Đầu tư điện năng lượng Mặt Trời: Nhất cử lưỡng tiện
Nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng trong khi khả năng cung cấp điện tăng không theo kịp nhu cầu. Đối với những hộ gia đình, tổ chức tiêu thụ điện nhiều, việc lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời (NLMT) được xem là một giải pháp “lưỡng tiện”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều hộ dân, hộ kinh doanh lắp đặt hệ thống điện NLMT mang lại hiệu quả kinh tế ngay từ những tháng đầu sử dụng.
KHÔNG CHỈ HIỆU QUẢ KINH TẾ
Hộ cô Nguyễn Thị Kim Non (số 30/11, đường Ngô Quyền, phường 1, TP. Mỹ Tho) lắp đặt hệ thống điện NLMT (công suất 3kWp) từ tháng 2-2020. Gia đình cô có 6 người, sử dụng 2 máy lạnh, tivi, tủ lạnh, máy giặt, cùng một số vật dụng gia đình khác, trước đây thanh toán tiền điện trung bình mỗi tháng khoảng 1,2 triệu đồng, còn nay chỉ khoảng 500 ngàn đồng/tháng.
Chị Hồng Cẩm kiểm tra hóa đơn tiền điện trước và sau khi lắp đặt hệ thống. |
Theo Quyết định 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, giá mua điện đối với các dự án điện mặt trời nổi là 1.783 đồng/kWh, đối với các dự án điện mặt trời mặt đất là 1.644 đồng/kWh và đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà là 1.943 đồng/kWh. Quyết định có hiệu lực từ ngày 22-5-2020. |
Còn chị Hồng Cẩm, chủ shop mỹ phẩm Korea (đường Lý Thường Kiệt, TP. Mỹ Tho) vừa lắp hệ thống điện NLMT với chi phí 90 triệu đồng chia sẻ, trước đây mỗi tháng cửa hàng của chị phải thanh toán gần 3,9 triệu đồng hóa đơn tiền điện. Trong khi đó, hóa đơn tiền điện tháng 4 của cửa hàng chỉ 1,6 triệu đồng. Đó là chưa tính lượng điện NLMT dư bán cho đơn vị điện lực được khoảng 500 ngàn đồng/tháng.
Theo tính toán, với giá điện hiện nay, trung bình cửa hàng của chị tiết kiệm được khoảng 2,8 triệu đồng/tháng. Như vậy, trong vòng 3 năm, tiền điện tiết kiệm được bằng với kinh phí lắp đặt hệ thống điện NLMT, trong khi hệ thống hoạt động đến gần 20 năm.
Không chỉ hiệu quả về kinh tế, việc lắp đặt và sử dụng điện từ hệ thống điện NLMT còn góp phần giảm thải khí CO2 ra môi trường; đồng thời, giảm áp lực cho ngành Điện, đặc biệt là vào mùa nắng nóng. Theo khảo sát của Phòng Tiết kiệm năng lượng (Sở Công thương), với công suất 10 kWp lắp áp mái, sử dụng điện từ hệ thống điện NLMT góp phần giảm 12,32 tấn CO2/năm khí thải ra môi trường.
Công nhân đang thi công hệ thống điện NLMT. |
NHANH CHÓNG, TIỆN LỢI
Trước đây, việc lắp đặt hệ thống điện NLMT có giá thành khá cao, đa phần của các nhà cung cấp từ
TP. Hồ Chí Minh. Song hiện nay, với sự xuất hiện của hàng loạt các công ty như NLMT Tiền Giang - SVSolar, Solar miền Tây…, đặc biệt là sự góp mặt của 2 nhà mạng lớn Viettel, Mobifone tại Tiền Giang đang làm cuộc cạnh tranh thị phần quyết liệt hơn, giúp kinh phí lắp đặt giảm xuống; việc lắp đặt nhanh chóng, tiện lợi hơn; người dân có nhiều sự lựa chọn đơn vị lắp đặt hơn.
Giám đốc Công ty SVSolar Huỳnh Văn Trọng cho biết, việc ký kết cũng như thiết lập đồng hồ 2 chiều chắc chắn được hỗ trợ ngay từ ban đầu từ đơn vị điện lực. Còn việc lắp đặt hệ thống không khó, quan trọng là diện tích lắp tấm pin, độ bám bụi pin, bức xạ chiếu sáng của vùng. Tiền Giang ở vùng có bức xạ chiếu sáng cao, trung bình 1.581 kWh/m2/năm nên bức xạ chiếu sáng đảm bảo.
Thạc sĩ kỹ thuật điện Nguyễn Hoàng Đông, chuyên nghiên cứu về dự án NLMT đánh giá, đến thời điểm này cho thấy, việc lắp đặt hệ thống điện NLMT đối với các hộ gia đình có hóa đơn tiền điện dưới 1 triệu đồng/tháng chưa thực sự hiệu quả về kinh tế. Bởi giá thành đầu tư hệ thống điện NLMT không nhỏ, trong khi đó hộ gia đình thường đi làm ban ngày, chỉ có nhu cầu sử dụng điện vào ban đêm. Còn việc lắp đặt hệ thống điện NLMT ở các cơ quan, trường học, bệnh viện, khách sạn, nhà trọ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh… cho kết quả rõ nhất về kinh tế.
HOÀNG LONG