Thứ Sáu, 10/04/2020, 09:29 (GMT+7)
.
THỰC HIỆN LÀM VIỆC TẠI NHÀ THEO CHỈ THỊ 16 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ:

Cơ hội thúc đẩy chính quyền số

Sau khoảng 1 tuần triển khai cho cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) làm việc tại nhà, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chấp hành tốt và nỗ lực đảm bảo công việc thông suốt.

Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (Chỉ thị 16), UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương bố trí, phân công CB,CC,VC làm việc tại nhà và cơ quan, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, giải quyết công việc kịp thời, thông suốt.

Chuyên viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận hồ sơ trực tuyến.
Chuyên viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận hồ sơ trực tuyến.

CÔNG VIỆC VẪN ĐẢM BẢO

Theo Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lê Văn Hùng, trung tâm đã tạm ngưng việc trực tiếp tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) bắt đầu từ ngày 1-4 đến ngày 15-4.
Trong thời gian này, tổ chức, cá nhân có nhu cầu giải quyết TTHC có thể gửi hồ sơ qua bưu điện hoặc trực tuyến đối với những TTHC mức độ 3, mức độ 4 đến trung tâm. CB,CC,VC được phân công nhiệm vụ dù làm việc tại nhà nhưng vẫn tiếp nhận hồ sơ, quy trình giải quyết TTHC được đảm bảo theo quy định.

Theo chuyên viên quầy tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh), từ ngày 3 đến ngày 6-4, quầy đã tiếp nhận được 15 hồ sơ trực tuyến, tất cả đều được giải quyết đúng thời gian và quy trình.

Theo Trưởng phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho Đinh Ngọc Tùng, hiện đơn vị chỉ duy trì khoảng 1/3 số CB,CC,VC làm việc tại cơ quan, còn lại được bố trí làm việc tại nhà, nhưng trên tư thế kiểm tra. “Ở đây, đơn vị kiểm tra qua hộp thư công vụ. Đối với công việc phân công, CB,CC,VC ở nhà vẫn phải làm, có công việc đột xuất lãnh đạo huy động thì phải có mặt. Đến thời điểm này, dù phần lớn CB,CC,VC làm việc tại nhà nhưng công việc tại cơ quan vẫn được đảm bảo, do trước giờ công việc chủ yếu làm trực tuyến trên máy tính” - đồng chí Đinh Ngọc Tùng cho biết thêm.

Còn Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Trần Văn Thành thông tin, ngay sau khi có chỉ đạo bố trí CB,CC,VC làm việc tại nhà, địa phương đã thực hiện nghiêm túc nội dung này. Qua kiểm tra, nhìn chung, việc thực hiện tại các xã, thị trấn và các đơn vị trực thuộc đã có chuyển biến.

ĐẨY MẠNH DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trần Văn Dũng, thực hiện Chỉ thị 16, tỉnh đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp giãn cách xã hội. Do đó, người dân, doanh nghiệp cần tăng cường giao dịch với chính quyền qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và giao dịch với nhau qua các dịch vụ đặt hàng trực tuyến, giao hàng tận nhà. Đây là cơ hội để đẩy mạnh giao dịch dạng thương mại điện tử.

Để triển khai nội dung này, Sở TT&TT đã có văn bản 421 về việc đẩy mạnh triển khai DVCTT mức 3, mức 4 và dịch vụ bưu chính công ích tiếp nhận, trả kết quả dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường sử dụng DVCTT mức 3, mức 4 tại địa chỉ https://dichvucong.tiengiang.gov.vn; theo dõi, kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC cho cá nhân, tổ chức trên hệ thống Một cửa điện tử bảo đảm việc giải quyết hồ sơ được đúng hạn. Đồng thời, phối hợp với Bưu điện các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp số điện thoại đường dây nóng thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, chuyển trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích…

Cũng theo đồng chí Trần Văn Dũng, với trên 2.000 DVCTT mức độ cao của tỉnh cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh đó, CB,CC,VC trực sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến và qua hệ thống Bưu điện theo yêu cầu khách hàng sẽ chuyển trả kết quả tại nhà. Đây là kênh giao dịch hiệu quả cho dân - doanh với chính quyền khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Điều đó không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, mà còn giảm áp lực giấy tờ công việc lên các cơ quan quản lý nhà nước; tăng tính công khai, minh bạch trong các cơ quan cung cấp dịch vụ công.

Với những hiệu quả thiết thực của việc sử dụng DVCTT cũng như ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của cơ quan nhà nước các cấp, thời gian qua, tỉnh đã triển khai rất sớm công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT trong giao dịch với chính quyền.

Theo đồng chí Trần Văn Dũng, trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT, các cơ quan nhà nước cần tăng cường truyền thông và quảng bá hiệu quả về DVCTT của cơ quan để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích từ việc sử dụng. Đồng thời, cần đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền trên mạng xã hội như: Facebook, Zalo… để tác động trực tiếp đến giới trẻ và từ đó thêm một kênh thông tin để đưa lợi ích của sử dụng dịch vụ công đến từng hộ gia đình. Mặt khác, các cơ quan nhà nước cần thay đổi thói quen của công dân trong việc sử dụng dịch vụ công truyền thống; cung cấp cho người dân, doanh nghiệp những thông tin trực tuyến, dần dần từ bỏ phương thức liên hệ kiểu cũ với cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần ứng dụng những công nghệ mới để mở rộng, nâng cao chất lượng và tăng cường sử dụng dịch vụ trực tuyến trong tương lai. Trong đó, đề cao các vấn đề về an toàn, an ninh trong quá trình thiết lập tiêu chuẩn của việc cung cấp DVCTT; triển khai phần mềm trên thiết bị di động - Mobi App hay App công dân (chuẩn bị công bố Mobi App TiengiangS cho công dân Tiền Giang sử dụng) để mọi người dân trong tỉnh có thể tương tác 2 chiều với chính quyền.

“Để thực hiện được những điều trên, Nhà nước và doanh nghiệp cần chung tay vào cuộc: Hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ sử dụng máy tính, Internet cho người dân; bố trí máy tính phục vụ công cộng; điểm truy cập Internet công cộng; hệ thống mạng Wi-Fi miễn phí tại các khu vực đông dân cư để người dân tiếp cận dịch vụ…

Đồng thời, thực hiện cung cấp đa đạng các kênh giao tiếp, giúp người dân, doanh nghiệp lựa chọn hình thức xử lý dịch vụ công phù hợp nhất với họ. Trên cơ sở đó, từng bước tiến tới xác định Internet sẽ là kênh cung cấp dịch vụ chính cho công dân; tiến tới xây dựng chính quyền số phục vụ cho công dân số trong tương lai” - đồng chí Trần Văn Dũng cho biết thêm.

M. THÀNH

.
.
.