.

Tổ quốc nơi đầu sóng

Cập nhật: 10:22, 22/04/2020 (GMT+7)
Các CB-CS đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa là những “cột mốc sống” hiên ngang nơi địa đầu Tổ quốc.
Các CB-CS đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa là những “cột mốc sống” hiên ngang nơi địa đầu Tổ quốc.

Ở nơi ấy, đâu chỉ có những tháng ngày với sóng và gió. Ở nơi đó, đâu chỉ có những gian khó và hy sinh. Nơi chúng tôi đến là Trường Sa…

Bài 1: Những “cột mốc” thiêng liêng giữa trùng khơi

Trên mỗi đảo chìm, đảo nổi ở quần đảo Trường Sa thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đều hiện hữu cột mốc chủ quyền của Việt Nam, ghi rõ kinh độ, vĩ độ… Mỗi cột mốc, có khi là một chấm nhỏ trên hải đồ nhưng cũng là nơi neo giữ cả cương thổ của quốc gia.

Trong chuyến hải trình gần 20 ngày thay, thu quân, chúc tết quân và dân trên quần đảo Trường Sa cùng đoàn công tác Vùng 4 Hải quân, chúng tôi được chạm tay vào những cột mốc biên cương giữa trùng khơi - nơi mảnh đất xa xôi, khắc nghiệt và mặn mòi của biển cả quê hương.

Trên boong tàu KN-491, bài hát Bâng khuâng Trường Sa do nhà báo Lê Đức Hùng sáng tác cứ vang lên trong tim chúng tôi:
“Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc
Vang vọng về dòng máu Lạc Hồng xưa
Giữa đảo xa lá cờ bạc sóng gió
Bỗng trong tôi mắt lệ dâng trào…”

MÁU XƯƠNG “CỘT MỐC” BIÊN CƯƠNG

Để có một Trường Sa hiên ngang, vững chãi như hôm nay, biết bao lớp người đã ngã xuống, vì sự trường tồn của chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Mảnh đất biên cương được cha ông dựng mốc, cắm cờ và nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) Hải quân xây dựng bằng sắt thép, xi măng và bằng cả mồ hôi, xương máu.

Ngoài ra, 9 ngọn hải đăng gắn với tên của từng hòn đảo với nhiệm vụ đảm bảo an toàn hàng hải quốc tế trên khu vực quần đảo Trường Sa, do Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam quản lý và một số công trình khác cũng được ví như những “cột mốc chủ quyền” của Tổ quốc trên Biển Đông.

Nhiều tấm gương hy sinh anh dũng, máu các anh đã hòa vào sóng nước nơi đây. Giờ đây, Trường Sa như tượng đài nhân chứng lịch sử cho ý chí, quyết tâm của những người chiến sĩ năm xưa và cũng là lời nhắc nhở, khích lệ tinh thần CB-CS Hải quân hôm nay và mai sau.

Câu nói đanh thép của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu trong buổi mít tinh kỷ niệm ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam tại đảo Trường Sa năm 1988, được in và treo ở những nơi trang trọng tại tất cả các đảo:“Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của CB-CS đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta…”.

ĐẢO LÀ NHÀ, BIỂN CẢ LÀ QUÊ HƯƠNG

Những người con ưu tú từ khắp mọi miền Tổ quốc, xếp bút nghiên, gác lại những hoài bão của tuổi trẻ vượt sóng đến với Trường Sa, mang trong tim mình ý chí, niềm tin non sông mãi yên bình, để rồi trở thành anh em một nhà. “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” - đó chính là niềm tin, để các CB-CS vượt qua sóng gió và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cùng nhau thực hiện hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Đến với các đảo chìm, chúng tôi mới thấy điều kiện sinh hoạt của CB-CS còn khó khăn, nhà ở chật chội, không gian tăng gia sản xuất được họ tận dụng tối đa. Càng khó khăn các CB-CS nơi đây càng kiên cường, yêu thương đùm bọc nhau hơn để cùng thực hiện ý chí quyết tâm bảo vệ đến cùng, không cho bất cứ thế lực nào xâm phạm hay lấn chiếm vào khu vực nước ta quản lý.

Cuốn sổ “Tâm tình người lính” trên các đảo đã dày đặc những dòng chữ, hàng trăm trang viết tay của các CB-CS đã và đang công tác trên các đảo như chất chứa những tình cảm yêu thương, nỗi niềm tâm sự của đồng đội luôn sát cánh bên nhau. Ở nơi đây, các CB-CS cùng chia nhau từng ngụm nước ngọt mùa nắng rát và cùng nhau chống chọi cả những mùa dông bão.

Đại úy Nguyễn Văn Nam, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát chia sẻ, nhiệm vụ ở đảo xa vất vả gấp bội phần so với đất liền cả về công việc lẫn khoảng cách địa lý. Đặc biệt, ra đảo phải thực hiện nhiều điều cấm như cấm thuốc lá, rượu bia; cấm sử dụng điện thoại thông minh. Do đó, lúc mới ra đảo công tác, sự hụt hẫng, nhớ nhà, người thân là khó tránh khỏi. Chính vì vậy, đòi hỏi người chỉ huy cần phải gần gũi, sâu sát với chiến sĩ mới để nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh của từng người. Từ đó, đơn vị có những cách chia sẻ, động viên và giáo dục chiến sĩ mới nhận thức về nhiệm vụ người chiến sĩ Hải quân nơi tuyến đầu Tổ quốc; đồng thời, tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ để CB-CS giao lưu, xích lại gần nhau hơn..

