Vất vả nghề "xe ôm" thời công nghệ
Nghề chạy “xe ôm” cụ thể có từ khi nào chưa rõ nhưng nghề này đã giúp cho nhiều người có thu nhập, nuôi sống gia đình. Vài năm trở lại đây, do cạnh tranh từ nhiều loại xe dịch vụ giao thông công cộng và “xe ôm” công nghệ… nên nghề chạy “xe ôm” truyền thống vốn dĩ nhọc nhằn, nay càng chật vật hơn.
Ông Nhơn cẩn thận lau chùi chiếc xe để phục vụ khách. |
Chạy “xe ôm” là một nghề cực khổ. Nhiều người trong nghề so sánh chạy “xe ôm” giống như “làm dâu trăm họ”, bởi phục vụ nhiều khách hàng từ dễ tính cho đến khó tính, thậm chí có không ít khách còn “quỵt tiền”. Nhưng đó không phải là điều khó khăn nhất, mà việc đối mặt với những đối thủ cạnh tranh mới thật sự đáng lo ngại.
VẪN SỐNG VỚI NGHỀ
Dù trời nắng gắt hay mưa dầm, 30 năm qua, ông Nguyễn Văn Nhơn, phường 4, TP. Mỹ Tho vẫn nhẫn nại với chiếc xe máy đón khách ở cổng Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang. “Nghề chạy “xe ôm” đã nuôi sống cả gia đình tôi trong mấy chục năm qua. Cách đây khá lâu, tôi chạy “xe đạp ôm”. Sau nhiều năm tích góp, tôi mua được xe máy để chạy “xe ôm” chở khách cho tới bây giờ” - ông Nhơn cho biết.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, dịch vụ “xe ôm” công nghệ bắt đầu xuất hiện cũng đồng nghĩa những người chạy “xe ôm” truyền thống như ông Nhơn sẽ càng khó khăn với sự cạnh tranh, dẫn đến ít khách hơn và thu nhập giảm dần. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, cuộc sống của những người chạy “xe ôm” truyền thống cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, với tình trạng không có khách nên thu nhập của họ giảm sút đáng kể.
Song có khó khăn, vất vả đến đâu thì ông Nhơn vẫn bám trụ với nghề để sống. Bởi mấy chục năm qua, nghề chạy “xe ôm” đã giúp ông Nhơn mưu sinh, kiếm tiền nuôi sống gia đình. Hiện nay, hằng ngày, ông Nhơn bắt đầu công việc chạy “xe ôm” từ 6 giờ sáng cho đến chiều tối mới về nhà. Nhưng số tiền mà ông kiếm được chẳng bao nhiêu, thấp hơn nhiều so với thời điểm cách đây 10 năm. Những lo lắng về cơm, áo, gạo, tiền hằn rõ trên khuôn mặt của ông Nhơn, người nhiều năm bươn chải kiếm tiền với nghề chạy “xe ôm” đang chịu nhiều cạnh tranh, khó khăn.
Còn chú Nguyễn Tấn Lộc (55 tuổi, ngụ phường 4, TP. Mỹ Tho), với thâm niên chạy “xe ôm” gần 30 năm đã có những trải lòng về nghề: “Thu nhập từ nghề chạy “xe ôm” đã giúp tôi nuôi cả gia đình và lo cho 2 đứa con ăn học. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện các loại “xe ôm” công nghệ, dịch vụ xe công cộng thì thu nhập của những người chạy “xe ôm” truyền thống như tôi giảm đáng kể, bây giờ mỗi ngày kiếm được 100 ngàn đồng là mừng lắm rồi”.
Giữa cái nắng gay gắt, không khó để bắt gặp hình ảnh những người chạy “xe ôm” truyền thống đang nằm nghỉ ngay trên chiếc xe của mình hoặc đọc báo giết thời gian hay luôn đảo mắt tìm khách đi xe…
HỖ TRỢ, GIÚP ĐỠ NHAU
Xuất phát từ những khó khăn của những người chạy “xe ôm”, Nghiệp đoàn xe mô tô 2 bánh phường 1 (TP. Mỹ Tho) được thành lập năm 1995. Đến nay, nghiệp đoàn có 29 đoàn viên. Nghiệp đoàn ra đời đã được những người chạy “xe ôm” truyền thống trên địa bàn phường 1 rất ủng hộ, bởi sẽ tránh được tình trạng tranh giành khách. Đặc biệt, nghiệp đoàn còn lập quỹ bến bãi, Quỹ Tấm lòng vàng để hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên khi gặp khó khăn.
Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn xe mô tô 2 bánh phường 1 Nguyễn Tấn Lộc cho biết: “Đa số những đoàn viên hành nghề “xe ôm” của nghiệp đoàn đều đã “có tuổi”, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nếu như trước đây, mỗi đoàn viên thu nhập bình quân từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày, thì nay mỗi ngày kiếm được 100.000 đồng là tốt rồi. Tuy nhiên, không vì thế anh em bỏ nghề, mà vẫn bám trụ với nghề, cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống”.
Tuy vất vả với cuộc sống mưu sinh nhưng các đoàn viên Nghiệp đoàn xe mô tô 2 bánh phường 1 đã góp phần tham gia đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng lối sống văn hóa, văn minh nơi công cộng. Theo nhận xét của Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Mỹ Tho Nguyễn Thị Kim Hường, thời gian qua, Nghiệp đoàn xe mô tô phường 1 luôn thực hiện tốt các chức năng, nghiệp vụ của tổ chức Nghiệp đoàn được quy định trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Đặc biệt, công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên được Ban Chấp hành nghiệp đoàn rất quan tâm. Theo đó, nghiệp đoàn thực hiện phân công tài chuyến rõ ràng, đảm bảo thu nhập cho các đoàn viên. Bên cạnh đó, nghiệp đoàn còn phối hợp chính quyền địa phương, Công an phường 1, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn hoạt động. Trước những khó khăn hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Liên đoàn Lao động TP. Mỹ Tho đã vận động trao tặng nhiều phần quà cho đoàn viên nghiệp đoàn…
P. MAI