.
HUYỆN CÁI BÈ:

Hiệu quả công tác giảm nghèo

Cập nhật: 10:09, 26/10/2020 (GMT+7)

Qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (gọi tắt là Chương trình), huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều khởi sắc, với diện mạo nông thôn từng bước đổi mới khang trang, đời sống người dân được cải thiện, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá. Đặc biệt, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở… của người nghèo ngày càng thuận lợi hơn.

KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Cái Bè, huyện đã hoàn thành các mục tiêu hoạt động và nội dung đề ra của Chương trình giai đoạn 2016 - 2020, với nhiều kết quả khả quan trong công tác giảm nghèo của địa phương. Tính đến tháng 3-2020, huyện Cái Bè có 1.938 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,45%). So với năm 2016, số hộ nghèo của huyện đã giảm 1.632 hộ và đang tiến dần đến hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 2% vào cuối năm 2020.

Tổ hợp tác đan lục bình xuất khẩu xã Tân Hưng tạo việc làm cho nhiều  lao động nghèo.
Tổ hợp tác đan lục bình xuất khẩu xã Tân Hưng tạo việc làm cho nhiều lao động nghèo.

Để đạt được những kết quả giảm nghèo, huyện Cái Bè đã triển khai đồng bộ  các chính sách giảm nghèo của Chương trình như hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ về giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi…, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nói chung và đảm bảo cuộc sống các hộ nghèo, cận nghèo nói riêng.

Thực tế 5 năm qua, huyện thực hiện chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi cho 1.259 lượt hộ nghèo, số tiền 34,588 tỷ đồng; 3.273 lượt hộ cận nghèo, số tiền 70,194 tỷ đồng); 1.122 lượt hộ vay thoát nghèo, số tiền 41,955 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ nhà ở cho 643 hộ nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 39.213 người nghèo và 78.362 cho người cận nghèo; hỗ trợ giá điện cho 13.088 hộ nghèo, với tổng kinh phí 24,470 tỷ đồng.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cái Bè cho biết, trong 5 năm qua, công tác giảm nghèo của huyện Cái Bè luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể; sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng nhân dân. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Chương trình từ huyện đến xã, thị trấn thường xuyên được củng cố, kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên bám sát mục tiêu hoạt động; đồng thời, triển khai, giải quyết đầy đủ các chương trình an sinh xã hội, các chế độ chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo.

Bên cạnh đó, các đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm có nhiều mô hình, hình thức giúp đỡ người nghèo phù hợp cũng như tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ, tạo động lực giúp họ vươn lên thoát nghèo.

Đơn cử như chị Lê Thị Trinh (xã Tân Hưng) không chỉ thoát nghèo, làm giàu cho bản thân mà hiện tại với vai trò là Chủ nhiệm Tổ hợp tác đan lục bình xuất khẩu xã Tân Hưng, chị đã góp phần tạo việc làm cho trên 800 lao động, có thu nhập ổn định. Ngoài ra, chị còn hỗ trợ chính quyền địa phương các chương trình an sinh xã hội, nhận đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nghèo thông qua nghề đan lục bình, với mức thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP GIẢM NGHÈO

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo cũng như thực hiện Chương trình của huyện Cái Bè còn gặp một số khó khăn nhất định. Trong đó, một số cán bộ chuyên trách công tác giảm nghèo xã thường xuyên thay đổi, trình độ chuyên môn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, huyện vẫn còn một số đối tượng chưa được tiếp cận với các thông tin về giảm nghèo, các dự án của Chương trình; chính sách ưu tiên hỗ trợ cho hộ thoát nghèo chưa nhiều. Ý thức tự lực vươn lên của một số hộ nghèo chưa cao, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Số lượng học viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tham gia các lớp dạy nghề nông thôn chưa nhiều…

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cái Bè Võ Phước Hòa Bình cho biết, để tháo gỡ những khó khăn trong công tác giảm nghèo, thời gian tới, huyện Cái Bè tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo nhằm góp phần thay đổi nhận thức về giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo. Huyện sẽ tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Chương trình và cộng đồng cho công tác giảm nghèo.

Đồng thời, huyện Cái Bè tập trung khai thác tiềm năng, tự lực của từng đối tượng được hỗ trợ; xây dựng những phương án nâng cao năng lực cho riêng từng đối tượng cụ thể. Hỗ trợ các hộ vừa thoát nghèo bằng những chính sách giảm nghèo theo hướng có điều kiện, có thời gian, có hoàn trả về đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở, sinh kế, vay vốn tín dụng ưu đãi...; nhân rộng các mô hình sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã đan - may thu hút lao động là hộ nghèo; tăng cường đào tạo nghề, hướng dẫn cách làm ăn để tự tạo việc làm và tìm việc làm phù hợp cho người nghèo.

Huyện Cái Bè tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo; tìm giải pháp và kế hoạch thoát nghèo cụ thể cho từng hộ nghèo, cận nghèo; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Quyết tâm đưa tỷ lệ hộ nghèo của địa phương xuống dưới 1,5%, đảm bảo thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng 1,5 lần.

TUẤN LÂM

.
.
.