Nông dân chủ động lấy nước cứu cây
Người dân thuê xe chở nước ngọt về trữ trong tấm bạt để tưới cho sầu riêng. |
Trước tình hình hạn, mặn gay gắt, hàng chục ngàn ha vườn cây ăn trái ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh đang đứng trước nguy cơ bị thiệt hại. Để cứu cây, nhiều người dân đã mua nước ngọt từ các sà lan, xe ba gác máy… về “giải khát” cho cây.
Đối với nông dân trồng cây ăn trái và trồng lúa đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn, mặn thì nước ngọt giờ đây còn quý hơn vàng. Trong những ngày qua, người trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy và huyện Cái Bè như ngồi trên đống lửa vì bị mặn bao vây. Cây không có nước ngọt, cành bắt đầu rụng lá.
CHỦ ĐỘNG NHIỀU GIẢI PHÁP
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc (ấp Bình Ninh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) trồng 0,7 ha sầu riêng; trong đó, có 0,3 ha được 15 năm tuổi, 0,4 ha được 1 năm tuổi cho biết, sau khi độ mặn tăng nhanh và xâm nhập vào nội đồng, vườn sầu riêng của gia đình bà đã phải ngưng tưới nước cách nay hơn 1 tháng. Những cây lâu năm thu hoạch sau tết nhưng không được tưới nước đã bắt đầu chết nhánh, rụng lá; còn những cây trồng mới cũng đang héo lá dần…
Vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh xuống giống 57.604 ha. Trong đó, vùng Ngọt hóa Gò Công xuống giống 24.477 ha, đã thu hoạch 844 ha, năng suất 6,8 tấn/ha, sản lượng 5.739 tấn. Trà lúa còn lại trong giai đoạn chín là 11.665 ha, chín sáp 2.134 ha, trổ 9.834 ha (trong đó, 2.270 ha xuống giống sau ngày 15-12-2019). Theo ngành Nông nghiệp, 13.799 ha đang trong giai đoạn chín thì đảm bảo thu hoạch an toàn. Đối với 9.834 ha đang trổ thì có 5.500 ha đã vào chắc, 4.339 ha có khả năng bị ảnh hưởng năng suất, trong đó có 2.270 ha xuống giống sau ngày 15-12-2019 và những diện tích này ở xa nguồn nước nên có khả năng bị thiệt hại nặng. Những địa phương có diện tích lúa bị ảnh hưởng hạn, mặn là: Huyện Gò Công Đông khoảng 1.200 ha, huyện Gò Công Tây trên 1.800 ha, TX. Gò Công có 1.222 ha, huyện Chợ Gạo khoảng 172 ha… |
Thấy vậy, ngày 26-2, gia đình bà thuê xe ba gác máy chở nước ngọt, mỗi chuyến 2.000 lít, với giá 150 ngàn đồng về “giải khát” cho cây. Bà Cúc tâm sự: “Thấy cây đang chết dần, gia đình rất nóng ruột. Chúng tôi đã tìm rất nhiều cách để cứu cây nhưng hiệu quả mang lại không cao. Bởi diện tích vườn nằm xa đường lớn nên việc vận chuyển nước gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, việc thuê xe chở nước ngọt lúc này không phải dễ”.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Tam Bình Đặng Văn Lâm cho biết, toàn xã có 1.600 ha, trong đó diện tích sầu riêng chiếm 1.500 ha. Sau một thời gian dài địa phương và ngành chức năng yêu cầu người dân không dùng nước kinh tưới cây vì mặn ở mức độ cao, hầu hết các vườn cây ăn trái đều bị “khát”, đặc biệt là các diện tích cho thu hoạch sau tết. Hiện nhiều vườn cây ăn trái không được tưới nước ngọt đã có dấu hiệu héo, vàng lá. Để cứu cây, nhiều hộ dân trồng cây ăn trái ở gần tuyến kinh lớn thuê sà lan chở nước ngọt, với giá 40 - 70 ngàn đồng/m3 về tưới cho cây. Những diện tích ở xa tuyến kinh, sà lan không bơm nước ngọt đến được thì gia đình thuê xe ba gác máy chở nước để “giải khát” cho cây. Tuy nhiên, đây là giải pháp tình thế. Nếu khoảng 10 - 15 ngày nữa, nước ngọt không về được, nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn, đặc biệt là các diện tích nằm sâu bên trong sẽ bị chết.
Xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) là vùng chuyên canh cây sầu riêng (loại cây trồng mẫn cảm với mặn) nhưng chưa có đê bao khép kín hoàn chỉnh. Hiện nay, nước mặn đã bao quanh cù lao này và ở mức cao, người dân nơi đây đã phải thuê sà lan chở nước về “giải khát” cho cây.
Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp Đỗ Quốc Khánh cho biết, trong một thời gian dài, mặn bao phủ trên địa bàn xã. Đến thời điểm này, độ mặn cao nhất vượt ngưỡng 7 g/l, thấp nhất cũng trên 2,6 g/l. Với khoảng 1.500 ha sầu riêng của 4.500 hộ, người dân chỉ trữ nước tưới được khoảng 100 ha. Tuy nhiên, thời điểm này, nước ngọt trong vườn cũng đã cạn kiệt. Trước tình hình trên, địa phương đã phát động người dân mua túi ni lông về trải trong vườn và mua nước ngọt về dự trữ để tưới cho cây. Tuy vậy, phương tiện cung cấp nước ngọt cũng hạn chế nên nhiều diện tích vườn cây ăn trái bắt đầu kiệt sức.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn, toàn tỉnh có 79.138 ha cây ăn trái, trong đó, có 14.805 ha khóm, 13.090 sầu riêng, 9.140 ha thanh long, 9.290 ha mít, 4.900 ha bưởi, 4.000 ha xoài… Sản lượng đã thu hoạch 283.201 tấn. Vùng cây ăn trái chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn, mặn thuộc phía Nam Quốc lộ 1A là 36.121 ha; trong đó, diện tích cây ăn trái mẫn cảm với mặn cần được bảo vệ là 24.731 ha, bao gồm sầu riêng, cây có múi, vú sữa, thanh long… |
MẶN CÓ DẤU HIỆU GIẢM
Huyện Cái Bè có 2 xã Đông Hòa Hiệp và Hòa Khánh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đợt hạn, mặn này. Trong nhiều ngày qua, nhiều diện tích vườn cây ăn trái nơi đây cũng chịu cảnh “khát nước” như huyện Cai Lậy. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp) trồng 0,3 ha sầu riêng được 13 năm tuổi cho biết, sau tết, sầu riêng của gia đình bà bắt đầu thu hoạch trái. Cây chưa kịp hồi phục sức thì gặp ngay đợt hạn, mặn nên phải ngưng tưới hơn nửa tháng qua. Bà Nguyệt cho biết, gia đình chưa kịp trữ nước trong vườn thì mặn đến, nên cây đang bị suy kiệt, nhiều cây có dấu hiệu chết.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cái Bè Phạm Văn Thanh cho biết, hiện mặn xâm nhập trên địa bàn đã có chiều hướng giảm. Độ mặn cao nhất ghi nhận vào lúc 8 giờ ngày 26-2 tại vàm kinh Xáng (giáp xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy) là 3,67 g/l, giảm 1,71 g/l so với cùng thời điểm ngày hôm qua.
Hiện nay, độ mặn trên địa bàn huyện Cái Bè đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, mặn xâm nhập có khả năng sẽ tăng cao hơn nữa trong các đợt triều tới, di chuyển theo hướng bất thường và sẽ lấn sâu vào nội đồng. Vì vậy, huyện Cái Bè yêu cầu ngành chức năng cũng như các xã, thị trấn phải cảnh giác và có biện pháp ứng phó.
SĨ NGUYÊN