"Gồng mình" chống hạn, mặn
Người dân xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông) tranh thủ bơm lấy nước. |
Những dòng kinh trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công đang dần trơ đáy, nước mặn lấn sâu vào các huyện phía Tây báo hiệu đang vào mùa cao điểm của hạn, mặn năm nay.
Mùa hạn, mặn năm nay không chỉ căng thẳng ở các huyện, thị phía Đông, mà còn nóng bỏng ở các huyện phía Tây của tỉnh do nắng gay gắt, nước mặn đến sớm và lấn sâu vào nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
CĂNG THẲNG PHÍA ĐÔNG
Trong cái nắng chói chang của mùa khô mang tính lịch sử năm nay, chúng tôi trở lại vùng Ngọt hóa Gò Công. Hơn 11 giờ trưa, chúng tôi có mặt ở xã Tân Điền, một trong những nơi có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề do thiếu nước sản xuất. Mực nước trên tuyến kinh Trần Văn Dõng gần như chạm đáy. Chạy dọc tuyến kinh này, tiếng xì xịch của hàng chục máy bơm nước chạy suốt ngày để tranh thủ chắt nước cho những trà lúa đang làm đòng, trổ bông.
Những trạm bơm dã chiến do Nhà nước đầu tư cũng hoạt động hết công suất để bơm chuyền nước cho những cánh đồng xa, nằm ven đê có khả năng thiếu nước sản xuất. Đây cũng là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng khá lớn vào mùa khô lịch sử năm 2016, nhưng năm nay có điểm khác là đến thời điểm hiện tại kinh Trần Văn Dõng vẫn còn ít nước người dân có thể tranh thủ bơm cung cấp cho cây lúa.
TRƯỞNG PHÒNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HUYỆN TÂN PHÚ ĐÔNG NGUYỄN VĂN HẢI: Nước sinh hoạt cơ bản được đảm bảo Hạn, mặn năm nay tương đương năm 2016, thậm chí có thời điểm độ mặn năm nay cao hơn so với cùng thời điểm. Tuy nhiên, độ mặn năm nay có vẻ bất thường hơn năm 2016. Chính vì thế, sau khi nhận được thông tin dự báo tình hình hạn, mặn năm 2020, huyện đã triển khai nhiều biện pháp. Theo đó, huyện đã tiến hành nạo vét 15 tuyến kinh, với tổng chiều dài khoảng 27 km để tích trữ nước trong lòng kinh phục vụ cho sản xuất; đồng thời, xin ý kiến thiết kế lắp đặt thuyền bơm để bơm lúc nước ròng vào hệ thống Phú Thạnh - Phú Đông nhưng triển khai không kịp. Do vậy, hiện nay nước sản xuất trong đồng cũng đang bước vào giai đoạn cạn kiệt, độ mặn trong đồng đã đạt đến 4‰ - 5‰ và thấp hơn mực nước so với cùng kỳ năm trước. Trước tình hình này, huyện khuyến cáo người dân bố trí lịch sản xuất cho phù hợp. Trong vùng Phú Thạnh - Phú Đông, mặc dù thiếu nước sản xuất nhưng diện tích lúa hiện nay không còn và nước hiện chỉ còn tưới cầm cự cho cây sả. Theo tính toán, chỉ khoảng 1 tháng nữa, nguồn nước trong các lòng kinh trên địa bàn sẽ cạn kiệt, nên độ mặn tiềm tàng, phèn sẽ tăng lên và sẽ thiếu nước nếu không kịp thời làm thuyền bơm bổ cấp nước ngọt vào. |
Trên cánh đồng lúa đang ôm đòng, ông Võ Văn Cò (ấp Trung, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông) nói với chúng tôi rằng, hiện tại nước còn quá ít mà lúa trên đồng mới được 60 ngày tuổi nên không biết nước có đủ đến ngày thu hoạch lúa hay không. Có điểm khác là nước năm nay có thể ít mặn hơn so với cao điểm của đợt hạn, mặn năm 2016.
Tuy nhiên, đến cao điểm mặn của năm 2016 các trà lúa đã được khoảng 70 ngày tuổi, năm nay trà lúa lại trễ hơn. Dù lượng nước trên các tuyến kinh nội đồng thời gian gần đây tương đối ít nhưng cũng đủ bơm lên ruộng nhờ vào việc Nhà nước đầu tư hệ thống bơm dã chiến ở các kinh sườn.
“Nhà nước hỗ trợ bơm chuyền ở các tuyến kinh sườn đã giúp cho nông dân rất nhiều, nếu không có việc hỗ trợ này chắc chắn đồng ruộng sẽ khô cạn. Gia đình tôi còn khoảng 1,6 ha lúa khoảng 30 ngày nữa cho thu hoạch, nên rất mong đủ lượng nước đến thời điểm lúa chín”- ông Cò cho biết.
Không chỉ huyện Gò Công Đông, nhiều diện tích lúa trên địa bàn huyện Gò Công Tây cũng đang bước vào giai đoạn cần nước. Chiều 10-2, chạy dọc tuyến kinh N8, kinh 14 thuộc xã Yên Luông, Thạnh Trị… hàng chục máy bơm nước cũng đang hoạt động, nhiều đập dã chiến cũng được triển khai để trữ nước.
Trao đổi nhanh khi kiểm tra thực tế tại xã Thạnh Trị, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê cho biết, công tác phòng, chống hạn, mặn đang được huyện tập trung rất quyết liệt. Trong điều kiện độ mặn tại cống Xuân Hòa quá cao, không thể lấy nước liên tục, người dân địa phương đã tích cực bơm để dự trữ nước trên ruộng. Hiện nhiều diện tích lúa trên địa bàn huyện còn khoảng 15 - 20 ngày nữa mới có thể cắt nước, nên tiếp tục cần lượng nước đủ lớn.
