Thứ Hai, 21/09/2020, 09:10 (GMT+7)
.
TIỀN GIANG:

Cù lao Ngũ Hiệp ngày nối với đất liền

Cầu Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) chính thức thông xe đáp ứng mong mỏi của người dân xã cù lao từ bao đời nay, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho xã Ngũ Hiệp và cả huyện Cai Lậy.

Dòng sông Năm Thôn chảy qua địa phận xã Ngũ Hiệp, chia cắt cù lao Ngũ Hiệp với tuyến giao thông quan trọng của huyện Cai Lậy và các vùng lân cận. Trung bình hằng năm, có khoảng hơn 460 ngàn tấn hàng hóa, hơn 5,5 triệu lượt người và khoảng 2,3 triệu lượt phương tiện qua lại phà Ngũ Hiệp.

Lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức thông xe cầu Ngũ Hiệp.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang thực hiện nghi thức thông xe cầu Ngũ Hiệp.

NIỀM MƠ ƯỚC BAO ĐỜI

Qua bao đời nay, người dân xã Ngũ Hiệp bị “cách trở đò giang” nên việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Cầu Ngũ Hiệp hoàn thành đưa vào sử dụng thỏa niềm mơ ước bao đời của người dân 2 bên bờ sông Năm Thôn.

Ngay sau khi lãnh đạo tỉnh Tiền Giang thực hiện nghi thức thông xe cầu Ngũ Hiệp, hàng ngàn người dân, phương tiện đã trải nghiệm cảm giác đi trên cây cầu mơ ước còn phảng phất mùi nhựa mới. Ai nấy cũng vui mừng, phấn khởi khi không còn gặp cảnh qua sông lụy đò.

Trải qua 80 năm đời người, ông Trần Hoàng Hùng (xã Ngũ Hiệp) đã chứng kiến sự đổi mới, phát triển của quê hương, đất nước. Có mặt tại Lễ thông xe cầu Ngũ Hiệp, ông Hùng cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho xã Ngũ Hiệp nhiều công trình giúp xã đạt chuẩn nông thôn mới với hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư, nâng cấp tạo thuận lợi cho người dân sinh hoạt, sản xuất… góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân.

Tuy nhiên, việc đi lại, lưu thông hàng hóa của người dân xã Ngũ Hiệp so với các địa phương khác vẫn còn nhiều khó khăn do đặc thù vùng cù lao. Chính vì thế, có một cây cầu kết nối vùng cù lao với đất liền là nhu cầu, niềm ao ước lớn nhất của người dân trong xã. “Từ nay, người dân trong xã sẽ không còn cảnh “ngăn sông, cách chợ”, con em chúng tôi được thuận lợi đến trường, hàng hóa nông sản sẽ được buôn bán, lưu thông với các địa phương khác thuận lợi hơn” - ông Hùng phấn khởi.

Và cắt băng thông xe cầu Ngũ Hiệp.
Cắt băng thông xe cầu Ngũ Hiệp.

 Cũng trong niềm vui chung của người dân trong xã, ông Ngô Quang Thỏa (xã Ngũ Hiệp) cho biết, cầu Ngũ Hiệp được xây dựng và đưa vào sử dụng là mơ ước lớn nhất của người dân nơi đây. Từ lâu, do không có cầu nên việc buôn bán trái cây, đặc biệt là sầu riêng và đi lại của người dân phải nhờ phà nên rất bất tiện. “Có cây cầu này người dân ở đây rất mừng. Đây là minh chứng cho sự phát triển của địa phương nói riêng và tỉnh nhà nói chung” - ông Thỏa chia sẻ.

Cầu Ngũ Hiệp  nhìn từ trên cao.
Cầu Ngũ Hiệp nhìn từ trên cao.

VÀ NHỮNG KẾ HOẠCH PHÍA TRƯỚC

Có thể nói, cầu Ngũ Hiệp không chỉ làm nhiệm vụ kết nối giao thông, mà còn giúp đổi thay vùng đất cù lao, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình, thời gian tới, bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý không để xảy ra các trường hợp xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, nhất là khu vực 2 đầu cầu Ngũ Hiệp, huyện sẽ tập trung xúc tiến mời gọi đầu tư, đảm bảo khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của xã, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập của người dân.

Qua đó, thúc đẩy sớm hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu theo lộ trình. Ngoài ra, để phát huy hơn nữa hiệu quả, giá trị của cầu Ngũ Hiệp, thời gian tới, UBND huyện Cai Lậy kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang, các sở, ngành liên quan quan tâm xem xét, đầu tư mở rộng đường tỉnh 868 để đảm bảo hệ thống giao thông đồng bộ, thông suốt cho trục giao thông kết nối với tỉnh Bến Tre. Đồng thời, xây dựng mới Bến phà Tân Phong - Ngũ Hiệp để kết nối tốt hơn nữa các điểm tham quan du lịch giữa 2 xã cù lao Tân Phong và Ngũ Hiệp.

Sáng 18-9, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ thông xe cầu Ngũ Hiệp trên đường tỉnh 868 thuộc huyện Cai Lậy. Đây là công trình chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang; Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang; Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang; lãnh đạo các sở, ngành và địa phương qua các thời kỳ cùng đông đảo người dân.

Cầu Ngũ Hiệp có tổng mức đầu tư hơn 169 tỷ đồng; phần cầu chính có chiều dài 285 m, gồm 7 nhịp, khổ cầu rộng 10 m; đường vào cầu dài 676,65 m, tải trọng thiết kế trục 10 tấn…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng, cầu Ngũ Hiệp là cây cầu cuối cùng trên đường tỉnh 868 kết nối giao thông từ tỉnh Long An về đến Bến phà Sơn Định đi tỉnh Bến Tre. Điều này góp phần làm giảm cước phí vận chuyển nông sản cho người dân trong vùng, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông liên hoàn các huyện phía Tây của tỉnh ra đến Quốc lộ 1 đi các tỉnh.

Đường tỉnh 868 có chiều dài trên 28 km đi qua cù lao Ngũ Hiệp với diện tích khoảng 2.700 ha, dân số trên 16.000 người. Đây là khu vực trồng nhiều cây trái đặc sản của tỉnh như: Chôm chôm, bưởi, chuối, mít…, đặc biệt là sầu riêng với khoảng 1.530 ha, sản lượng mỗi năm gần 49.000 tấn, mang lại giá trị kinh tế cao, đóng góp tích cực cho ngân sách tỉnh.

Với tầm quan trọng của cầu Ngũ Hiệp, đồng chí Trần Văn Dũng giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu mở rộng đường nối với cầu trên địa bàn xã Ngũ Hiệp; nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 868 đoạn từ UBND xã Ngũ Hiệp đến Bến phà Sơn Định; đầu tư các hạng mục công trình liên quan nhằm khai thác hiệu quả cầu Ngũ Hiệp.

Ngoài ra, để tận dụng tối đa hiệu quả của cầu Ngũ Hiệp mang lại, Sở Giao thông Vận tải phối hợp cùng UBND huyện Cai Lậy nghiên cứu lập lại quy hoạch giao thông trong khu vực để phát huy tính kết nối, hiệu quả.

M. THÀNH - L. MINH

.
.
.