Đất giồng ở Gò Công
Vùng duyên hải Gò Công (tỉnh Tiền Giang) được phù sa của sông Tiền bồi đắp đã tạo nên những vạt trầm tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển, dần dần hình thành giồng cát ven biển do những hạt cát nặng được lắng tụ ở vùng cửa sông. Cát trên đất giồng có màu vàng, vàng xám đến vàng nâu, là các dải đất hẹp, mang dấu vết của bờ biển từ xa xưa. Ở Gò Công, đất giồng bị lấp chìm dưới lớp đất phù sa, hay còn gọi là giồng chìm và chạy song song vùng ven bờ biển, như giồng Tân, giồng Lãnh, giồng Tháp, giồng Nâu...
Trồng dưa hấu trên đất giồng ở Gò Công. |
Đất giồng là nơi có địa hình tương đối cao hơn các vùng ven biển khác, dao động từ dưới 1 m đến xấp xỉ 4 m so với mực nước biển, nên thoát nước dễ dàng trong mùa mưa và dễ bị khô hạn vào mùa nắng. Tuy không phải là vùng đất màu mỡ, nhưng vùng đất giồng cát là nơi ít bị úng ngập và có nước ngọt, nhờ hiện diện các vỉa nước ngầm tầng nông lưu trữ nước mưa.
Thường thì, vùng đất giồng là nơi có mật độ dân cư tương đối cao, ngoài yếu tố là đất cư trú, hình thành các đình, chùa với kiến trúc đặc sắc, đây còn là nơi có sự đa dạng sinh kế cao, tồn tại nhiều hoạt động sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp khá đa dạng. Người dân sống ở vùng đất giồng cát ven biển đã có những kiểu thích nghi với biến đổi khí hậu rất sáng tạo, hình thành nhiều mô hình canh tác nông nghiệp và thủy sản khá đa dạng. Xung quanh nhà và ruộng, rẫy, người dân trồng cây ăn trái, hoa kiểng và chăn nuôi. Cái hay của dân ở đất giồng là sự chọn lựa kiểu canh tác đa canh. Họ dựa vào yếu tố kinh nghiệm thay đổi thời tiết, đất đai để chọn cây trồng cho phù hợp với thổ nhưỡng “đất giồng”.
LÊ HỒNG QUÂN