Hiệu quả tích cực từ một chính sách nhân văn
Sàng lọc trước sinh giúp phát hiện sớm khuyết tật ở thai nhi ngay giai đoạn bào thai và sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý di truyền ở trẻ sơ sinh.
Tiến bộ y học này đã không thể đến được với người nghèo nếu không có sự trợ giúp từ Nhà nước. Chính sách hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, cận nghèo thực hiện các biện pháp tránh thai; sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh là một chính sách nhân văn mang đến chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người khó khăn trong tỉnh.
Tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ . |
HIỆU QUẢ TÍCH CỰC
Ngày 17-7-2015, HĐND tỉnh Tiền Giang ban hành Nghị quyết 112 quy định về chính sách và kinh phí hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, cận nghèo thực hiện các biện pháp tránh thai; sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện Nghị quyết này, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch 193/2015 triển khai thực hiện hiệu quả chính sách nhân văn này.
Theo đó, người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu đã được hỗ trợ sử dụng miễn phí các dịch vụ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại: Đình sản, đặt vòng, thuốc tiêm, thuốc uống, bao cao su; sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh.
Cụ thể, trong 5 năm qua đã có gần 67.900 người dân được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 6,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương; trong đó, có trên 63.500 người thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, gần 400 người được sàng lọc trước sinh và gần 4.000 trẻ được sàng lọc sơ sinh.
Tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ . |
Tác động và hiệu quả của Nghị quyết đối với chất lượng công tác dân số là rõ rệt. Cụ thể, trước khi ban hành Nghị quyết 112, về mức sinh (số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ) là 1,89 con năm 2015. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 4,6%, đa số ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh; nhiều người sinh con thứ 3 trở lên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Về chất lượng dân số: Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh để phát hiện các dị dạng, dị tật, mắc các rối loạn di truyền ở thai nhi bằng cách sàng lọc trước sinh đạt 20,12%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh đạt 49,3%; trong đó đại đa số người thuộc hộ nghèo, cận nghèo không hoặc chưa thực hiện sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh do không có khả năng chi trả.
Sau khi ban hành Nghị quyết 112, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu quan trọng đến cuối năm 2019: Giúp giảm số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn, cụ thể số vị thành niên sinh con năm 2019 là 268 trường hợp (số liệu này năm 2015 là 510 trường hợp).
Mỗi năm có hàng ngàn nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; giảm số cặp tảo hôn; tỷ số giới tính khi sinh đạt 106,53 trai/100 gái sinh ra sống…
So sánh với trước khi thực hiện Nghị quyết 112, các chỉ tiêu dân số của tỉnh đã đạt rất tốt; trong đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm từ 4,6% xuống còn 3,59%, sàng lọc trước sinh tăng từ 20,12% lên hơn 61%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh tăng lên 88,83%.
KỲ VỌNG DUY TRÌ CHÍNH SÁCH
Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Tiền Giang Lê Trần Thu Thủy cho rằng, chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 112 mang tính nhân văn rất cao, đã hỗ trợ cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Sau 4 năm thực hiện, Nghị quyết 112 đã góp phần duy trì mức sinh phù hợp; tăng tỷ lệ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số ngay từ đầu đời; góp phần thực hiện sắp đạt một số mục tiêu (mức sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh) về dân số đến năm 2030.
Các chính sách của Nghị quyết 112 được sự đồng thuận và tham gia của đông đảo nhân dân; người dân tuyên truyền, vận động, hỗ trợ để người thuộc hộ nghèo, cận nghèo thực hiện chính sách. Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo rất vui, phấn khởi vì được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước; qua đó, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo ý thức và có trách nhiệm, tích cực thực hiện chính sách dân số.
Với những kết quả khả quan đạt được từ việc thực hiện Nghị quyết 112 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian qua, ngành Y tế kiến nghị HĐND tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện chính sách này. “Nếu được tiếp tục thực hiện Nghị quyết 112, chúng tôi đề nghị bổ sung thêm hỗ trợ cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo thực hiện các dịch vụ sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ 35 - 54 tuổi; khám sức khỏe tiền hôn nhân cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn nhằm góp phần ổn định quy mô; đồng thời, nâng cao chất lượng dân số của tỉnh” - bà Thu Thủy nói. |
Thuận lợi của việc thực hiện Nghị quyết 112 là cơ quan Y tế - Dân số các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung chính sách của Nghị quyết để người dân biết, thực hiện.
Các dịch vụ sàng lọc chẩn đoán trước sinh, sơ sinh được thực hiện ở tất cả các cơ quan y tế từ tuyến huyện trở lên, thuận tiện cho người dân. Tất cả viên chức thực hiện các dịch vụ này được cử đào tạo, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, kỹ năng tốt, tạo được niềm tin cho người dân tham gia thực hiện.
Các phương tiện tránh thai phi lâm sàng (thuốc viên, bao cao su…) được đội ngũ cộng tác viên dân số ấp (khu phố) cung cấp tận nhà hoặc tại địa bàn. Tổng cục DS-KHHGĐ vẫn tiếp tục cung cấp phương tiện tránh thai miễn phí cho người nghèo, cận nghèo.
Phương tiện tránh thai luôn sẵn có, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng của người dân. Việc theo dõi, giám sát được ngành chuyên môn (Chi cục DS-KHHGĐ) thực hiện thường xuyên, nên hầu hết đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo đều được hưởng các chính sách do Nghị quyết 112 ban hành.
Cái khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện chính sách là vẫn còn một số người thuộc hộ nghèo, cận nghèo chưa được hưởng chính sách hỗ theo Nghị quyết 112 do đi làm công nhân tại các khu công nghiệp.
Việc thực hiện các dịch vụ sàng lọc chẩn đoán trước sinh, sơ sinh, các biện pháp tránh thai lâm sàng (đặt vòng) phải thực hiện ngoài giờ và tại các cơ sở y tế tư nhân; trong khi các chính sách của Nghị quyết chỉ hỗ trợ cho các dịch vụ được thực hiện tại cơ sở y tế công lập có giá thu theo quy định của Nhà nước. Đây là những nguyên nhân khách quan.
MAI HÀ