Phụ nữ huyện Cai Lậy: Mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp
Qua các hoạt động hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nhiều hội viên phụ nữ (HVPN) đã mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Chị Nga (bìa phải) khởi nghiệp thành công với mô hình trồng và bán cây giống. |
Chị Nguyễn Thị Cẩm Hằng (ấp Xuân Điền, xã Hội Xuân) khởi nghiệp thành công với mô hình may túi xách vải không dệt, thân thiện với môi trường. Mô hình khởi nghiệp này đã giúp chị vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Chị Hằng cho biết, trước đây, chị và chồng làm việc tại một xưởng may ở TP. Hồ Chí Minh. Lúc ấy, chị luôn ấp ủ dự định xây dựng cho mình cơ sở may gia công. Đến khi sinh con nhỏ, vợ chồng chị quyết định nghỉ việc về quê lập nghiệp. Với số tiền tích lũy, ban đầu, chị Hằng mua 2 máy may để may gia công túi xách. Đến năm 2015, từ sự hỗ trợ nguồn vốn vay của Hội LHPN xã Hội Xuân và số tiền dành dụm được, chị Hằng quyết định đầu tư mở cơ sở may gia công túi xách cung ứng cho thị trường ở TP. Hồ Chí Minh.
Từ khi thành lập đến nay, cơ sở may gia công túi xách của chị Hằng luôn có nguồn hàng ổn định, giúp cho hàng chục lao động tại địa phương và các xã lân cận có việc làm, thu nhập ổn định. Trung bình mỗi người may tại cơ sở may của chị Hằng có mức thu nhập dao động từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng. Hiện cơ sở may của chị Hằng có 10 máy may và 4 máy vắt sổ, với 10 lao động làm việc thường xuyên tại chỗ và khoảng 3 đến 4 chị em phụ nữ nhận hàng về nhà may.
Còn chị Tạ Thị Thanh Tuyền (ấp Mỹ Thạnh B, xã Long Tiên) gầy dựng Cơ sở may Kim Thủy chuyên gia công ba lô, túi trùm ba lô, giỏ xách đi mưa từ 2 máy may ban đầu; đến nay đã phát triển lên 10 máy may, với 15 lao động đang làm việc. Chị Tuyền cho biết: “Lúc đầu, tôi chỉ dám nhận may gia công túi xách cho 1 cơ sở may trên địa bàn huyện Cai Lậy. Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, năm 2014, tôi mạnh dạn mở rộng cơ sở, đầu tư thêm máy may để nhận gia công thêm mặt hàng ba lô, túi trùm ba lô, túi xách đi mưa cho đến nay. Mỗi ngày cơ sở của tôi may thành phẩm từ 500 đến 1.000 sản phẩm tùy loại. Thợ may làm việc tại cơ sở may của tôi thu nhập bình quân từ 3,6 đến trên 6 triệu đồng/tháng nên đa số đều có cuộc sống ổn định”.
Hiện tại, chị Phạm Thị Nga (ấp Mỹ Thanh A, xã Long Tiên) rất hài lòng với mô hình khởi nghiệp trồng và bán cây giống, đang mang lại cho gia đình chị thu nhập khá và cuộc sống ổn định. Cơ sở cây giống của chị Nga hiện đang cung ứng nhiều giống cây trồng như sầu riêng, bưởi da xanh, mít Thái, dừa Xiêm… Mỗi loại cây giống có giá bán dao động từ 25.000 đồng đến 110.000 đồng/cây tùy loại. “Nhờ sự hướng dẫn cách làm ăn và trợ vốn trong kinh doanh nên tôi đã mạnh dạn đầu tư thực hiện ý tưởng khởi nghiệp với cơ sở trồng và bán cây giống. Với tôi trong kinh doanh thì “chữ tín” và chất lượng cây giống luôn được đặt lên hàng đầu. Khi mới mở cơ sở, tôi cùng chồng phải sang Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) chọn từng loại cây giống đạt tiêu chuẩn mang về bán cho người dân trong vùng. Không chỉ vậy, tôi còn nghiên cứu, tự tay trồng bưởi giống rồi chiết ra từng nhánh để bán cho khách hàng. Tiếng lành đồn xa, giờ đây, cơ sở cây giống của tôi giao sỉ các mối cây giống ở các tỉnh lân cận và miền Đông” - chị Nga chia sẻ.
Từ những mô hình khởi nghiệp hiệu quả trên cho thấy, việc thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Cai Lậy nói riêng đã góp phần hỗ trợ hiệu quả, hữu ích cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Qua đó, nhiều HVPN xác định được vai trò quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
SONG PHƯƠNG