Thứ Tư, 08/07/2020, 15:30 (GMT+7)
.

Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con

Năm 2006, Việt Nam đạt mức sinh thay thế với tổng tỷ suất sinh (mức sinh) mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con. Tại Tiền Giang, mức sinh giảm từ 1,92 vào năm 2011 xuống còn 1,87 vào năm 2016. Mức sinh thấp dưới 1,8 được nhiều nhà hoạch định chính sách quan tâm, bởi mức sinh thấp sẽ ảnh hưởng tới quá trình “già hóa dân số” nhanh và nguy cơ suy giảm dân số trong tương lai.

 Biểu đồ tổng tỷ suất sinh của Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2019
Biểu đồ tổng tỷ suất sinh của Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2019

HẬU QUẢ CỦA MỨC SINH THẤP

Năm 1961, khi dân số nước ta khoảng 30 triệu người, Chính phủ đã ban hành Quyết định về sinh đẻ có hướng dẫn (sau này gọi là kế hoạch hóa gia đình) với mục tiêu chính là giảm sinh. Sau hơn 50 năm thực hiện chính sách về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mức sinh (số con bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) từ 6 - 7 con vào những năm 1960 - 1970 giảm còn 2,33 con vào năm 1999 và đạt mức sinh thay thế 2,11 con vào năm 2006. Đến nay, đã có nhiều tỉnh, thành phố có mức sinh dưới mức sinh thay thế, thậm chí có mức sinh thấp. Tình trạng người dân đô thị sinh ít, người dân nông thôn sinh nhiều ngày càng rõ. Năm 2014, trong khi mức sinh cả nước là 2,09 con thì mức sinh tại một số khu vực rất thấp như: Khu vực thành thị 1,85; vùng Đông Nam bộ 1,56;  Đồng bằng sông Cửu Long 1,84 và một số thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh chỉ là 1,39. Tại Tiền Giang, mức sinh năm 2019 chỉ ở mức 1,72 con. Điều này tác động lớn đến các vấn đề về kinh tế, xã hội.

Tại Tiền Giang, số NCT tăng nhanh trong những năm gần đây. Hiện người trên 60 tuổi của tỉnh đang chiếm 13,11% dân số toàn tỉnh. Nhằm thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số”, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2018 - 2025 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số” góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT...

Mức sinh thấp trong thời gian dài gây ra tác động bất lợi lớn đến sự phát triển của quốc gia, hạnh phúc của mỗi người và an ninh quốc gia. Nếu nguồn nhân lực của một quốc gia giảm liên tục trong 30 năm hoặc lâu hơn thì năng suất lao động tăng thêm cũng không đủ khả năng bù đắp sự sụt giảm lực lượng lao động để đảm bảo duy trì mức tăng trưởng kinh tế hợp lý. Mặt khác, quỹ hưu trí quốc gia trở nên mong manh hơn và đối mặt với nguy cơ vỡ quỹ, mức sinh có khả năng không quay lại được mức sinh thay thế. Một quốc gia ngày càng nhỏ đi về quy mô dân số thì cuối cùng cũng giảm dần sức mạnh văn hóa, kinh tế và chính trị. Nếu nhận diện được các tác động bất lợi của tình trạng kéo dài mức sinh thấp đối với phát triển kinh tế, xã hội nhưng phản ứng chậm thì sẽ đạt kết quả thấp hoặc thậm chí không có kết quả. Do đó, cần tránh tình trạng mức sinh thấp.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao ở các nước phát triển và một số nước khác khi mức sống càng tăng lên thì mức sinh lại rất thấp? Thực chất là do các bất lợi đè nặng lên những người kết hôn và có con như nguy cơ mất việc sau khi sinh, chi phí học hành cao, các khó khăn về nhà ở, lo ngại về việc có con sẽ làm giảm thu nhập... đã khiến nhiều người “sợ” sinh con.

Phân tích trên cho thấy những hậu quả bất lợi của mức sinh thấp. Do đó, cần tuyên truyền vận động mỗi cặp vợ chồng nên có đủ 2 con, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 21 ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới với mục tiêu đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người…

VẤN ĐỀ “GIÀ HÓA DÂN SỐ”

“Già hóa dân số”, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) tăng là một thành tựu xã hội to lớn của loài người. Tuy nhiên, tỷ lệ NCT tăng sẽ tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ “già hóa dân số” nhanh nhất thế giới. NCT (từ 60 tuổi trở lên) tăng nhanh về số lượng và chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng số dân.

Năm 2011, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên ở Việt Nam chiếm 7% dân số, nước ta đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số”. Dự báo tỷ lệ người 60 tuổi trở lên ở nước ta sẽ là 30% - 35% vào năm 2050. Tốc độ “già hóa dân số” nhanh sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hệ thống an sinh xã hội, việc làm, tuổi nghỉ hưu, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống… Điều đó đặt ra yêu cầu phải xây dựng một xã hội thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số” của đất nước.

Trong đó, “già hóa dân số” là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế Việt Nam. Hiện nay, đời sống NCT trong nước còn khó khăn, 70% không có tích lũy vật chất, 62,3% gặp khó khăn, thiếu thốn. Sức khỏe NCT còn hạn chế. Tuy tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng gánh nặng bệnh tật của NCT Việt Nam cũng cao với khoảng 95% có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền (trung bình một NCT mắc gần 3 bệnh mãn tính); còn lại khoảng 5% có sức khỏe tốt.

Chi phí y tế cho NCT gấp 7 - 10 lần người trẻ. NCT sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc… trong khi khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho NCT còn hạn chế. Làm thế nào để giúp NCT tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe về thể chất và tinh thần phù hợp; phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm; biết tự chăm sóc thông thường đúng cách... đang trở thành một đòi hỏi cấp thiết nhằm góp phần giải quyết các yêu cầu và thách thức của xã hội ngày càng có nhiều NCT của nước ta.

MAI HÀ

.
.
.