị y tế có thực hiện việc niêm yết giá, bán đúng theo giá niêm yết, chưa phát hiện hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý để thu lợi bất chính.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn nhằm phát hiện kiểm tra và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi không thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, găm hàng, nâng giá quá mức nhằm trục lợi bất chính; sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là trang thiết bị y tế, các sản phẩm hàng hóa có liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh…
Giải quyết khó khăn về KTYT cho ngành Y tế trong mùa dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng đã chỉ đạo ngành Y tế thực hiện mua gom nhỏ lẻ mặt hàng này để phục vụ cho nhân viên y tế trong chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng hàng phải đảm bảo chất lượng. Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết, sở và các đơn vị trực thuộc đã cố gắng tìm nguồn cung ứng KTYT. Chỉ riêng sở đã liên hệ đến vài chục đơn vị cung ứng truyền thống và cả những đơn vị được giới thiệu, tuy nhiên nguồn cung KTYT hiện vẫn quá khó.
Lượng KTYT được bán nhỏ giọt, không đáp ứng yêu cầu. Sở đã và đang tiếp tục đeo bám các nơi sản xuất KTYT để mua hàng, có bao nhiêu KTYT mua bấy nhiêu.
Được biết, ngành Y tế tỉnh đã liên hệ với Tập đoàn Dệt may Việt Nam và đặt hàng 10 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn - loại khẩu trang có thể tái sử dụng. Khi có hàng sẽ phục vụ cho nhân viên y tế và người dân có nhu cầu. Ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân không nhất thiết phải sử dụng KTYT trong điều kiện thông thường mà có thể sử dụng khẩu trang vải cũng đáp ứng tốt nhu cầu che chắn bụi và dịch bắn từ đường hô hấp để dự phòng lây nhiễm bệnh. Việc sử dụng khẩu trang vải hay KTYT đều phải đảm bảo đúng cách thì mới cho kết quả phòng ngừa lây nhiễm tốt. Và khẩu trang vải sau khi sử dụng phải được giặt sạch bằng xà phòng và phơi nắng trước khi dùng lại.
THỦY HÀ - MINH THÀNH