Chiến sĩ Nguyễn Ái Quốc, hiện đang làm nhiệm vụ tại điểm C đảo Thuyền Chài cho biết, những ngày đầu đặt chân lên đảo với bốn phía đều là biển cả, Quốc vô cùng bỡ ngỡ ngay từ những việc nhỏ nhặt nhất như: Tắm giặt, đi lại, ăn uống... Nhờ có những người anh, đồng đội đi trước động viên, giúp đỡ nhiệt tình trong sinh hoạt, công việc và cuộc sống hằng ngày nên giúp Quốc vơi đi nỗi nhớ nhà, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao phó, góp phần giữ vững lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển, đảo quê hương.

Ở nơi đảo xa trên quần đảo Trường Sa, CB-CS Hải quân luôn vững niềm tin, đồng lòng, chung ý chí vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời, luôn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển.

ĐIỂM TỰA CỦA NGƯ DÂN

Những năm qua, quần đảo Trường Sa đã trở thành điểm tựa vững chắc của ngư dân đánh bắt xa bờ. Những âu tàu neo đậu, khu nhà tránh bão hay những bệnh xá thắm tình quân dân... đã trở thành “địa chỉ đỏ” tin cậy của ngư dân khi gặp khó khăn trong những ngày lênh đênh trên biển. Để mỗi chuyến ra khơi, hải trình nhọc nhằn với những tấn cá đầy khoang, với bà con ngư dân, ở các đảo không chỉ có những CB-CS kiên cường canh giữ biển, đảo giữa biển trời nắng gió, mà còn có những chiến sĩ khoác áo blu trắng bảo vệ sức khỏe, tính mạng để họ yên tâm vươn khơi, bám biển. 

Theo đó, chuyện cứu hộ tàu cá, cứu ngư dân ở Trường Sa không phải là hiếm. Cuối tháng 2-2020, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa) đã kịp thời thực hiện thành công ca phẫu thuật viêm ruột thừa bị vỡ cho ngư dân là thuyền viên của một tàu cá thuộc tỉnh Bình Định. Hay mới đây, một ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi bị tại nạn va đập vùng mạn sườn phải vào thành tàu, sau đó được đưa vào đảo An Bang để sơ cấp cứu ban đầu, rồi chuyển đến Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa để chăm sóc, điều trị. Sau đó, ngư dân này tiếp tục được Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân điều trực thăng chở từ đảo Trường Sa vào Bệnh viện Quân y 175 (TP. Hồ Chí Minh) để có điều kiện cứu chữa, chăm sóc tốt hơn.

Những ca cấp cứu trên là một trong nhiều trường hợp mà bác sĩ quân y trên các đảo tiếp nhận và điều trị. Những năm gần đây, các bệnh xá ở Trường Sa đã được đầu tư nhiều trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh như: Máy siêu âm, máy chụp X-quang, bồn giảm áp... Nhờ vậy, công tác cấp cứu nơi đầu sóng ngọn gió được thuận lợi hơn.

Thiếu tá Phan Văn Giáp, bác sĩ công tác tại Bệnh viện Quân y 7B - Quân khu 7, hiện là Trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa Đông (thuộc quần đảo Trường Sa) chia sẻ: “Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đảo luôn chú trọng công tác vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch bệnh. Hiện bệnh xá đã  được trang bị thiết bị chẩn đoán bệnh từ xa nên dễ dàng kết nối từ đảo với bệnh viện chủ quản; từ đó công tác khám, chữa bệnh đạt hiệu quả hơn”.

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ở một số đảo không chỉ là nơi cung cấp các dịch vụ cho tàu đánh bắt xa bờ từ sửa chữa cho đến tiếp thêm nhiêu liệu, nước sạch, đá lạnh…, mà còn là nơi neo đậu, tránh, trú bão cho tàu thuyền của ngư dân.

Trung tá Phạm Văn Hưng, Chính trị viên, Phó đảo Đá Tây cho biết, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đi vào hoạt động từ tháng 5-2015 và đã giúp ngư dân yên tâm bám biển. Hiện nay, ngay tại đảo Đá Tây, việc tiếp nhiên liệu cho các tàu thuyền được thực hiện nhanh chóng và kịp thời, giúp cho các tàu thuyền không phải quay về đất liền để tiếp thêm nhiên liệu vừa mất thời gian, vừa tốn thêm chi phí. Đặc biệt, vào những ngày biển động, khu hậu cần nghề cá, âu tàu ở đảo Đá Tây trở thành nơi tránh, trú bão an toàn cho tàu thuyền của ngư dân.

VĂN THẢO - CAO THẮNG (Còn tiếp)

.
.
.