.
Bình đẳng giới trong gia đình:

Để thông điệp yêu thương được lan tỏa

Cập nhật: 14:22, 08/05/2020 (GMT+7)

Xã hội càng phát triển, vai trò, vị trí của phụ nữ, trẻ em ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng “trọng nam, khinh nữ”, bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra. Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong gia đình là việc làm rất cần thiết.

 Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong gia đình là  việc làm cần thiết. Ảnh: NGỌC MAI
Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong gia đình là việc làm cần thiết. Ảnh: NGỌC MAI

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến bình đẳng giới, Bác đã khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Nhận rõ vai trò quan trọng của nữ giới, Bác cũng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Bình đẳng giới trong gia đình là mọi thành viên trong gia đình, trước hết là vợ chồng đều có vai trò, trách nhiệm và quyền lợi ngang bằng nhau trong lao động, học tập, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hưởng thụ văn hóa và tham gia các hoạt động xã hội.

 Bình đẳng giới trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng; là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên gia đình và xây dựng thể chế gia đình bền vững…

Luật Bình đẳng giới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007, quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan tổ chức, gia đình, cá nhân trong thực hiện bình đẳng giới.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008, quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Cả 2 luật này đều gửi đi thông điệp rõ ràng: Bình đẳng giới trước hết là bình đẳng về cơ hội việc làm, cơ hội tiếp cận với đào tạo và phát triển, bình đẳng trong đối xử như trả công lao động, các chế độ trợ cấp, phúc lợi, vị thế trong gia đình và trong xã hội… Bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật và không phải là việc riêng của từng gia đình; bằng sự tác động của luật pháp, các nạn nhân được bảo vệ, hành vi bạo lực gia đình phải được ngăn chặn kịp thời.

Qua đó, cần thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của người phụ nữ trong việc xây dựng tổ ấm gia đình là nền tảng của xã hội. Không có hạnh phúc gia đình thì không có xã hội bền vững. Mẫu người phụ nữ mà tương lai mong đợi là mẫu người “đảm việc nước, giỏi việc nhà”, vai trò vượt ra khỏi phạm vi gia đình nhưng không đánh mất vai trò xây dựng hạnh phúc gia đình, để ngày càng có nhiều đóng góp cho xã hội mà nền tảng gia đình vẫn luôn vững chắc.

Tuy nhiên, định kiến giới và tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội, tiếp tục là hệ quả xấu đối với nam giới trong đối xử với nữ giới, là rào cản trong quá trình thực hiện bình đẳng giới. Sự bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực như về quyền lợi, nghĩa vụ, phân công lao động, cơ hội việc làm, tiền lương, thu nhập, cơ hội thăng tiến giữa nam và nữ…

Thực tế hiện nay, phụ nữ thường làm nhiều công việc cùng một lúc, thời gian làm việc của phụ nữ nhiều hơn và phụ nữ cũng làm những công việc đơn giản hơn, như vậy phụ nữ thể hiện nhiều vai trò hơn.

Tuy nhiên, phụ nữ lại làm những việc có giá trị thấp nên giá trị xã hội của phụ nữ cũng thấp. Còn việc nhà, tuy là loại việc quan trọng vì nó giúp gia đình tồn tại nhưng lại không được xã hội nhìn nhận và chính bản thân nam giới cũng không coi trọng công việc gia đình. Do bị nhìn nhận với vị trí thấp nên phụ nữ ít được lựa chọn công việc, mà phải làm theo sự phân công truyền thống.

Nguyên nhân trên là do một bộ phận xã hội hiểu không đúng về bình đẳng và bình đẳng giới; còn có quan niệm cho rằng bình đẳng giới là ưu tiên cho phụ nữ; nhận thức mang tính định kiến giới còn tồn tại trong xã hội. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục về giới và bình đẳng giới chưa thực sự đạt hiệu quả cao.

Nội dung tuyên truyền chưa được chuyển tải thường xuyên, sâu rộng, chưa sát với đối tượng. Các cấp, các ngành, đoàn thể chưa có sự quan tâm đúng mức về vấn đề này. Nhận thức của phụ nữ về quyền lợi của mình còn nhiều hạn chế, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Để khắc phục tình trạng trên, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về quyền bình đẳng trên lĩnh vực bình đẳng giới như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

Trong đó, trọng tâm là Luật Bình đẳng giới và thông qua các công ước quốc tế như Công ước “Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” (CEDAW), công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em… nhờ đó mà phụ nữ và trẻ em đều được bảo vệ.

Đồng thời, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với sự phát triển gia đình, cộng đồng và xã hội.

P. NGHI

.
.
.