Báo chí thời công nghệ: Cơ hội hay thách thức?
Trong làng báo hiện nay có câu cửa miệng “Thông tin là vua, công nghệ là nữ hoàng”. Cho thấy công nghệ phát triển đang là thách thức cho những người làm báo; đòi hỏi các cơ quan báo chí, cùng các nhà báo phải nỗ lực thích ứng để không tụt hậu ....
Phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp tại một sự kiện. Ảnh: HỒNG LÊ |
95 năm hình thành và phát triển, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Trên mặt trận tư tưởng văn hóa, báo chí cách mạng là phương tiện quan trọng để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, tạo ra sức mạnh to lớn trong các phong trào hành động cách mạng. Những nội dung báo chí đưa ra đều có tác động đến các cấp chính quyền để góp phần hoạch định những cơ chế, chính sách tốt hơn.
NGUY VÀ CƠ SONG HÀNH
Tuy nhiên, bước vào kỷ nguyên số, với tác động của công nghệ, báo chí đứng trước cơ hội và thách thức song hành. Công nghệ hiện đại đã hỗ trợ nhiều cho quá trình tác nghiệp, giúp nhà báo khai thác và truyền tải thông tin đến công chúng dễ dàng hơn. Nhà báo có thể ở tòa soạn kết nối thông tin với thế giới, và ngược lại từ bên ngoài kết nối với tòa soạn thuận lợi hơn.
Công nghệ phát triển đã làm thay đổi nhu cầu, cách tiếp cận thông tin của độc giả. Điều đó đòi hỏi công tác đào tạo báo chí phải thay đổi theo để đào tạo được nguồn nhân lực báo chí hoàn toàn thích ứng với xu thế. Có như vậy, trong tương lai chúng ta mới có thể xây dựng được đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp, có đủ đức tài, tự tin hướng tới những thành công trong lao động báo chí. Bởi, cho dù công nghệ có tác động như thế nào, thì cái tâm của nhà báo vẫn là yếu tố quyết định đến hiệu quả của mỗi tác phẩm báo chí. |
Tuy nhiên, báo chí thời công nghệ cũng đứng trước nhiều thách thức, đó là nguy cơ tụt hậu về thông tin và tụt hậu cả về kỹ năng tác nghiệp. Cụ thể, với sự phổ biến của mạng xã hội (MXH), nếu các nhà báo, tòa soạn không có sự đổi mới, thích ứng kịp thời sẽ đi sau dư luận, lạc hậu về thông tin; riêng các nhà báo, nếu không nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt công nghệ thì sẽ tụt hậu trong tác nghiệp, khó cạnh tranh trong thời bùng nổ thông tin.
Bởi công nghệ phát triển đã tạo ra môi trường truyền thông mở; tiến trình toàn cầu hóa phương tiện thông tin đại chúng diễn ra mạnh mẽ, tạo ra sự cạnh tranh lớn giữa các loại hình truyền thông, đặc biệt là các sản phẩm truyền thông mới. Báo chí không còn là kênh thông tin độc quyền, mà còn có nhiều phương tiện truyền thông khác, trong đó có MXH với tin thật giả lẫn lộn, đen trắng khó lường. Vì thế, báo chí phải thể hiện được sức mạnh của mình là cơ quan phát ngôn đáng tin cậy để công chúng tin tưởng.
THÍCH ỨNG VÀ TỪ TÂM
Rõ ràng, sự phát triển của công nghệ, của MXH đã tạo ra cơ hội nhưng cũng đem đến không ít thách thức cho báo chí. Bởi giờ đây người dân không còn đọc báo, xem tin tức theo cách truyền thống, mà có thể nắm thông tin từ nhiều hướng, nhiều kênh khác nhau. Đặc biệt là, sự ra đời của laptop, iPad, smart phone… giúp báo chí phổ cập mọi lúc mọi nơi và đi vào đời sống như một thứ không thể thiếu.
Xu hướng hiện nay của công chúng, nhất là giới trẻ đang chuyển từ đọc qua xem, trong đó có một đối thủ đáng gờm đó là MXH, nên những người làm báo cũng cần có sự thay đổi, trước nhất là thay đổi trong tư duy làm báo. Hiện tại, nhiều cơ quan báo chí đã sẵn sàng đón nhận thách thức và thích ứng với thời đại công nghệ số.
Nhiều tòa soạn đã phát triển theo hướng truyền thông đa phương tiện để hấp dẫn công chúng; mở ra báo điện tử tích hợp với truyền thanh, truyền hình; trong đó, có nhiều loại hình thông tin được kết hợp với nhau, như: Văn bản, hình ảnh, video, đồ họa… mang tính tương tác cao, cung cấp thông tin cho độc giả một cách linh hoạt, hấp dẫn… Đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên cũng nỗ lực rèn luyện kỹ năng để thích ứng, đầu tư nhiều công sức để có những tác phẩm báo chí đa phương tiện.
Tuy nhiên, công nghệ chỉ là “cánh tay nối dài” đưa báo chí đến với bạn đọc dễ hơn, nhanh hơn. Để báo chí chính thống đứng vững trong lòng bạn đọc vẫn là tính chân thực, khách quan… xuất phát từ cái tâm của người làm báo chân chính. Công nghệ chỉ là phương tiện hỗ trợ, nên có thể trau dồi thích ứng sau một thời gian. Quan trọng vẫn là con người, những người làm báo dám dấn thân để sống chết với niềm đam mê nghề nghiệp của mình.
Trong xu thế phát triển của công nghệ số thì các cơ quan báo chí cần có sự chuyển mình để tồn tại và bản thân mỗi nhà báo buộc phải thích ứng với hai mặt của sự phát triển để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Làm được điều đó là tầm nhìn của các cơ quan báo chí và nỗ lực thích ứng của riêng mỗi nhà báo trong thời đại hiện nay.
DS