.
CÔNG ĐOÀN TIỀN GIANG:

Phát huy truyền thống, xây dựng tổ chức Công đoàn lớn mạnh

Cập nhật: 20:37, 29/07/2020 (GMT+7)

Chặng đường lịch sử 91 năm Công đoàn Việt Nam và 44 năm Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang (Công đoàn Tiền Giang) dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân nước ta nói chung và đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh nhà nói riêng ngày càng khẳng định vị trí, vai trò nòng cốt trong mọi phong trào hành động cách mạng, nhất là trong tiến trình nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Chương trình xây dựng “Mái ấm Công đoàn” được các cấp Công đoàn tỉnh tích cực triển khai trong những năm qua.
Chương trình xây dựng “Mái ấm Công đoàn” được các cấp Công đoàn tỉnh tích cực triển khai trong những năm qua.

91 năm qua, kể từ khi ra đời đến nay, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã qua 12 kỳ Đại hội. Trong từng kỳ Đại hội, tùy điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể, phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn Việt Nam liên tục phát triển dưới nhiều hình thức, tên gọi khác nhau như: Công hội Đỏ, Ái hữu Nghiệp đoàn, Công nhân phản đế, Công nhân cứu quốc, Tổng Công đoàn Việt Nam và ngày nay là Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam.

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Dù trải qua các giai đoạn lịch sử với nhiều tên gọi khác nhau, song Công đoàn Việt Nam vẫn là tổ chức do Đảng sáng lập và lãnh đạo; là thành viên trong hệ thống chính trị; là “sợi dây” nối liền Đảng Cộng sản Việt Nam với giai cấp công nhân và là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước. Trong mọi hoạt động, tổ chức Công đoàn luôn trung thành với lợi ích giai cấp công nhân và dân tộc, làm tốt nhiệm vụ vận động, tổ chức và tập hợp công nhân, lao động (CNLĐ), một lòng đoàn kết, gắn bó với nhau dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Qua từng chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng, tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng lớn mạnh và phát triển, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 - 28-7-2020) và Đại hội thi đua yêu nước trong CNVCLĐ toàn quốc lần thứ X, LĐLĐ tỉnh vừa phối hợp LĐLĐ huyện Gò Công Tây tổ chức Lễ công bố Quyết định của LĐLĐ tỉnh công nhận gắn biển công trình “Xây dựng tuyến đường nhựa giao thông nông thôn N815-16” thuộc xã Bình Phú. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh phối hợp LĐLĐ huyện Chợ Gạo bàn giao “Mái ấm Công đoàn” cho chị Nguyễn Thị Kim Phụng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Long Thạnh, đoàn viên Công đoàn cơ sở xã Quơn Long. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh còn triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động như: Họp mặt kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam; thi nghiệp vụ Công đoàn; tổ chức các giải thi đấu thể dục thể thao…

Cùng với sự ra đời và phát triển của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn tỉnh nhà cũng đã hình thành và phát triển. Tại Tiền Giang, năm 1930, khi Đảng bộ tỉnh Tiền Giang ra đời thì tổ chức Công hội Đỏ cũng được xây dựng ở Hãng Xáng, Sở Trường Tiền do đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn, đảng viên của Chi bộ Xóm Dầu lãnh đạo, hoạt động chủ yếu là vận động CNLĐ đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, liên minh với lực lượng nông dân ở các xã Tam Hiệp, Long Hưng, Vĩnh Kim, huyện Châu Thành để đấu tranh giảm giờ làm, tăng lương, cải thiện đời sống sinh hoạt hằng ngày cho công nhân và giảm các sưu cao thuế nặng cho nông dân.

Trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, phong trào đấu tranh của CNLĐ trong vùng nội ô, nội thị được duy trì, phát triển khá sôi động thông qua các tổ chức Nghiệp đoàn, Đồng nghề, Đồng cảnh, liên kết với nhau thành Liên hiệp Nghiệp đoàn với nhiệm vụ chủ yếu là vận động đoàn viên đấu tranh chống tăng thuế, đòi quyền dân sinh, dân chủ, quyên góp ủng hộ tài chính cho cách mạng; tham gia trừ gian, diệt ác, đấu tranh không cho địch xây đồn bót để đánh phá cách mạng. Giai đoạn 1960 - 1974 gắn với Ngày Quốc tế Lao động (1-5), ở tỉnh Mỹ Tho - Gò Công dưới sự lãnh đạo của Ban Công vận đã có hàng trăm cuộc biểu tình lớn diễn ra, có cuộc đấu tranh trên một vạn người tham gia. Ngày 30-4-1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cùng với các lực lượng cách mạng, CNLĐ trong tỉnh đã nổi dậy giành chính quyền, cán bộ Công đoàn từ những cơ sở của ta xây dựng được đã kịp thời lãnh đạo CNLĐ chống địch phá hoại, bảo vệ các cơ quan, công sở, nhà máy, bệnh viện, trường học và giao cho chính quyền cách mạng.

