.

Ngày mới trên xã anh hùng

Cập nhật: 10:03, 12/10/2020 (GMT+7)

Với việc không còn cách trở đò giang, vùng đất gian khó nhưng rất đỗi anh hùng Bình Xuân (TX. Gò Công) chắc chắn sẽ tiếp tục “nở hoa” trong chặng đường mới.

Chen lẫn trong niềm vui chung trong ngày thông xe cầu Bình Xuân, ông Võ Văn Lập, một nông dân gắn bó cả đời trên mảnh đất anh hùng này, không khỏi xúc động, bùi ngùi.

Lãnh đạo tỉnh, địa phương và người dân trong ngày thông xe cầu Bình Xuân.
Lãnh đạo tỉnh, địa phương và người dân trong ngày thông xe cầu Bình Xuân.

KHÔNG CÒN CÁCH TRỞ ĐÒ GIANG

Chúng tôi biết Bình Xuân không chỉ qua lời kể, mà thông qua rất nhiều chuyến công tác trong những đợt cao điểm về hạn, mặn mỗi năm. Vùng đất này bao đời vẫn thế, nằm ở cuối nguồn của Ngọt hóa Gò Công, xã Bình Xuân luôn đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống.

Đó cũng là vùng đất từng chịu đau thương, mất mát trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh, là căn cứ của Tỉnh ủy Gò Công trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, để rồi sau đó được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đó cũng là vùng đất mà người dân luôn quyết tâm vươn lên mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Và có lẽ, ở đâu đó trong cảm nhận của mỗi người khi có dịp về vùng đất này là sự cần cù, chịu thương, chịu khó của người dân. Họ cũng sẵn sàng đóng góp những gì mình có khi địa phương cần. Việc triển khai xây dựng cầu Bình Xuân là một minh chứng như thế.

Chia sẻ với chúng tôi rằng, khi biết được chủ trương làm cầu và được sự vận động của các cấp chính quyền, ông Võ Văn Lập đã hiến 500 m2 đất để xây dựng cầu Bình Xuân. Đó gần như là toàn bộ tài sản của gia đình nhưng ông vẫn cảm nhận trong niềm vui rằng, công trình được hoàn thành mang lại niềm hân hoan, phấn khởi chung cho nhân dân trong và ngoài xã, là động lực để người dân phát huy tiềm năng đất đai, lao động xây dựng quê hương giàu đẹp.

Lãnh đạo tỉnh, địa phương và người dân trong ngày thông xe cầu Bình Xuân.
Lãnh đạo tỉnh, địa phương và người dân trong ngày thông xe cầu Bình Xuân.

Cũng mấy chục năm gắn bó, chứng kiến từng bước thăng trầm của mảnh đất anh hùng này, nhất là việc cách trở đò giang. Ông Nguyễn Long Đăng kể, xưa người dân muốn qua bên kia sông phải đi xuồng chèo, rồi đến đò máy, nay là phà sắt. Trong ký ức của người dân vùng đất anh hùng này, từ ngày thành lập làng Bình Xuân năm 1780 (đến nay tròn 240 năm), con sông Gò Công đã ngăn cách đôi bờ. Sông Gò Công xưa là thủy lộ chính lưu thông huyết mạch của sinh hoạt xứ Gò Công đi các nơi và cũng là đường ngăn bước tiến của giặc ruồng bố trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, khi Bình Xuân bên kia sông là căn cứ địa cách mạng. Xưa thuận lợi, nhưng từ ngày hòa bình lập lại đến nay đã 45 năm, việc ngăn cách của sông Gò Công có nhiều khó khăn cho sinh hoạt, đi lại của nhân dân trong và ngoài xã Bình Xuân. Vì lẽ đó, người dân xã Bình Xuân mơ ước có được một cây cầu bắc ngang để nối nhịp đôi bờ. Và nay, niềm mơ ước đó đã thành hiện thực.

