Thứ Hai, 17/02/2020, 10:57 (GMT+7)
.
NGHỀ THỦ CÔNG Ở HUYỆN TÂN PHÚ ĐÔNG:

Giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông nhàn

Thời gian qua, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang nỗ lực nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) góp phần giải quyết tình trạng lao động nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho người dân. Trong đó, các nghề thủ công ở khu vực nông thôn được huyện chú trọng.

Nghề bó chổi đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông nhàn trong vùng.                                   Ảnh: M. THÀNH
Nghề bó chổi đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông nhàn trong vùng. Ảnh: M. THÀNH

Trên địa bàn huyện Tân Phú Đông hiện có 92 cơ sở sản xuất CN-TTCN, giá trị sản xuất trong năm 2019 hơn 25 tỷ đồng. Trong đó, có 15 cơ sở gia công mặt hàng đan ghế nhựa xuất khẩu, tạo việc làm cho gần 300 lao động nông nhàn, với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Trong năm 2019, huyện đã thành lập đưa vào hoạt động cơ sở may công nghiệp Phú Thạnh (xã Phú Thạnh) và cơ sở may công nghiệp Kim Phượng (xã Tân Phú), giải quyết việc làm cho 90 lao động, với mức lương từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng, nâng đến nay toàn huyện có 19 cơ sở may công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho gần 500 lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Trên địa bàn huyện còn có nghề bó chổi que dừa. Đây là nghề thủ công có từ lâu, được người dân trong huyện lưu giữ. Trong đó, riêng ấp Giồng Keo (xã Phú Thạnh) có khoảng 50 hộ dân hành nghề bó chổi que dừa.

Thời gian qua, chổi que dừa thường xuyên cải tiến mẫu mã, chất lượng nên giá tương đối ổn định. Với bình quân bó được từ 30 đến 40 cây chỗi/ngày, mỗi người bó chổi có thể thu nhập trên dưới 200 ngàn đồng/ngày. Nghề bó chổi đã góp phần giải quyết việc làm, giúp tăng thu nhập cho nhiều lao động nông nhàn trong vùng.

Nếu như ấp Giồng Keo phát triển nghề bó chổi thì ấp Tân Định (xã Tân Thới) phát triển đa dạng nghề thủ công. Ấp có 150 hộ dân làm nghề thủ công, chiếm gần 60% so với tổng số hộ trong ấp, gồm các nghề như xe nhang, bó chổi, đan lát, lục bình, ghế nhựa, may gia công...

Phần lớn các mặt hàng thủ công được sản xuất tại đây để xuất khẩu, nên đầu ra khá ổn định, bảo đảm được thu nhập cho người lao động. Nghề xe nhang cũng phát triển khá ổn định. Với mức thu nhập bình quân mỗi lao động khoảng 2 triệu đồng/tháng, nhiều hộ ổn định cuộc sống, nâng cao mức sống nhờ làm nghề thủ công này.

Hiện trên địa bàn huyện còn có nghề thủ công rất phổ biến, thu hút khá đông lao động nông nhàn tham gia là lắp đầu quẹt ga. Bình quân một người cao tuổi cũng có thể lắp được từ 15 đến 20 kg đầu quẹt ga/ngày, có thêm thu nhập vài chục ngàn đồng phục vụ sinh hoạt gia đình.

Để tạo điều kiện giúp địa phương phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, thời gian qua, Quỹ Khuyến công tỉnh đã hỗ trợ vốn cho một cơ sở  sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng đã thành lập được một số mô hình kinh tế hợp tác như tổ hợp tác xe nhang, tổ hợp tác may gia công…

Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn về vốn và nhân lực, nên hoạt động của các tổ hợp tác đạt hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là các cấp, các ngành chức năng  cần quan tâm hỗ trợ để các cơ sở sản xuất CN-TTCN cũng như các hộ gia đình làm nghề thủ công mở rộng quy mô sản xuất.

Trước mắt là củng cố, nâng chất và thành lập thêm các tổ hợp tác để các nghề thủ công truyền thống ở huyện có điều kiện phát triển bền vững, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn và cải thiện thu nhập cho người dân địa phương.

HỮU DƯ

.
.
Đơn hàng thực tập sinh nhật bản Tìm kiếm cơ hội việc làm trên VietnamWorks
.