Sau khi đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, Gò Công, hơn 10.000 CNLĐ tỉnh nhà hăng hái bắt tay vào lao động, sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, tích cực tham gia cải tạo, xây dựng xã hội mới, bảo vệ thành quả cách mạng. Năm 1976, tỉnh Mỹ Tho - Gò Công được sáp nhập thành tỉnh Tiền Giang. Ngày 20-3-1976, Tỉnh ủy ra Quyết định thành lập tổ chức Liên hiệp Công đoàn tỉnh (nay là LĐLĐ tỉnh). Được sự thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 12-9-1977, Liên hiệp Công đoàn tỉnh tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Thị Cúc làm Thư ký và đồng chí Phạm Tửu làm Phó Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh.

KHÔNG NGỪNG PHÁT TRIỂN

Qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy và Tổng LĐLĐ Việt Nam; với tinh thần hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy CNVCLĐ làm đối tượng vận động, phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn tỉnh nhà đã có bước phát triển đáng kể, vị thế tổ chức Công đoàn ngày càng nâng cao. Hoạt động của Công đoàn góp phần tích cực cùng với Đảng bộ và chính quyền các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Qua 44 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Tiền Giang đã qua 10 kỳ Đại hội. Đội ngũ CNVCLĐ trong tỉnh không ngừng lớn mạnh về số lượng lẫn chất lượng. Đến tháng 6-2020, toàn tỉnh có hơn 146.000 CNVCLĐ; 1.384 Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn với hơn 126.900 đoàn viên (tăng hơn 12 lần so với năm 1976), trong đó có hơn 85.000 CNLĐ đang làm việc trong các doanh nghiệp.

Theo đó, các cấp Công đoàn tỉnh tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, phối hợp với chính quyền, lãnh đạo chuyên môn, người sử dụng lao động thực hiện tốt công tác đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, các cấp Công đoàn tập trung tổ chức nhiều phong trào, với các hoạt động nổi bật như: Chương trình “Tết sum vầy” bao gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, họp mặt “Mừng Đảng - Mừng Xuân”..., tạo không khí đón tết vui tươi, phấn khởi cho CNLĐ; có 100% Công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động chăm lo tết cho đoàn viên, CNVCLĐ với tổng kinh phí quà tặng hơn 61 tỷ đồng; hỗ trợ vé tàu xe cho CNLĐ về quê ăn tết với số tiền hơn 608 triệu đồng...

Thực hiện Chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn”, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã ký kết với 99 đơn vị, doanh nghiệp, với các lĩnh vực cung cấp gồm: Dịch vụ du lịch, viễn thông, bảo hiểm, điện máy, nha khoa, xây dựng, ăn uống… Bên cạnh đó, các hoạt động xã hội cũng được các cấp Công đoàn trong tỉnh tích cực triển khai như vận động đóng góp Quỹ “Mái ấm Công đoàn” hơn 2 tỷ đồng và đã cấp kinh phí xây dựng 40 “Mái ấm Công đoàn”; phối hợp với chính quyền, chuyên môn cùng cấp vận động CNVCLĐ đóng góp Quỹ “Tấm lòng vàng”, Quỹ “Bảo trợ trẻ em”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo” trên 6 tỷ đồng; vận động kinh phí ủng hộ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, hỗ trợ ngư dân hành nghề trên biển thuộc quầng đảo Hoàng Sa, Trường Sa hơn 2 tỷ đồng; đẩy mạnh các phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả” trong các cấp Công đoàn; tổ chức thăm hỏi, tương trợ, trợ vốn, tín chấp vay ngân hàng/CEP cho 3.103 trường hợp (60 tỷ đồng)…

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn trong tỉnh tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ hạn, mặn. Cụ thể, phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về an toàn vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ và dịch Covid-19” với đông đảo CNVCLĐ tham gia ủng hộ số tiền hơn 1,7 tỷ đồng; tổ chức thăm và tặng quà cho hơn 14.000 CNVCLĐ với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người sử dụng lao động hỗ trợ 9.250 phần quà với tổng trị giá 4,6 tỷ đồng cho đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và hạn, mặn. Qua đó, góp phần chia sẻ những khó khăn của đoàn viên, CNVCLĐ trong cuộc sống.

Ghi nhận những kết quả đạt được trong phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì; nhiều năm liên tục là đơn vị dẫn đầu Cụm thi đua Bắc sông Hậu và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, được Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND tỉnh Tiền Giang tặng Cờ thi đua xuất sắc. Riêng năm 2019, LĐLĐ tỉnh tiếp tục được Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam và UBND tỉnh Tiền Giang tặng Cờ thi đua xuất sắc. Đây là phần thưởng cao quý và sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước dành cho phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn tỉnh nhà.

LÝ OANH

.
.
.