Thứ Năm, 14/05/2020, 07:21 (GMT+7)
.

Thương tiếc Đại tá Ngô Văn Tám!

Đại tá Ngô Văn Tám đã trút hơi thở cuối cùng lúc 15 giờ 30 phút ngày 9-5-2020 tại nhà riêng (ấp Tân Phong, xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), thọ 86 tuổi. Nhân sinh hữu hạn, vẫn biết cái tuổi 86 của Đại tá Ngô Văn Tám là xưa nay hiếm, nhưng khi nghe tin ông mất ai cũng thật thương, thật tiếc!

 

Đại tá Ngô Văn Tám (thường gọi Ngô Tám) sinh năm 1934, quê quán xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; 68 năm tuổi Đảng. Mới 11 tuổi ông gia nhập Đoàn Thiếu nhi cứu quốc huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Năm 1952, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tham gia chiến đấu tại chiến trường tỉnh Mỹ Tho.

Những năm tháng kháng chiến khó khăn, ác liệt, ông cùng đồng đội anh dũng chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất quê hương. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, tiếp tục học các lớp bồi dưỡng sư phạm, Trường Văn hóa Quân đội, Trường Sĩ quan Pháo binh...

Đến tháng 6-1960, ông được quân đội cử đi học Trường Vô tuyến điện của Hải quân Liên Xô, cấp bậc thiếu úy; cuối năm 1970 về nước nhận nhiệm vụ tại Phòng Thông tin - Ra đa Hải quân Việt Nam. Tháng 9-1973 ông lại tiếp tục đi học ở Liên Xô lần nữa. Tháng 6-1975 ông về nước nhận nhiệm vụ ở Trường Sĩ quan Hải quân II; đến tháng 2-1987 là Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Hải quân Việt Nam với cấp hàm Đại tá.

Nguyên Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành Nguyễn Văn Bền thương tiếc nói về ông: “CCB Ngô Văn Tám mặc dù tuổi cao, trở về với đời thường nhưng lúc nào cũng gương mẫu trong lời nói và việc làm. Với ông, thực hiện học tập và làm theo Bác là nói đi đôi với làm, gương mẫu trong mọi công việc. Ông thực sự là tấm gương mẫu mực trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…”.

Ấn tượng về ông, trong quá trình công tác, dù ở đâu, làm việc gì vẫn luôn nhớ lời Bác dạy, suốt đời học tập và làm theo Bác. Sau hơn 40 năm tham gia quân ngũ, tháng 1-1992 ông nghỉ hưu, trở về quê tham gia công tác, làm Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Tân Lý Tây.

3 năm sau, ông được bầu làm Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành. Đảm nhiệm vai trò này, ông vừa mừng, lại vừa lo. Mừng vì được Hội CCB, cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng giao nhiệm vụ; lo vì bản thân khi đó chỉ có lòng nhiệt huyết, sự cần cù nhưng chưa từng được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ công tác Hội CCB, cũng như kiến thức về kinh tế, tín dụng… để chăm lo tốt đời sống hội viên CCB. Ông đã nỗ lực học tập nâng cao kiến thức, là trung tâm đoàn kết, người “truyền lửa” cho cán bộ, hội viên CCB trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu theo lời Bác dạy, làm việc tận tụy, không quản ngày đêm, sát cánh cùng cán bộ, hội viên, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gương mẫu về mọi mặt, nhất là sự trung thực, liêm chính…

Với vai trò của một người “thuyền trưởng” tận tâm, trong nhiều nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành, ông luôn suy nghĩ, tìm tòi những mô hình, cách thức quản lý phù hợp…, đã đưa đơn vị luôn dẫn đầu trong phong trào thi đua “CCB gương mẫu” toàn tỉnh.

Có lần tôi đến gặp ông tại nhà riêng, ông tâm sự: “Còn sức khỏe, còn cống hiến được cho xã hội thì vẫn phải tiếp tục cống hiến…”. Chính vì vậy, sau khi nghỉ làm Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành (tháng 12-2006), ông tiếp tục nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Châu Thành. Năm 82 tuổi, nghỉ công tác Hội Khuyến học huyện, thay vì ở nhà quây quần bên con cháu, nhưng ông vẫn tham gia Hội Người cao tuổi của xã Tân Lý Tây.

Xin mượn lời bài hát của nhạc sĩ Phú Quang để tiễn đưa ông: “Rồi một ngày chiếc lá sẽ rơi về nơi cuối trời. Rồi thời gian cũng sẽ trôi qua cùng bao buồn vui. Những nét chữ xưa cũng sẽ phai mờ theo năm tháng. Mãi trong lòng ta vẫn còn bài ca…”.

LÊ HỒNG LÂM

.
.
.