Hiệu quả từ các mô hình, hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Tiếp tục thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” và thực hiện chủ đề “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện đến 100% huyện, thành, thị và cơ sở hội. Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
NHIỀU MÔ HÌNH, HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ
Theo Hội LHPN tỉnh, trong những năm qua, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình can thiệp hỗ trợ cha mẹ, gia đình thực hiện chăm sóc và phát triển trẻ em. Trong năm 2019, Hội LHPN tỉnh tập trung hướng dẫn, chỉ đạo mỗi huyện, thành, thị hội khảo sát và chọn 1 cơ sở hội xây dựng mô hình “Nhóm cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ”, đến nay đã ra mắt 30 nhóm tại 11 huyện, thành, thị, với 644 thành viên là những cha mẹ có con từ 0 - 8 tuổi. Hiện tại, các nhóm tổ chức sinh hoạt định kỳ hằng tháng, quý, triển khai thực hiện 18 chuyên đề hướng dẫn cha mẹ trong chăm sóc trẻ phát triển toàn diện.
Ngay từ đầu năm, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Lễ phát động thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, trong lễ phát động đã trao 33 suất học bổng cho trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, tổ chức Chương trình “Chắp cánh ước mơ,” trao 500 suất học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi; thăm hỏi và hỗ trợ 2 trẻ em gái hộ cận nghèo bị ảnh hưởng lốc xoáy; tổ chức nhiều lớp tập huấn, truyền thông cộng đồng, tọa đàm, liên hoan, các hoạt động chuyên đề “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em” nhằm cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ để đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh còn biên soạn, phát hành 3.000 quyển tài liệu truyền thông, 60.000 tờ rơi về “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em”, “Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em”; thông báo rộng rãi về Tổng đài điện thoại quốc gia 111 bảo vệ trẻ em để người dân và trẻ em chủ động tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Trong năm 2019, các huyện, thành, thị hội còn xây dựng 31 tổ, nhóm “Phòng, chống đuối nước trẻ em”, qua đó nâng cao vai trò gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em không để rơi vào đuối nước, biết cách sơ cấp cứu đuối nước tại hộ gia đình khi con em và cộng đồng không may có trẻ đuối nước. Phối hợp với ngành chức năng, trường học tổ chức dạy bơi cho các em học sinh, hướng dẫn các em kỹ năng phòng tránh đuối nước... với trên 300 em tham gia.
Các cấp hội còn duy trì, nâng chất các mô hình như: 398 “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng với 1.626 thành viên, đã tư vấn, giúp đỡ 110 hộ gia đình xảy ra bạo lực có chuyển biến tốt; 200 Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình hạnh phúc”, với 5.685 thành viên; 47 tổ/nhóm “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” và rất nhiều CLB “Gia đình nuôi dạy con tốt”, “Ngôi nhà an toàn cho trẻ”...
TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC ĐẾN NHẬN THỨC CỦA GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
Các mô hình, hoạt động của các cấp Hội LHPN trong tỉnh ngày càng mang lại hiệu quả tích cực, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của gia đình và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thông qua các mô hình, hoạt động đã cung cấp các kiến thức về tổ chức cuộc sống gia đình, kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và với cộng đồng, hướng nghiệp cho con; tuyên truyền xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; phòng, chống tệ nạn xã hội; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; chăm sóc sức khỏe trẻ em, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em...
Theo Hội LHPN tỉnh, bước đầu triển khai mô hình, hoạt động gặp nhiều khó khăn, nhất là ở những vùng nông thôn sâu, do cha mẹ chủ yếu làm nghề nông, thời gian dành cho các buổi sinh hoạt chủ yếu là buổi tối; một số cha mẹ chưa nhận thức được tầm quan trọng của mô hình nên chưa tham gia đầy đủ…; nhưng qua tích cực vận động chị em tham gia, không chỉ được trang bị nhiều kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ mà còn được trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những việc làm hay, có ích trong cuộc sống thường ngày, nên các buổi sinh hoạt đã thu hút các chị tham gia sinh hoạt nhiều hơn.
Được cán bộ Hội LHPN xã An Cư, huyện Cái Bè tuyên truyền về cách chăm sóc và bảo vệ con trẻ trong gia đình, chị Lê Thị Sương cho biết: “Tôi có 2 con, đứa con trai 5 tuổi, đứa con gái 3 tuổi. Tôi và chồng đều đi làm công cho các vựa gạo, nên gửi 2 con cho ông bà nội chăm sóc, nghĩ rằng các con đã được bảo vệ an toàn. Sau khi được Hội LHPN xã thông tin thực trạng xã hội hiện nay có nhiều tác động đến trẻ nhỏ, tôi thật sự lo lắng; song được Hội tuyên truyền, hướng dẫn tôi và các chị em cách chăm sóc, bảo vệ các con, cơ bản tôi đã biết cách phải làm gì để bảo vệ con mình”.
P. MAI