.

Những bí quyết giúp trẻ phát triển toàn diện

Cập nhật: 12:45, 12/06/2020 (GMT+7)

Làm cha mẹ ai cũng mong con sẽ phát triển toàn diện, trở thành những công dân tốt và thành đạt sau này. Để đạt được điều này, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ hãy lưu ý các vấn đề sau:

Dạy con các kỹ năng xã hội

Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp, cách giải quyết vấn đề, biết chia sẻ đồ chơi, lắng nghe và không ngắt lời người khác khi đang nói, biết giúp đỡ người khác… là những kỹ năng xã hội cơ bản để giúp trẻ phát triển toàn diện.

Thường xuyên đưa trẻ ra ngoài vui chơi và khám phá thiên nhiên.
Thường xuyên đưa trẻ ra ngoài vui chơi và khám phá thiên nhiên.

Đừng bảo vệ con quá mức

Đa phần cha mẹ điều lo lắng và muốn con luôn được an toàn. Tuy nhiên, những đứa trẻ được bao bọc quá mức sẽ rất khó để trưởng thành. Dựa trên nghiên cứu, thực tiễn cho thấy, việc cho phép trẻ em phạm sai lầm và phát triển khả năng tự khắc phục sai lầm đó là rất quan trọng trong việc thành công sau này. 

Hãy giáo dục sớm cho con

Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra, cha mẹ đọc sách sớm cho con hoặc dạy con tính toán sớm có thể giúp trẻ có thành tích học tập tích cực. Vậy nên, cha mẹ hãy bắt đầu việc học tập của con sớm nhất có thể, tuy nhiên hãy khuyến khích trẻ tự giác học tập, không làm bài hộ con để buộc con phải suy nghĩ và tìm ra lời giải cho các bài tập khó.

Không để con xem ti vi, sử dựng điện thoại quá nhiều

Cho trẻ xem ti vi, sử dụng máy tính hay điện thoại quá nhiều không chỉ khiến trẻ béo phì, lười vận động, mắc các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị rối loạn giấc ngủ, mà còn ảnh hưởng đến các hành vi của trẻ. Trẻ dưới 6 tuổi không nên dành quá 1 tiếng đồng hồ trước các màn hình điện tử. Để trẻ không dán mắt vào màn hình điện tử, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ tập luyện thể dục thể thao hằng ngày, thường xuyên đưa trẻ ra ngoài vui chơi và khám phá thiên nhiên.

Ngoài ra, cha mẹ hãy khuyến khích con trở thành người sáng tạo nội dung thay vì là người tiêu dùng thụ động. Khuyến khích con học lập trình máy tính, sáng tạo các mô hình 3D, biến những khoảng thời gian ngồi trước màn hình thành một giờ học tập sáng tạo và hiệu quả.

Đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào con

Cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con sẽ khiến trẻ bị áp lực và điều này cũng sẽ khiến cha mẹ dễ bị thất vọng. Một số trẻ khi mới lên 3, 4 tuổi, cha mẹ đã mong mỏi sau này con mình sẽ đỗ vào các trường đại học danh tiếng. Điều này còn rất xa vời, do đó cha mẹ đừng tự gây áp lực cho chính bản thân mình và cho con bởi những kỳ vọng quá xa và lớn lao.

Khen trẻ phải có lý do chính đáng

Mọi trẻ em đều thích được khen, tuy nhiên chúng ta cần khen trẻ đúng lúc, đúng chỗ và đúng việc. Việc suốt ngày trẻ được cha mẹ khen về ngoại hình hay trí thông minh sẽ khiến trẻ trở nên kiêu ngạo, không biết lượng sức mình, không chịu cố gắng phấn đấu. Cha mẹ không nên khen trẻ chung chung mà hãy dành lời khen khi trẻ nỗ lực thật sự để vượt qua các khó khăn bằng một thái độ nghiêm túc, chăm chỉ, kiên trì.

Giao việc vặt cho trẻ

Nhiều cha mẹ đầu tư việc học cho con từ sớm, cho trẻ tham gia nhiều khóa học khác nhau với mong muốn con sẽ học hành giỏi giang, phát triển toàn diện. Tuy nhiên, có một điều nhiều cha mẹ không biết, đó là làm những việc nhà thời thơ ấu rất có lợi cho sự phát triển của trẻ sau này. Một nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, những đứa trẻ được cha mẹ giao việc vặt từ khi mới 3 - 4 tuổi có nhiều cơ hội trở thành người thành công hơn trong tương lai. Nhưng thật đáng tiếc, hiện nay, chỉ có khoảng 1/3 số cha mẹ giao việc vặt cho trẻ nhỏ.

Hãy cố gắng tạo môi trường yêu thương và yên bình nhất cho con

Theo một nghiên cứu, trẻ em lớn lên trong các gia đình nhiều xung đột thường có xu hướng phát triển tiêu cực hơn so với các gia đình khác. Việc tạo ra một môi trường yêu thương, yên ấm là điều kiện giúp trẻ khỏe mạnh, ổn định tâm lý và phát triển toàn diện. Nếu cha mẹ xảy ra mâu thuẫn, thì hãy cố gắng giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau. Trong trường hợp không thể giải quyết mâu thuẫn, cha mẹ ly hôn hoặc tái hôn, thì cũng cần luôn ghi nhớ tạo môi trường yêu thương và yên bình nhất có thể cho con.

Không độc đoán, cũng không dễ dãi trong nuôi dạy trẻ

Cha mẹ quá nghiêm khắc, độc đoán, luôn áp đặt con phải làm theo ý mình sẽ khiến cho trẻ mệt mỏi, áp lực, thậm chí nảy sinh tâm lý tự ti, chán nản, bất cần đời. Ngược lại, cha mẹ quá dễ dãi, nuông chiều con cái sẽ khiến trẻ trở nên yếu mềm, không tự chủ, thiếu tự tin và không quyết đoán. Tốt nhất, hãy là bậc cha mẹ dung hòa, vừa có kỷ luật, vừa yêu thương con. Khi cha mẹ áp dụng các biện pháp kỷ luật tích cực, trẻ sẽ học được cách điều tiết cảm xúc, nỗ lực vượt qua các khó khăn và trưởng thành hơn sau này.

TƯỜNG LAM

.
.
.