Thứ Bảy, 04/04/2020, 20:41 (GMT+7)
.

Hướng về vùng hạn, mặn

Giữa cơn hạn, mặn lịch sử, bên cạnh sự nỗ lực đảm bảo nước sinh hoạt của tỉnh, nhiều tấm lòng thiện nguyện đã chung tay đưa những giọt nước nghĩa tình về với người dân.

Cuối tháng 3, vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang đang “gồng mình” chống chọi với cơn hạn, mặn gay gắt lịch sử. Những cánh đồng khô cháy, nước kinh cạn kiệt dường như đã nói lên sự khốc liệt của mùa hạn, mặn năm nay. Những ngày này, về các huyện, thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang, không khó để bắt gặp những xe tải, xe bồn chở những bồn, can nước ngọt hướng về vùng hạn, mặn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng kiểm tra việc vận chuyển nước ngọt bằng sà lan về Nhà máy nước BOO Đồng Tâm.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng kiểm tra việc vận chuyển nước ngọt bằng sà lan về Nhà máy nước BOO Đồng Tâm.

LAN TỎA HOẠT ĐỘNG HƯỚNG VỀ VÙNG HẠN, MẶN

Khoảng 9 giờ ngày 30-3, những chiếc xe chở nước của Trung tâm từ thiện Nhuận Tâm đã đến TX. Gò Công và tập kết tại bến xe để chuẩn bị vận chuyển nước về cho người dân xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).

Đại diện trung tâm cho biết, sau khi biết được người dân vùng Gò Công gặp khó khăn về nước sinh hoạt nên trung tâm đã kêu gọi anh em đóng góp để chia sẻ khó khăn với người dân vùng hạn, mặn. Đây là lần đầu tiên trung tâm vận chuyển nước ngọt để hỗ trợ người dân vùng Gò Công. Theo đó, trung tâm sẽ hỗ trợ 1.000 bình nước suối tinh khiết loại 5 lít và 70 m3 nước ngọt cho người dân.

Cũng trong cái nắng oi bức này, chiếc xe bồn của Đoàn Thanh niên quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) cũng không ngại xa để chở nước ngọt hỗ trợ người dân ở khu vực ấp Pháo Đài (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang).

Xe vừa tới, nhiều chị em phụ nữ đã vội mang can nhựa ra đứng chờ để lấy nước. Theo đại diện nhà tài trợ, mỗi tuần đều có một chuyến xe chở nước xuống cho người dân ở huyện Tân Phú Đông. Lần này, xe chở được 12 m2 nước.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Pháo Đài Nguyễn Văn Bướm cho biết, toàn ấp có hơn 340 hộ dân, trong đó có tới 2/3 số hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Để có nước sinh hoạt, ấp đã được địa phương hỗ trợ 3 điểm đặt bồn chứa nước để vận chuyển nước tới đổ vào bồn cho người dân đến lấy. Những ngày qua, có nhiều đoàn chở nước tới để hỗ trợ người dân nơi đây, giúp người dân có nước để sinh hoạt.

NỖ LỰC CỦA TỈNH

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, hiện tỉnh đã cho mở 151 vòi nước công cộng cấp nước miễn phí cho các hộ dân ở ven biển, ven sông chưa có hệ thống cấp nước từ các trạm cấp nước tập trung.

Đến nay, tổng lượng nước đã cấp 8.291 m3. Bên cạnh đó, tỉnh còn cấp nước tại 61 điểm lấy nước qua bồn chứa nước ở các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, huyện Chợ Gạo và TX. Gò Công (hằng ngày có xe vận chuyển nước sinh hoạt từ trạm cấp nước đến cấp cho các bồn chứa). Tổng lượng nước đã cấp 26.322 m3.

Cũng theo Sở NN&PTNT, mặn năm nay xuất hiện sớm, độ mặn cao, xâm nhập sâu và duy trì lâu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành phương án về việc đảm bảo cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang mùa khô 2020.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thiện Pháp, những ngày qua, độ mặn tăng cao dẫn đến nguồn nước trên kinh Sáu Ầu - Xoài Hột cũng tăng theo, ảnh hưởng đến việc lấy nước của Nhà máy nước BOO Đồng Tâm. Từ tình hình trên, ngày 25-3 đến nay, tỉnh đã thực hiện phương án vận chuyển nước ngọt bằng sà lan từ khu vực cầu Mỹ Thuận về Nhà máy nước BOO Đồng Tâm pha vào các nguồn nước lấy từ kinh Sáu Ầu - Xoài Hột và các giếng khoan để sản xuất nước sinh hoạt cung cấp cho nhân dân các huyện, thị phía Đông của tỉnh.

Hiện mỗi ngày, có khoảng 17.000 m3 nước ngọt được vận chuyển bằng sà lan về Nhà máy nước BOO Đồng Tâm. Đến ngày 30-3, tỉnh đã vận chuyển nước ngọt bằng sà lan từ Mỹ Thuận về cấp cho Nhà máy nước Đồng Tâm được khoảng 71.000 m3. Trên cơ sở đó, hiện mỗi ngày, Nhà máy nước BOO Đồng Tâm cung cấp khoảng 60.000 m3 nước sinh hoạt cho người dân các huyện, thị phía Đông.

Có thể nói, với sự chủ động, quyết liệt của UBND tỉnh cùng các ngành chức năng, dù tình hình hạn, mặn rất gay gắt, song cho đến nay, nguồn nước sinh hoạt của người dân các huyện, thị phía Đông cơ bản được đảm bảo.

M. THÀNH

.
.
.