.

Về một Chương trình đong đầy tình nghĩa

Cập nhật: 14:41, 07/10/2020 (GMT+7)
(ABO) Với các hoạt động hỗ trợ đa dạng, thiết thực, bám sát nhu cầu… Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 - 2020 (gọi tắt là Chương trình) giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tình Tiền Giang và LHPN tỉnh Bình Phước đã lan tỏa sâu rộng, giúp nhiều phụ nữ, trẻ em nghèo xã biên giới Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước vươn lên ổn định cuộc sống.
 
Hội LHPN Tiền Giang trao xe đạp cho các em tại lễ ký kết năm 2018.
Hội LHPN tỉnh Tiền Giang trao xe đạp cho các em học sinh vượt khó học giỏi của xã Phước Thiện, tỉnh Bình Phước tại Lễ ký kết phối hợp thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" năm 2018.
 
NHIỀU HOẠT ĐỘNG THIẾT THỰC
 
Chia sẻ về Chương trình, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Đoàn Thị Thanh Khỏi cho biết: “Trên cơ sở Chương trình đã ký kết, hằng năm, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đều xây dựng kế hoạch hỗ trợ, thường xuyên liên lạc với Hội LHPN tỉnh Bình Phước và Hội LHPN xã Phước Thiện để nắm bắt nhu cầu, hoàn cảnh cụ thể của người dân để có phương thức hỗ trợ hiệu quả nhất”.
 
Cụ thể, năm 2018 thực hiện chương trình ký kết, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đã trao 20 suất học bổng, 20 xe đạp cho các em học sinh vượt khó học giỏi; trao 6 con dê giống cho 2 hội viên phụ nữ nghèo xã Phước Thiện. Năm 2019, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, học sinh nghèo của xã Phước Thiện như trao 15 suất học bổng, bồn chứa nước sạch cho Trường Tiểu học Phước Thiện; 4 máy phát cỏ; 8 con dê giống cho các hộ phụ nữ nghèo.
 
Hỗ trợ phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo Phước Thiện năm 2019.
Hội LHPN tỉnh Tiền Giang hỗ trợ phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo xã Phước Thiện, tỉnh Bình Phước năm 2019.
 
Năm 2020, cán bộ Hội LHPN và lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang tiếp tục đến với phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của xã biên giới Phước Thiện để trao 10 suất học bổng và 1 mái ấm tình thương. Chủ tịch Hội LHPN huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang Đặng Thị Minh Khai chia sẻ: “Dù phải ngồi xe gần 7 giờ đồng hồ đi từ tỉnh Tiền Giang đến xã Phước Thiện, tỉnh Bình Phước nhưng khi đến nơi thăm hỏi, tận tay trao những phần quà cho các em học sinh, những phụ nữ nghèo của xã, bản thân cũng như các chị em trong đoàn dường như không còn thấy mệt mỏi mà thay vào đó là niềm vui, hạnh phúc khi đã góp một phần nhỏ trong việc giúp đỡ cho phụ nữ, trẻ em nghèo nơi vùng biên giới”. 
 
Trao học bổng cho học sinh xã Phước Thiện năm 2020.
Hội LHPN tỉnh Tiền Giang trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi của xã Phước Thiện, tỉnh Bình Phước năm 2020.
 
ĐONG ĐẦY NHỮNG NGHĨA TÌNH
 
Con đường dẫn vào ấp Điện Ảnh, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước không phải quá khó đi nhưng cũng đủ làm cho lưng áo của mỗi thành viên trong đoàn thấm ướt mồ hôi giữa tiết trời nắng nóng gay gắt của vùng biên cương này.
 
Đôi vợ chồng trẻ hiền lành Thiện Nam và Đặng Thị Hoài đón chúng tôi trong niềm vui, mến khách. Anh Thiện Nam là người dân tộc S’Tiêng, không nói được tiếng Kinh chỉ thể hiện niềm vui, hạnh phúc qua tiếng cười khi được Đoàn công tác tỉnh Tiền Giang đến trao mái ấm tình thương và những phần quà cho gia đình.
 
