Thứ Sáu, 19/06/2020, 10:59 (GMT+7)
.

21-6: Chia sẻ của những nhà báo trẻ

PHÓNG VIÊN THANH ĐÀO, ĐÀI PT-TH TIỀN GIANG: Phải tự mình sàng lọc thông tin

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Thanh Đào (sinh năm 1988) quyết định chọn ngành Báo chí -
Truyền thông của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường (năm 2010), Thanh Đào được một công ty truyền thông tại TP. Hồ Chí Minh tuyển dụng chức danh biên tập chương trình với thu nhập ổn định. Sau 1 năm làm việc, Thanh Đào quyết định xin về công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang.

 

Ở cơ quan mới, Thanh Đào đảm nhận vai trò phóng viên của Phòng Biên tập Phát thanh. Các tác phẩm của Thanh Đào khá đa dạng và phong phú về đề tài, bắt nhịp theo từng bước phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Trong đó, nhiều tác phẩm của Thanh Đào đã nhận được các giải thưởng báo chí trong tỉnh và toàn quốc như: Loạt bài Phòng chống dịch cúm A/H5N1 trên chim yến (Giải Khuyến khích - Giải Báo chí Tiền Giang - Nguyễn Văn Nguyễn lần thứ V), Nghẹn ngào những đôi mắt khắc khoải chờ con (Giải Khuyến khích - Giải Báo chí Tiền Giang - Nguyễn Văn Nguyễn lần thứ VII), 20 năm kỳ tích Đồng Tháp Mười (Giải A - Giải Báo chí Tiền Giang - Nguyễn Văn Nguyễn lần thứ VII), Chung tay xây dựng nông thôn mới (Giải A - Giải Báo chí Bông lúa vàng lần thứ XX),  Ông Tám Thanh Bình - người gần 20 năm tổ chức lễ giỗ Bác Hồ (Giải C - Giải Báo chí Tiền Giang - Nguyễn Văn Nguyễn lần thứ VI), Chuỗi phóng sự Gỡ khó cho Khu công nghiệp Long Giang (Giải Khuyến khích - Giải Báo chí Tiền Giang - Nguyễn Văn Nguyễn lần thứ IX), Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy và những tác động tích cực đến sự phát triển doanh nghiệp Tiền Giang (Giải Khuyến khích - Giải Báo chí Tiền Giang - Nguyễn Văn Nguyễn lần thứ X), Giải Ba Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2016.

Mới đây, Thanh Đào đã lãnh Giải Đặc biệt Giải Báo chí Tiền Giang - Nguyễn Văn Nguyễn lần thứ XII với tác phẩm phóng sự phát thanh Xây dựng nông thôn mới: Dấu ấn nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh Tiền Giang và Giải B (cùng với tác giả Yến Vân) với tác phẩm phóng sự phát thanh Giải bài toán sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Trước đó, Thanh Đào vinh dự đoạt giải Nhất của Cuộc thi sáng tác về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018 - 2020.

Theo Thanh Đào, nghề báo đòi hỏi nhà báo phải có quá trình đi và tích lũy thật nhiều. Bởi trong thời buổi 4.0 hiện nay, thông tin như một “cơn lũ” đến rất nhiều và rất nhanh, trước hết phải tự mình sàng lọc đâu là thông tin thật, đâu là thông tin chưa đúng, để truyền tải đến bạn đọc, bạn nghe đài những thông tin chính xác nhất...

PHÓNG VIÊN CAO THẮNG, BÁO ẤP BẮC: Cần phải tự học, tự tìm hiểu những điều mới

Ở thời đại 4.0, các công nghệ mới phát triển từng ngày. Trong đó, các loại thiết bị hỗ trợ tác nghiệp báo chí như: Máy quay, máy ảnh, máy vi tính… ngày càng hiện đại, nhỏ gọn, giúp phóng viên tác nghiệp thuận lợi. Vì lẽ đó, trong thời gian học tập và công tác, tôi được tiếp cận với khái niệm phóng viên “all in one” - một khái niệm rất mới, đòi hỏi phóng viên phải tự mình làm được nhiều loại hình báo chí, từ báo in đến báo nói, báo hình.

