Chuyện về nông dân vượt khó, "giữ lửa" hạnh phúc
Nhờ chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất lúa kém hiệu quả, gia đình chú Nguyễn Văn Linh (xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) đã vượt khó vươn lên, không chỉ là tấm gương trong phát triển kinh tế gia đình, mà còn xây dựng gia đình hạnh phúc và tích cực giúp đỡ người nghèo khó.
Vợ chồng chú Linh đang chăm sóc cha. |
CẦN CÙ, KIÊN TRÌ
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, từ nhỏ chú Nguyễn Văn Linh đã sớm quen với những vất vả, nhọc nhằn. Lớn lên chú quen biết cô Nguyễn Thị Kim Loan qua lời giới thiệu của người chị, từ đó cô chú tìm hiểu và nên duyên vợ chồng.
Dù siêng năng, chăm chỉ làm việc, nhưng cái nghèo vẫn luôn đeo bám gia đình chú. Sau 2 năm kết hôn, cô chú ra riêng được cha mẹ cho một nền nhà mở tiệm bán cà phê nhỏ.
Theo thời gian, mái ấm của cô chú lần lượt đón 3 thành viên mới ra đời, gánh nặng kinh tế gia đình ngày càng đè lên đôi vai của vợ chồng trẻ. Thấy con cơ cực, cha mẹ chú cho cô chú 4 công ruộng để canh tác.
Không muốn tương lai của các con vất vả như mình, cô chú quyết tâm cho con học chữ. Để nuôi dưỡng ước mơ ấy, ngoài việc canh tác 4 công ruộng của cha mẹ cho, cô chú còn làm thuê, vay ngân hàng 10 triệu để nuôi dê, bò, heo…
Ngoài ra, chú Linh còn nhận cung ứng cà phê cho các đại lý ở các huyện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận…
Đến năm 2017, thực hiện Đề án Chuyển đổi cây trồng của địa phương, cô chú đã tham quan, học hỏi các mô hình trồng dừa có hiệu quả và đã quyết định chuyển 4 công đất lúa sang trồng dừa xen ổi và nhãn.
Dù giai đoạn đầu cây trồng mới không cho hiệu quả như ý muốn vì chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc, nhưng cô chú vẫn không nản chí, giữ nguyên phương châm: “Không bỏ đất trống, lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lời” và cần cù lao động. Sau thời gian kiên trì với cây trồng mới, may mắn đã mỉm cười với cô chú khi các cây trồng bắt đầu cho năng suất cao.
Cùng với đó, các con vật nuôi bán được giá, kinh tế gia đình chú từ đó khởi sắc. Hiện tại, cô chú đã xây lại ngôi nhà khang trang. Ngoài 4 công đất cha mẹ cho, cô chú còn mua thêm khoảng 8,5 công đất để canh tác. Dù kinh tế đã khá hơn ngày trước rất nhiều, nhưng cô chú vẫn miệt mài lao động.
TÍCH CỰC LÀM THIỆN NGUYỆN
Như đáp lại sự nhọc nhằn, vất vả của cha mẹ, 3 người con của cô chú đều chăm ngoan và đã có việc làm ổn định. Nói về các con, cô Kim Loan mỉm cười hạnh phúc: “Dù vất vả đến đâu, vợ chồng tôi cũng chịu được, miễn là các con siêng năng, chăm chỉ học hành, giữ tròn hiếu đạo là đã không phụ tấm lòng mong mỏi của cha mẹ”.
Với vai trò là người giữ lửa trong gia đình, cô Kim Loan chia sẻ: “Tranh cãi trong cuộc sống vợ chồng là điều khó tránh khỏi, nhất là khi cuộc sống còn quá nhiều khó khăn. Nhưng những lúc như thế, cô chú luôn nhường nhịn nhau, hạ “cái tôi” của mình xuống để có thể giữ mái ấm gia đình”.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, cô chú còn tích cực trong việc làm thiện nguyện. Chú Linh chia sẻ: “Hiện tại, kinh tế gia đình cơ bản ổn định. Nhìn thấy những cảnh đời bất hạnh, nghèo khó, tôi nhớ cảnh khổ của gia đình khi xưa nên muốn chia sẻ một phần khó khăn với họ”.
Chia sẻ với những hoàn cảnh trên, chú Linh đến tận nhà những người nghèo, cơ nhỡ để trao những phần gạo nghĩa tình giúp họ vượt qua phần nào khó khăn.
Gia đình chú Linh là tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu, nuôi dạy các con chăm ngoan, hiếu thảo. Điều đáng học hỏi ở cô chú là sự cần cù, chịu khó, vươn lên có cuộc sống ổn định.
HOÀI THU - NHƯ NGỌC