Dấu hiệu chuyển hướng tích cực từ "trò chơi điện tử"
Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của Smartphone với những trò chơi thử thách trí tuệ, cung cấp kiến thức đã “hút hồn” giới trẻ. Đó là dấu hiệu cho thấy thị trường trò chơi điện tử đang phát triển theo chiều hướng tích cực.
LÀNG GIÓ MỚI
Suốt một thời gian dài, game chiến, game mang tính chất bạo lực phát triển rầm rộ, kéo theo nhiều hệ lụy đáng quan ngại. Tuy nhiên, nhược điểm lớn của loại game này là lưu lượng quá mạnh, phải dùng hệ thống máy tính cứng (máy bàn…), với tốc độ mạng “cực đỉnh” mới có thể giúp người chơi thỏa mãn tới cùng. Để trung thành với các thể loại trò chơi mang tính chất bạo lực, người chơi thường phải gắn bó với tiệm Internet, gây rất nhiều bất tiện về thời gian, công sức và tiền bạc…
Khi dòng điện thoại cảm ứng phổ biến, các loại game dùng cho Smartphone đua nhau ra đời, tạo nên thị trường game đa dạng, mang tính cạnh tranh cao. Đặc điểm chung của tất cả các game trên điện thoại là khá nhẹ nhàng, song vẫn đảm bảo sự thú vị và cuốn hút. Sự tiện lợi, dễ tải ứng dụng và sử dụng đã khiến một bộ phận “game thủ” dần lãng quên niềm đam mê chinh chiến trên không gian ảo.
Thực tế đáng mừng là, các loại game cung cấp kiến thức, rèn luyện trí tuệ ngày càng đa dạng, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ. Một số game đòi hỏi chỉ số IQ khá cao như Sodoku, nối chữ, cờ caro… dần dà thu hút các bạn trẻ. Thậm chí, nhiều người còn đem trò chơi này ra để đánh giá độ thông minh.
Game “Ai là triệu phú” lấy phiên bản từ chương trình truyền hình thực tế cùng tên phát sóng trên kênh VTV3 đã có mặt từ khá lâu trên thị trường, song đến nay vẫn còn thu hút được giới trẻ. Ở game này, người chơi đóng vai trò là thí sinh ngồi trên ghế “nóng”, bộ câu hỏi thay đổi liên tục.
Muốn trả lời đúng câu hỏi, người chơi phải có vốn am hiểu về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, nếu trả lời sai, hệ thống kịp thời cung cấp câu trả lời chính xác nhất, từ đó giúp người chơi cập nhật thêm kiến thức. Để không làm người chơi “mất hứng”, game thường cấu trúc theo mô típ dễ trước, khó sau.
Không quá rầm rộ, song những game chuyên về kiến thức giáo dục cũng nối đuôi nhau ra đời và nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh, học sinh. Đầu tiên là “Vương quốc chuột chũi” do VNG phát hành. Đây là game nhập khẩu thể loại mạng xã hội dành cho trẻ em từ 6 đến 12 tuổi. Từ những thử thách đưa ra, game khéo léo giúp người chơi ôn lại từ vựng Tiếng Anh và kỹ năng sống.
Là game nhập vai 3D đầu tiên của Việt Nam song “Chinh phục vũ môn” không vấp phải sự phản đối của phụ huynh. Nguyên nhân là do game hoàn toàn hướng về bổ trợ giáo dục. Các kiến thức về tự nhiên, xã hội được thể hiện dưới hình thức câu hỏi trắc nghiệm và vượt chướng ngại vật. Qua đó, người chơi vừa có cơ hội ôn lại kiến thức, vừa tiếp thu nội dung mới.
Đặc biệt, trong game có hệ thống lớp học 3D trực tuyến, có hàng trăm bài giảng dành cho học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, cùng lúc có thể kết nối, giao lưu học tập với hàng ngàn học sinh toàn quốc.
CẦN ĐƯỢC ĐỊNH HƯỚNG KỊP THỜI
Không phải động não, chỉ cần nhanh tay, nhanh mắt đã đủ đem đến cảm xúc thăng hoa cho người chơi, là thế mạnh vô biên của game online, game chiến. Trong khi đó, game trí tuệ cần người chơi phải vận động trí óc, suy nghĩ và tìm tòi nhiều. Vì hai đặc điểm tương phản này mà game online luôn giành ưu thế trên thị trường.
Song ít nhiều, sự ra đời và thái độ đón nhận của game thủ dành cho game trí tuệ trong thời gian qua là dấu hiệu đáng mừng. Về lâu dài, việc phát triển game trí tuệ thực sự cần thiết. Điều này tạo cho học sinh, sinh viên một sân chơi bổ ích, vừa thư giãn, vừa học tập. Bên cạnh đó, góp phần đẩy lùi các game không lành mạnh ra khỏi bộ phận học đường. Để tồn tại giữa rừng game giải trí hút khách, game trí tuệ đang rất cần sự quan tâm, ủng hộ đúng mực của cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh và bản thân game thủ.
Nguyễn Trọng An, sinh viên Trường Đại học Tiền Giang chia sẻ: “Trước kia, em thường ăn ngủ cùng game đấu súng, nhưng từ ngày tải game “Ai là triệu phú” về máy thì em từ bỏ hẳn. Các câu hỏi của game rất ý nghĩa. Mỗi khi tìm được đáp án khiến em cảm thấy tự hào và thường đăng ngay lên Facebook cá nhân của mình. Vừa thư giãn, vừa không nghiện game độc hại, lại được cung cấp kiến thức, đối với An, điều đó thực sự lý tưởng”.
Theo Tiến sĩ Võ Phúc Châu, Trưởng khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tiền Giang: “Có thể nói, thời gian qua, cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thì ảnh hưởng của game online đến môi trường học đường cũng là vấn đề đáng bàn. Sự biến tướng của một số thể loại game online mang tính chất bạo lực đã ảnh hưởng đến học tập, tâm lý của tuổi học trò.
Sự ra đời của Game trí tuệ đang tạo được những thành công bước đầu và cần một bàn đạp vững chắc để phát triển. Đây là điều hoàn toàn có lợi cho sự phát triển bền vững của xã hội. Vấn đề đặt ra là, game online chỉ là thể loại mang tính giải trí, mà việc chính của tuổi học sinh chính là học tập, rèn luyện tác phong, đạo đức, nghe lời thầy cô, ông bà, cha mẹ…”.
ĐỖ PHI