Để thực hiên được điều đó, ngoài việc trang bị cho mình những kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, cần phải làm chủ các trang thiết bị hiện đại mới. Phóng viên cần phải biết vận dụng các “tài nguyên 4.0” để tự trang bị và bồi dưỡng thêm các kiến thức mới cho bản thân. Phải tự học, tự tìm hiểu các kiến thức mới từ internet. Hiện nay, nền tảng internet cung cấp nhiều nội dung video hướng dẫn cách khai thác trang thiết bị, phần mềm mới.

 

Bản thân đang công tác tại Báo Ấp Bắc, dù được tiếp cận với loại hình truyền hình khi còn học tập ở TP. Hồ Chí Minh , nhưng tôi cảm thấy rằng những kiến thức của mình vẫn chưa đủ trước sự phát triển và yêu cầu làm báo đa phương tiện của Báo Ấp Bắc hiện nay.

Do đó, tôi đã cố gắng quan hệ, gắn kết với các anh chị đi trước để học tập kinh nghiệm. Theo tôi, việc trang bị cho mình những kiến thức về công nghệ là chưa đủ, mà lập trường tư tưởng của mỗi phóng viên mới là giá trị cốt lõi. Bởi, dù có giỏi công nghệ đến đâu mà không thể phân biệt được thông tin đúng, sai để có thể thông tin đúng nhất đến bạn đọc thì các công nghệ cũng chỉ bằng không.

PHÓNG VIÊN VĂN THẢO, BÁO ẤP BẮC: Ứng dụng 4.0 khi tác nghiệp trên biển

Biển, đảo là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, không phải ai cũng có điều kiện đến thăm quân và dân nơi đảo xa - những người đang ngày đêm đương đầu với sóng gió để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Là phóng viên trẻ, tôi vinh dự được 2 lần tác nghiệp trên biển: Nhà giàn DK1, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc vào đầu năm 2019 và quần đảo Trường Sa, thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa vào cuối năm 2019.

 

Việc tác nghiệp trên biển gặp khó khăn hơn nhiều so với tác nghiệp trên đất liền. Tác nghiệp trên biển đã khó, việc gửi tin, bài về tòa soạn lại càng khó khăn hơn. Trong suốt hải trình gần 20 ngày giữa biển khơi, không internet, không sóng điện thoại, nên việc kết nối với đất liền gần như bị gián đoạn.

Khi tàu neo đậu gần đảo, nhà giàn cũng là lúc mạng di động Viettel bắt đầu xuất hiện, nhưng do nhiều người gọi điện thoại về cho bạn bè, gia đình khiến mạng di động yếu, sóng chập chờn, không truy cập được internet. Dù điện thoại có đăng ký mạng 4G, nhưng việc gửi tin, bài về tòa soạn là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Trong 2 chuyến công tác trên biển vừa qua, để nhanh chóng truyền tải những thông tin của đoàn công tác về tòa soạn cho kịp thời sự, tôi đã sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) soạn văn bản, chụp ảnh và kết nối 4G Viettel gửi về tòa soạn thông qua tin nhắn messenger của facebook. Có khi gửi văn bản thành công, nhưng hình ảnh vẫn trong chế độ “đang gửi”, khiến những người ở “hai đầu sóng” nôn nao, đợi chờ.

Có những hôm thức trắng đêm, hứng chịu không ít những đợt gió biển trên khu vực mạn tàu tầng cao nhất (gần buồng lái) nhưng vẫn không bắt được sóng điện thoại để gửi thông tin về đất liền. Trong hoàn cảnh khó khăn về đường truyền internet, các phóng viên trong đoàn công tác đã phải gửi tin nhắn SMS, có khi gọi điện đọc tin trực tiếp về tòa soạn. Trong 2 chuyến công tác biển, đảo vừa qua, Báo Ấp Bắc (báo in và báo điện tử) đã kịp thời đăng tải những thông tin, hình ảnh của đoàn công tác thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đầu sóng, ngọn gió.

Đó là với những nhà báo làm báo in và báo điện tử có cơ hội gửi tin tức về tòa soạn. Còn đối với các đồng nghiệp mảng truyền hình, thì việc gửi tác phẩm về trong quá trình tác nghiệp ở trên biển, đảo là nhiệm vụ “bất khả thi”.

Mặc dù nhiều khó khăn, nhưng việc được tác nghiệp ở Trường Sa, Nhà giàn DK1 đối với mỗi người làm báo như một trải nghiệm thú vị, giúp tôi trưởng thành hơn trong nghề.

C.T - C.P - N.H (thực hiện)

.
.
.