Còn theo cảm nhận của ông Nguyễn Văn Danh, 61 tuổi, ấp 7, xã Bình Xuân: “Khi nghe Nhà nước có chủ trương bắc cầu Bình Xuân, tôi rất vui mừng và phấn khởi. Đây là điều mơ ước của người dân trong vùng từ lâu. Hôm nay, tôi được chứng kiến lễ thông xe, thấy được cầu Bình Xuân đã hoàn thành, rộng rãi, khang trang. Cầu Bình Xuân sẽ giúp cho người dân, học sinh đi lại dễ dàng, giúp người dân mua bán làm kế sinh nhai được nhanh chóng, gọn gàng, không còn cảnh đợi đò như xưa”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Xuân Huỳnh Hồng Huệ chia sẻ, xã có 9 ấp nhưng trước nay bị chia cắt làm 2 bởi sông Gò Công. Từ lâu rồi việc đi lại, mua bán của người dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, nhân dân khu Gò Công nói chung, Bình Xuân nói riêng mơ ước được Nhà nước xây dựng chiếc cầu để nối liền đôi bờ và hôm nay đã trở thành hiện thực.

“Đây là niềm vui, phấn khởi lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Xuân. Trong thời gian tới, cầu mới này sẽ tạo điều kiện cho Bình Xuân phát triển kinh tế - xã hội. Chiếc cầu góp phần giúp cho xã Bình Xuân gắn kết với các xã lân cận trong giao thương hàng hóa, tạo điều kiện để địa phương mời gọi doanh nghiệp đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển”.

CƠ HỘI MỚI

Cầu Bình Xuân, một trong những công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, không chỉ giúp cho người dân xã Bình Xuân mà còn mở ra cơ hội mới cho toàn vùng. Đề cập đến cơ hội mới này, Chủ tịch UBND TX. Gò Công Giản Bá Huỳnh cho rằng, TX. Gò Công được xác định là đô thị hạt nhân Vùng kinh tế - đô thị phía Đông, có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Để thật sự là đô thị hạt nhân các huyện phía Đông của tỉnh, trong những năm qua, Trung ương quyết định đầu tư nhiều dự án, công trình trọng điểm mang tính chất của vùng, liên vùng nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế cả vùng và của tỉnh nhà. Trong đó có những dự án, công trình đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng rất có hiệu quả như: Cầu Mỹ Lợi tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam như: Long An, TP. Hồ Chí Minh; Quốc lộ 50 được nâng cấp và mở rộng, mở mới đường tỉnh 873B đã tạo điều kiện phát triển Cụm công nghiệp Gia Thuận 1, 2 (huyện Gò Công Đông)... Và hôm nay, Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Bình Xuân đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Đồng chí Giản Bá Huỳnh cũng nhấn mạnh, Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Bình Xuân có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Sau khi công trình được hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng sẽ thay thế phà qua sông Gò Công tại xã Bình Xuân đã tồn tại hàng chục năm nay, rút ngắn được không gian và thời gian cho người dân qua lại, giao lưu, buôn bán, góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Bình Xuân và các xã phía Bắc TX. Gò Công, góp phần thay đổi diện mạo các xã nông thôn mới và hướng đến xây dựng các xã nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao trong những năm tiếp theo trong giai đoạn 2020 - 2025. 

Nhìn trên bình diện rộng hơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa cho rằng, cùng với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của khu vực Gò Công, thấu hiểu và chia sẻ với mong muốn, mơ ước của người dân, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 để định hướng đầu tư phát triển kinh tế vùng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng các cầu giao thông có tải trọng lớn, mang tính đột phá kết nối liên vùng. Cầu Bình Xuân được xây dựng là việc làm thiết thực, mang ý nghĩa kinh tế, chính trị quan trọng với việc kết nối liên kết vùng trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận. Đây là công trình thi công nhanh và điển hình về quản lý tiến độ. Cầu Bình Xuân đi vào khai thác, sử dụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giải quyết nút thắt giao thông đường tỉnh 873 kết nối với huyện Gò Công Tây, TX. Gò Công với tỉnh Long An và khu vực lân cận; không chỉ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông của huyện Gò Công Tây, TX. Gò Công mà còn kết nối giao thông liên vùng, kết nối với các khu, cụm công nghiệp và các khu vực khác trong tỉnh, tạo thuận lợi trong giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa trong khu vực. Lãnh đạo tỉnh cũng thống nhất đề nghị của Sở Giao thông Vận tải tiếp tục đầu tư để kết nối với tuyến Quốc lộ 50 trong giai đoạn 2021 - 2025…

Một Bình Xuân vốn rất nhiều khó khăn nhưng rất đỗi anh hùng đang đứng trước nhiều cơ hội mới. Ngày mới của xã anh hùng cũng sẽ bắt đầu dựa trên nền tảng như thế...

ANH PHƯƠNG - MINH THÀNH

 

.
.
.