.

Long Hưng ngày trở lại...

Cập nhật: 09:21, 21/10/2020 (GMT+7)

“Cầu Long Hưng thông xe được xem là sự kiện quan trọng của người dân trong khu vực. Từ nay người dân Long Hưng và các xã lân cận không còn chịu cảnh “qua sông phải lụy đò”, việc học hành của các cháu cũng như giao thương buôn bán cũng thuận lợi nên ai cũng vui mừng phấn khởi”- đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Mười (ấp Long Bình A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Cầu Long Hưng  trong ngày thông xe. Ảnh:  MINH THÀNH
Cầu Long Hưng trong ngày thông xe. Ảnh: MINH THÀNH

NIỀM VUI ĐƯỢC NỐI ĐÔI BỜ

Chúng tôi về lại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) vào một ngày đầu tháng 10, khi người dân nơi đây vẫn còn chưa hết nỗi hân hoan vì quê hương vừa thông xe chiếc cầu bắc qua kinh Nguyễn Tấn Thành nối liền 3 ấp bờ Tây với 6 ấp bờ Đông của xã.

Đây được xem là chiếc cầu mơ ước hằng chục năm qua của người dân xã Long Hưng. Hài lòng với những thay đổi của quê hương, cô Nguyễn Mỹ Vân cho hay, so với trước đây, nhất là khi có chủ trương xây dựng xã nông thôn mới, làng quê hôm nay đã khác xa lúc xưa. Không chỉ cảnh quan sạch đẹp; điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang, tiện ích, mà đời sống tinh thần của người dân cũng được quan tâm hơn trước rất nhiều.

Chỉ tay về phía cầu Long Hưng, cô Vân khoe: “Người dân trong xã rất mừng khi có cây cầu Long Hưng, nhất là chị em phụ nữ; bởi phụ nữ chân yếu tay mềm chạy xe qua phà khi nước ròng lo sợ lắm. Lúc trước mỗi khi muốn qua chợ trái cây Vĩnh Kim, tôi phải canh nước lớn mới dám đi, bây giờ có cầu Long Hưng rồi muốn đi lúc nào cũng được, cầu rộng rãi khang trang chạy xe êm mà an toàn nữa, các cháu học sinh chạy xe đi học cha mẹ cũng đỡ lo lắng. Mừng biết mấy!”.

Cầu Long Hưng thông xe đưa vào sử dụng
Cầu Long Hưng thông xe đưa vào sử dụng.

Cầu Long Hưng là một trong những công trình trọng điểm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nên thời gian qua lãnh đạo tỉnh cùng địa phương rất quan tâm chỉ đạo, chỉ sau thời gian ngắn thi công, ngày 27-8 cầu Long Hưng đã chính thức được thông xe.

Cầu được xây dựng nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông cho huyện Châu Thành và kết nối giao thông vùng Trung tâm với vùng phía Tây, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của tỉnh. Thật vậy, khi rong ruổi trên những cung đường ấp, liên ấp chúng tôi mới cảm nhận hết sự thay đổi của quê hương anh hùng. Cơ sở vật chất trường học, y tế được đầu tư hoàn chỉnh; đường làng, ngõ xóm được trải nhựa và bê tông hóa sạch đẹp, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

VÀ HƯỚNG VỀ PHÍA TRƯỚC

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Long Hưng Nguyễn Minh Huấn dẫn chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Mười, là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. Vừa rót trà, ông Mười vừa kể cho chúng tôi nghe chuyện làm nông nghiệp bây giờ so với 20 năm trước.

Ông Mười bảo, khoa học tiến bộ, nông dân áp dụng kỹ thuật trong trồng trọt vừa ít công lao động mà năng suất, sản lượng gia tăng. Với 15 công đất trồng bưởi, đây là nguồn thu chủ lực của gia đình, cho thu nhập cao hơn ngày trước rất nhiều. Không những vậy, bây giờ còn “ngon lành” hơn bởi cầu Long Hưng thông xe, nỗi lo lắng về vận chuyển trái cây, hàng hóa của nông dân đã được giải quyết.

Uống một ngụm trà, ông Mười nói tiếp, cầu Long Hưng là nỗi mơ ước không chỉ của người dân xã Long Hưng, mà cả những xã lân cận hàng chục năm qua. “Còn nhớ trước đây khi chưa có cầu, tôi chở trái cây qua chợ Vĩnh Kim bán bị té mấy lần, do ban đêm trời tối lên xuống phà khó khăn, cực khổ trăm bề. Không những vậy, giá bán trái cây của người dân bên đây kinh thấp hơn so với người dân phía bên chợ Vĩnh Kim, do chi phí vận chuyển, qua phà khó khăn. Cả chục năm rồi mơ ước của người dân giờ mới thành hiện thực. Giờ đường sá, cầu ngon lành, sung sướng như tiên” - ông Mười bày tỏ.

Long Hưng là xã thuần nông, có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, có tiềm năng phát  triển kinh tế theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và định hướng xa hơn là phát triển dịch vụ, thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Theo Hội Nông dân xã Long Hưng, hiện nay đa phần người dân đều biết chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nên đời sống người dân trong xã được cải thiện hơn trước. Thay vì trước đây người dân trồng rau mùi, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” mà thu nhập không bao nhiêu, hiện nay nhiều người mạnh dạn chuyển sang trồng giống mít siêu sớm hay trồng bưởi nên kinh tế khá hơn.

Đồng chí Nguyễn Minh Huấn cho biết, có thể nói dấu ấn của xã trong năm 2020 là việc cầu Long Hưng thông xe. Đây là bước ngoặt quan trọng để xã phát triển vươn lên. Xã Long Hưng có 9 ấp, 6 ấp ở bờ Đông, 3 ấp ở bờ Tây, khi chưa có cầu việc đi lại, giao thương phải qua phà rất vất vả, nên thiệt thòi so với những xã phía Tây.

Được sự quan tâm của cấp trên nên cầu Long Hưng đã được xây dựng. Đây là niềm phấn khởi, là tiền đề quan trọng để xã tiếp tục nỗ lực tập trung xây dựng hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới trong năm 2020 và phấn đấu xây dựng Long Hưng trở thành xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.

Chúng tôi tin rằng chiếc cầu ước mơ đã nối những bờ vui sẽ tiếp tục là động lực để Long Hưng phát triển, vươn xa.

GIA TUỆ

 

.
.
.