Thứ Năm, 26/03/2020, 14:17 (GMT+7)
.

Làm thế nào để phát huy vai trò phụ nữ?

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, phụ nữ Tiền Giang không ngừng tạo dựng uy tín và niềm tin ở các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị thông qua thực tiễn hoạt động phong trào phụ nữ và kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội Phụ nữ.

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng các nữ doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. 	Ảnh: P. MAI
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng các nữ doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. Ảnh: P. MAI

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, phong trào phụ nữ và hoạt động Hội các cấp trong tỉnh vẫn còn những mặt hạn chế. Đó là, phong trào phát triển chưa đồng đều, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ.

Định hướng lãnh đạo và phương pháp vận động phụ nữ nhiều lúc còn thiếu cụ thể, chưa phù hợp với từng đối tượng, từng khu vực nông thôn và thành thị. Nội dung, phương thức hoạt động chưa được đổi mới mạnh mẽ. Một số phong trào còn mang tính hình thức, thiếu sức hấp dẫn, hiệu quả về mặt xã hội chưa cao. Công tác tham gia giám sát, phản biện xã hội chưa được chú trọng.

Sau Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Tiền Giang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh xác định cần tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tiếp theo nhằm phát huy vai trò của phụ nữ Tiền Giang trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh nhà.

Một là, nắm vững và quán triệt thật sâu những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong thời kỳ mới để có những biện pháp cụ thể đưa những quan điểm, tư tưởng, chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống.

Cùng với đó là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục các tầng lớp phụ nữ hưởng ứng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn có ý thức giác ngộ chính trị, tự rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, học vấn, kỹ năng nghề nghiệp nhằm hoàn thiện chân dung người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với các chuẩn mực: Yêu nước; có tri thức, có sức khỏe; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu; luôn quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng; đồng thời, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ.

Hai là, tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; vận động chị em tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Xây dựng văn hóa nông thôn mới - văn minh đô thị”, phụ nữ giúp nhau xóa khó, giảm nghèo; các phong trào vì người nghèo, mái ấm tình thương; đặc biệt là việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích thiết thực của phụ nữ, nhất là vấn đề bình đẳng giới.

Ba là, trong tình hình hiện nay, Hội đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng gia đình văn hóa, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; chăm sóc, giáo dục trẻ em; hỗ trợ, động viên các tầng lớp phụ nữ phát triển kinh tế, tổ chức dạy nghề, tạo thêm việc làm cho lao động nữ nông thôn; nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả. Các cấp Hội tiếp tục tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ thực hiện các chính sách về hôn nhân - gia đình, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bà mẹ - trẻ em.

Phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể bồi dưỡng cho phụ nữ kiến thức về nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ thuần phong, mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, nêu cao lòng nhân ái, khoan dung, tình đoàn kết, quý trọng, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là khi gặp khó khăn, hoạn nạn; phối hợp giải quyết các vấn đề bức xúc của chị em tại cơ sở; lên án, đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, vô trách nhiệm trong quan hệ gia đình, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.

Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo tinh thần Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Đa dạng hóa nội dung hoạt động nhằm đáp ứng một cách thiết thực, hiệu quả nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ. Hướng mạnh hoạt động về nông thôn, khu dân cư; cải tiến công tác chỉ đạo, điều hành; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm từng giai đoạn để tập trung lãnh đạo tránh hình thức, phô trương, hành chính hóa trong hoạt động; các cấp Hội càng phải phấn đấu vươn lên để thực sự trở thành cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Năm là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp vận động phụ nữ nhằm đáp ứng yêu cầu công tác Hội trong thời kỳ mới; hướng dẫn để cán bộ, hội viên tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; đồng thời, tạo nguồn cán bộ nữ cho các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ của tỉnh.

Sáu là, kịp thời phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, cách làm hay của hội viên, phụ nữ trên các lĩnh vực; đặc biệt là gương phụ nữ điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để biểu dương, khen thưởng, làm cho phong trào thi đua thực sự trở thành động lực khuyến khích sự sáng tạo trong các tầng lớp phụ nữ, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X.

Chiếm hơn 50% lực lượng lao động trong tỉnh, phụ nữ đã có mặt trên nhiều lĩnh vực, trong mọi ngành nghề và khắp các địa bàn. Với đức tính cần cù, sáng tạo, chịu khó, luôn khắc phục khó khăn, nỗ lực trong học tập, lao động và công tác, phụ nữ Tiền Giang đã tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

MAI HÀ

.
.
.