Nếu làm được điều này, chắc chắn sẽ giữ được năng suất, chất lượng của vụ lúa đông xuân năm nay. Với trà lúa như hiện tại, tỉnh và huyện đang tập trung các phương án tốt nhất như nạo vét các tuyến kinh nội đồng, bơm chuyền 2 cấp để giữ năng suất, chất lượng lúa và các trà lúa cũng đang phát triển rất tốt. Toàn huyện có khoảng 9.500 ha lúa đông xuân, có một số nơi lúa đã chín trong tuần này sẽ thu hoạch khoảng 200 ha.
“Tôi nghĩ rằng tình hình hạn, mặn hiện nay sẽ giúp cho nông dân tính toán lại cơ cấu mùa vụ, từ đó sẽ đảm bảo đủ nước sản xuất. Nếu mực nước và độ mặn như hiện nay, tôi nghĩ chỉ cần 1 đến 2 đợt lấy nước nữa thì chắc chắn diện tích lúa đông xuân sẽ không đến nỗi bị thiệt hại” - đồng chí Lê Văn Nê cho biết thêm.
NÓNG BỎNG PHÍA TÂY
Trong đợt hạn, mặn này, các huyện, thị phía Tây của tỉnh cũng không kém phần “nóng bỏng” do tác động của nước mặn đến sớm và lấn sâu vào nhiều khu vực, có khả năng ảnh hường lớn đến sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt là đối với các vườn cây ăn trái chuyên canh của tỉnh. Chính vì thế, giải pháp ngăn mặn bảo vệ vườn cây ăn trái đã và đang được tập trung thực hiện.
Anh Nguyễn Văn Thành (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) trồng khoảng 6 công sầu riêng vừa thu hoạch cách nay ít ngày. Do mặn xâm nhập nên vườn sầu riêng không có nước tưới.
Theo anh Thành, với độ mặn như hiện nay, người dân không thể lấy nước để tưới cho các vườn cây ăn trái, phải ngưng tưới cho đến qua đợt mặn này. Để tránh mặn xâm nhập vào vườn, anh đã lấp cống lấy nước.
Còn theo ông Nguyễn Văn Ấn (ấp Đông Hòa, xã Tam Bình), trước việc mặn xâm nhập sâu, gia đình ông cũng như nhiều nhà vườn khác đã trữ nước trong mương để tưới theo dạng phun sương mới có thể cầm cự được vườn cây ăn trái. Tuy nhiên, thời gian tới, nếu độ mặn ở sông không giảm, không thể lấy nước thì ông sợ không có nước để tưới cho vườn cây.
Trước tình hình diễn biến phức tạp do mặn hiện nay, trao đổi với phóng viên vào sáng 11-2, Chủ tịch UBND xã Tam Bình Đặng Văn Lâm cho biết, để chủ động ứng phó tình trạng xâm nhập mặn, từ cuối năm 2019, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ đến tận các ấp và người dân trên địa bàn.
Trong đó, xã tập trung tuyên truyền về các giải pháp phòng, chống mặn xâm nhập để người dân trên địa bàn biết và có cách phòng, chống hiệu quả. Bên cạnh đó, xã còn vận động người dân nạo vét các mương trong vườn, trục vớt lục bình khơi thông dòng chảy các tuyến kinh do xã quản lý. Đồng thời, xã cũng tuyên truyền người dân trang bị các máy đo độ mặn để chủ động trong việc lấy nước tưới cho vườn cây ăn trái.
Theo đồng chí Đặng Văn Lâm, trên địa bàn xã có 12 ô đê bao, 31 cống do xã quản lý. Theo đó, 8 cống có khẩu độ từ 2,5 - 3 m xã đã đề xuất huyện hỗ trợ kinh phí và được tạm giao kinh phí để khẩn trương gia cố giữ không cho mặn xâm nhập và trữ ngọt. Các cống này hiện đã thực hiện tốt việc ngăn mặn xâm nhập.
Hiện mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng của xã, hầu hết các tuyến kinh trên địa bàn đã bị mặn xâm nhập. Đến sáng 11-2, độ mặn đo được tại khu vực cầu Cây Còng là trên 3,4 g/l, cầu Hai Tân gần 3 g/l, khu vực bến phà Tam Bình gần 2,5 g/l.
“Hiện người dân trên địa bàn xã đã ngưng tưới nước cho các vườn cây ăn trái và tiếp tục theo dõi diễn biến của mặn. Nếu đợt triều kém tới đây, độ mặn giảm xã sẽ phát động cho người dân giữ nước tưới cho vườn cây. Thời điểm này, mặn đã ít nhiều ảnh hưởng đến các vườn cây ăn trái ở xã; bởi sau khi thu hoạch trái, cây đã suy kiệt nhiều cộng với việc không có nước tưới nên một số vườn cây đã ảnh hưởng như bị héo lá… Hiện tại, xã Tam Bình được huyện trang bị 3 máy đo độ mặn. Trung bình mỗi ngày có khoảng 30 hộ dân mang mẫu nước đến UBND xã nhờ đo độ mặn”- đồng chí Đặng Văn Lâm cho biết.
Diễn biến của hạn, mặn hiện rất phức tạp nhưng nhờ tập trung thực hiện nhiều giải pháp của tỉnh và địa phương sẽ góp phần giảm thiểu những tác động do hạn, mặn gây ra. Hy vọng, việc “gồng mình” chống hạn, mặn của các cấp, các ngành và người dân sẽ mang lại hiệu quả tích cực…
A. PHƯƠNG - M. THÀNH