Thứ Tư, 08/04/2020, 16:36 (GMT+7)
.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI CÔNG TÁC XÃ HỘI TÌNH NGUYỆN:

Còn đó những khó khăn

Toàn tỉnh hiện có 69 Đội công tác xã hội tình nguyện (viết tắt là Đội tình nguyện) tại các xã, phường, thị trấn, với 276 thành viên. Theo đánh giá của UBND tỉnh, những năm qua, hoạt động của Đội tình nguyện đã góp phần trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội  (TNXH), các chương trình an sinh xã hội và phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở… Tuy nhiên, qua giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH), HĐND tỉnh mới đây, cho thấy hoạt động của các Đội này còn gặp không ít khó khăn, bất cập.

Đoàn giám sát làm việc tại UBND TP. Mỹ Tho.
Đoàn giám sát làm việc tại UBND TP. Mỹ Tho.

LÀM ĐƯỢC

Theo Thông tư liên tịch 24/2012 giữa  Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, mỗi xã, phường, thị trấn được thành lập 1 Đội tình nguyện, hỗ trợ chính quyền cấp xã trong công tác phòng, chống TNXH; tham gia quản lý, tư vấn, cảm hóa, vận động, hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện, người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng; các chương trình an sinh xã hội và góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở …

Tại buổi Đoàn giám sát của Ban VH-XH, HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về việc thực Nghị quyết 79, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Sáng cho rằng: Đội tình nguyện có vai trò quan trọng, không chỉ làm nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn xã hội, mà còn tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy, hiện nay chỉ có khoảng 40% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có thành lập Đội tình nguyện. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo chính quyền cấp huyện, cấp xã và các ngành liên quan quan tâm thực hiện mô hình này, nơi nào làm tốt cần nhân rộng cách làm hay, nơi nào làm chưa tốt có biện pháp hỗ trợ, gỡ khó, nhằm phát huy hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Thông tư này, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 79/2014, quy định mức thù lao đối với Đội tình nguyện và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 33/2014 quy định về tổ chức, hoạt động và chính sách đối với Đội tình nguyện, giao Sở LĐ-TB&XH tổ chức triển khai các văn bản nêu trên.

Theo Báo cáo của UBND tỉnh, hiện toàn tỉnh có 69 Đội tình nguyện, với 276 thành viên; mỗi Đội có từ 3 - 5 thành viên. Thời gian qua, các Đội tình nguyện trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu cho chính quyền và phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tại cơ sở tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm trong nhân dân; tiếp cận tư vấn, giúp đỡ 426 người nghiện ma túy xóa đi mặc cảm, có động lực vươn lên trong cuộc sống, không tái nghiện; tiếp cận các dịch vụ dạy nghề, được giới thiệu việc làm, vay vốn để làm ăn; đề xuất hỗ trợ 21 hộ gia đình có người nghiện làm hồ sơ vay vốn tín chấp từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 165,5 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình…

NGUỒN LỰC VÀ KINH PHÍ

Để giám sát tính hiệu quả của Nghị quyết 79, mới đây, Đoàn giám sát của Ban VH-XH, HĐND tỉnh đã đến giám sát tại nhiều địa phương, cơ sở trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát cho thấy, chính quyền cấp xã ở nhiều nơi vẫn chưa thành lập Đội tình nguyện, hoặc có thành lập nhưng hoạt động kém hiệu quả, mang tính cầm chừng.

Phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát. Đồng chí yêu cầu: Sở LĐ-TB&XH cùng các ngành hữu quan ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của Đoàn giám sát và tham mưu UBND tỉnh biện pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập… Đồng chí nhấn mạnh, xuất phát từ tầm quan trọng của Đội tình nguyện, UBND tỉnh rất cần sự trợ lực hơn nữa của HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện, để Thông tư liên tịch 24 thực sự đi vào cuộc sống…

Theo phản ánh của nhiều địa phương, cơ sở mà Đoàn giám sát đến làm việc, việc thực hiện Nghị quyết 79 vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập; trong đó có 2 khó khăn lớn hiện nay là nguồn nhân lực và kinh phí hoạt động.

Hằng năm, UBND cấp xã chỉ hỗ trợ kinh phí hoạt động từ 1,5 triệu đồng - 4 triệu đồng (tùy từng nơi), trong khi có rất nhiều nhiệm vụ mà Đội tình nguyện phải thực hiện. Bên cạnh đó, thành viên Đội tình nguyện kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, một số thành viên còn ngại tiếp xúc với đối tượng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhất là các đối tượng cần được tư vấn, hỗ trợ…

Đến nay, huyện Cái Bè chỉ mới thành lập được 5 Đội tình nguyện, nhìn chung hiệu quả hoạt động không cao do nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, Đội tình nguyện xã Mỹ Đức Tây đến nay vẫn chưa tham mưu UBND xã đề nghị UBND huyện kiện toàn thành viên của Đội theo Thông tư liên tịch 24, nên thành viên của Đội không được cấp kinh phí hoạt động cũng như thù lao cho Đội tình nguyện, dù UBND xã đã báo cáo về Phòng LĐ-TB&XH huyện nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Tại Đội tình nguyện thị trấn Cái Bè, các thành viên chưa nhận đúng mức phụ cấp hằng tháng, do Đội trưởng chưa tham mưu UBND thị trấn thực hiện theo Nghị quyết 79. Ngoài ra, đến nay việc cấp kinh phí trang phục mới có 3/69 Đội tình nguyện trong huyện được nhận…

Phó Trưởng Ban VH-XH, HĐND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Vân cho rằng, các văn bản cấp trên đã quy định rất rõ về đối tượng, mức chi, nhiệm vụ hoạt động của Đội tình nguyện. Theo đó, kinh phí để các Đội tình nguyện hoạt động được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của ngân sách cấp xã, trường hợp khó khăn thì làm văn bản báo cáo lên huyện để huyện hỗ trợ.

Tuy nhiên, thực tế nhiều nơi chưa quan tâm, để một thời gian dài không cân đối kinh phí, dẫn đến hoạt động của các Đội tình nguyện còn hạn chế, chất lượng chưa cao và không đồng đều; thành viên của Đội tình nguyện chưa được tập huấn chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ. Sự phối hợp với các lực lượng có liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến chưa phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các Đội tình nguyện.

Nhiều thành viên Đoàn giám sát đồng tình với ý kiến này, đã bổ sung thêm: Nhiều nơi chưa quan tâm sơ kết, tổng kết, đánh giá những mặt làm được, làm hay để nhân rộng và chưa làm được để có giải pháp khắc phục, cũng là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong một thời gian dài chưa được tháo gỡ.

HOÀI THU

.
.
.