.

"Mong manh áo vải hồn muôn trượng..."

Cập nhật: 11:21, 18/05/2020 (GMT+7)

“Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác,

đã thấy trong sương hàng tre bát ngát...”.

Những ngày còn ngồi ghế nhà trường, tôi rất thích bài hát “Viếng Lăng Bác” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, lời của nhà thơ Viễn Phương và thầm ước một ngày nào đó được ra đất Thăng Long để tận mắt thấy hàng tre “xanh xanh Việt Nam” và vào Lăng viếng Bác kính yêu.

a
Hàng tre trong khuôn viên Lăng Bác. Ảnh; TL

1. Tháng 10-2002, tháp tùng cùng đoàn công tác của cơ quan ra Hà Nội, lần đầu thực hiện hành trình ra Bắc, trong tôi có cảm giác nao nao khó tả. Hai đêm, một ngày trên chuyến tàu tốc hành Bắc - Nam, lúc nào trong đầu tôi cũng vang lên câu hát “Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác...”.

Thế nhưng, thật đáng tiếc, tháng 10 năm ấy, Lăng Bác tạm ngưng đón khách đến viếng để trùng tu theo định kỳ, khiến cả đoàn tiếc ngẩn ngơ, mặc dù chuyến đi năm ấy nhiều bổ ích, thú vị, nhưng tất cả đều cảm thấy chưa trọn vẹn, bởi ai cũng cho rằng: Ra đến Thủ đô mà chưa vào viếng Bác thì coi như chưa đến Thủ đô.

Anh em tự an ủi: Dẫu sao cũng được vào thăm khu ở và làm việc của Bác, cảm nhận rõ hơn sự thanh cao, giản dị của Bác mà bấy lâu chỉ nghe, thấy qua các phương tiện thông tin; qua đó càng thấm hơn những câu thơ trong bài Bác ơi của nhà thơ Tố Hữu “... Một đời thanh bạch chẳng vàng son / Mong manh áo vải hồn muôn trượng / Hơn tượng đồng phơi những lối mòn...”.

Đặc biệt là được tận mắt thấy hàng tre bên Lăng Bác, hàng tre đã đi vào tiềm thức của nhiều người con miền Nam qua bài hát “Viếng Lăng Bác”. Một tác phẩm rất hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tình cảm của hai người con miền Tây Nam bộ: Nhà thơ Viễn Phương và nhạc sĩ Hoàng Hiệp.

2. Tháng 4-2006, tháp tùng cùng Đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng tại Thủ đô, tôi tự nhủ lần này sẽ không để lỡ cơ hội vào Lăng viếng Bác.

a
Đoàn đại  biểu Tiền Giang tham gia Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X tại hội trường Ba Đình tháng 4-2006. Ảnh; TL

Sáng Chủ nhật đầu tiên giữa lòng Hà Nội, tôi cảm nhận được sự đổi thay của Thủ đô sau 4 năm, Quảng trường Ba Đình những ngày này rực rỡ cờ hoa, và dòng người nối nhau tưởng như bất tận vào Lăng viếng Bác.

Tôi và anh bạn đồng nghiệp ở Báo Vĩnh Long hẹn với nhau để vài hôm việc tác nghiệp đưa tin Đại hội Đảng tạm ổn sẽ vào Lăng viếng Bác.

Hôm khai mạc Đại hội, phải khá vất vả mới có được thẻ sự kiện 2 (được vào ghi hình các đại biểu dự Đại hội vào viếng Lăng Bác), tôi đã tiếp cận cửa Lăng, rất gần với Bác, nhưng cũng chỉ để tác nghiệp.

Sau khi chụp ảnh đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, cùng đoàn đại biểu tỉnh Tiền Giang vào Lăng viếng Bác, tôi phải nhanh chóng trở lại Hội trường Ba Đình để dự phiên khai mạc. Những ngày sau đó tất bật với công việc, nhưng tôi vẫn nhớ là mình chưa vào Lăng viếng Bác.

Sáng thứ Hai (ngày 24-4-2006), biết sau phiên bế mạc Đại hội vào buổi sáng thứ Ba thì Đoàn đại biểu của Đảng bộ Tiền Giang lên máy bay về ngay, chúng tôi tranh thủ đón “xe ôm” ra Lăng Bác, nhưng thứ Hai hằng tuần Lăng Bác nghỉ đón khách viếng, thế là tôi không còn cơ hội để nhìn thấy Bác.

3. Tháng 12-2014, cùng Chi hội Nhiếp ảnh Tiền Giang tham dự Đại hội Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam lần thứ VIII tại Hà Nội, tôi đã vào Lăng viếng Bác, thỏa lòng mong ước được nhìn thấy “...Bác nằm trong Lăng giấc ngủ bình yên / giữa một vầng trăng sáng trong dịu hiền...”.

Nhìn dòng người xếp hàng nghiêm chỉnh chờ vào viếng Bác mới thấy hết tình cảm, lòng tôn kính của nhân dân cả nước dành cho vị Cha già kính yêu của dân tộc khiến tôi càng cảm hơn câu thơ “ …Thấy một mặt trời trong Lăng rất đỏ... / Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ / kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…” của nhà thơ Viễn Phương.

Từ những ngày còn đeo khăn quàng đỏ, Bác đã là một thần tượng, một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về sự hy sinh, tấm lòng cao cả hết lòng vì dân, vì nước trong tôi. Và dù chưa một lần gặp Bác, chưa được vào Lăng viếng Bác, nhưng Bác luôn ở trong tim tôi. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là một việc làm thiết thực của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tình hình mới.

Riêng với tôi, học tập Bác từ những việc làm thiết thực gắn với công việc của mình, hãy làm tốt công việc của mình với tinh thần tiến công, không tư lợi, vì Tổ quốc, vì nhân dân; đặc biệt là thực hiện tốt những lời Bác dạy “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đó là những gì người dân cần ở người cán bộ, đảng viên trong thời kỳ đổi mới, hội nhập.

Dù đã một lần vào Lăng viếng Bác, nhưng với tôi, niềm mong mỏi được ra đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, được đứng ở Quảng trường Ba Đình lịch sử, nhìn hàng tre “xanh xanh Việt Nam” và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tươi nguyên như ngày nào.

LÊ LONG HỒ

.
.
.