Còn chị Hoài xúc động chia  sẻ: “Đến giờ vợ chồng em cũng không thể tin là gia đình có được căn nhà mới, khang trang. Vợ chồng em cảm ơn Hội LHPN tỉnh Tiền Giang, Hội LHPN tỉnh Bình Phước và lãnh đạo xã Phước Thiện đã giúp đỡ gia đình em có được căn nhà mới, ổn định cuộc sống, có điều kiện chăm lo cho các con tốt hơn và phấn đấu thoát nghèo”.
 
Từ 14 con dê giống do Hội LHPN tỉnh Tiền Giang hỗ trợ, sau 2 năm nhân lên 35 con và đã xuất bán 17 con đem lại thu nhập cho các hộ phụ nữ nghèo xã Phước Thiện gần 50 triệu đồng. Chị Mông Thị Bền, ấp Điện Ảnh, xã Phước Thiện vui mừng cho biết: “Năm trước, tôi được Hội LHPN tỉnh Tiền Giang trao tặng 2 con dê giống. Dê sinh sản tôi bán được 2 con dê con; hiện còn 2 con dê trong chuồng đang mang bầu. Tiền bán dê tôi dùng mua gạo và đóng tiền học phí cho con. Nuôi dê cũng không khó, chỉ cần tận dụng các loại cây cỏ quanh nhà để làm thức ăn cho dê là được. Do đó, việc hỗ trợ dê giống cho phụ nữ nghèo phát triển kinh tế gia đình là rất hiệu quả".
 
Chị Mông Thị Bền chăm sóc 2 con dê đang mang bầu.
Chị Bền chăm sóc 2 con dê đang mang bầu.
 
Được biết, xã Phước Thiện, tỉnh Bình Phước có hơn 20 km đường biên giới với Campuchia, chủ yếu đất lâm nghiệp và đất trồng cao su do nhà nước quản lý. Xã có tới 9 thành phần dân tộc, 4 thành phần tôn giáo... nên còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện xóa khó giảm nghèo.
 
Hội LHPN Tiền Giang tặng quà lưu niệm cho Hội LHPN Bình Phước, UBND xã Phước Thiện và Hội LHPN xã Phước Thiện.
Hội LHPN tỉnh Tiền Giang tặng quà lưu niệm cho Hội LHPN tỉnh Bình Phước, UBND và Hội LHPN xã Phước Thiện.
 
Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Thiện Nguyễn Đức Lê phấn khởi: “Xác định rõ những khó khăn, thách thức, trong những năm qua, Đảng ủy xã Phước Thiện đã ban hành các nghị quyết chuyên đề triển khai các dự án xóa khó giảm nghèo… với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có các cấp Hội LHPN địa phương. Đặc biệt, trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ gần 200 triệu đồng; Bộ đội Biên phòng, các cấp Hội LHPN tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho phụ nữ, trẻ em nghèo xã nhà”.
 
Hội LHPN tỉnh Bình Phước trao thư cảm ơn cho Hội LHPN và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tiền Giang.
Hội LHPN tỉnh Bình Phước trao Thư cảm ơn cho Hội LHPN và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang.
 
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Phước Nguyễn Thị Hằng Nga cho biết: “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là chương trình mang ý nghĩa thiết thực. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói chung và xã Phước Thiện nói riêng, nhiều gia đình phụ nữ sống ở vùng biên giới đã có nhà ở kiên cố, cuộc sống dần ổn định và tập trung vào phát triển kinh tế. Hy vọng với sự đồng hành của cả cộng đồng sẽ tạo thêm động lực cho những phụ nữ nghèo vùng biên giới xa xôi bớt đi phần nào những khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống”.
 
Với thông điệp đầy nhân văn, đong đầy nghĩa tình của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã góp phần rút dần khoảng cách chênh lệch giữa vùng núi, biên giới với đồng bằng, từng bước giữ gìn, bảo vệ và xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh.
LÊ PHƯƠNG
 
 
.
.
.