Thứ Bảy, 14/11/2020, 12:02 (GMT+7)
.

Chuyện về những người sửa quần áo, giày dép

Giữa cuộc sống hiện đại và đầy đủ tiện nghi như hiện nay, nhiều vật dụng, phụ kiện bị hư hỏng sẽ dễ dàng thay thế bằng những sản phẩm mới và tiện dụng hơn. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những người hằng ngày cần mẫn bên chiếc máy may chỉnh sửa từng cái áo, chiếc quần theo yêu cầu của khách hàng. Hay ở những góc đường nhộn nhịp, có những người miệt mài “hô biến” những đôi giày dép sờn cũ trở nên lành lặn.

1. Theo người dân TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, khu phố sửa quần áo trên đường Lê Đại Hành, phường 1 đã hình thành trên 30 năm. Trước năm 1975, tuyến đường này tập trung rất nhiều tiệm may quần áo. Song theo thời gian, nghề may quần áo gặp không ít khó khăn, khi ngành may mặc ngày càng phát triển với đa dạng mẫu mã quần áo được bày bán trên thị trường. Chính vì thế, những thợ may truyền thống tại khu phố này phải chuyển sang nghề sửa quần áo để phù hợp với những thay đổi của cuộc sống mà vẫn đảm bảo thu nhập.

Gia đình bà Trọng gắn bó với nghề sửa quần áo từ hàng chục năm qua.
Gia đình bà Trọng gắn bó với nghề sửa quần áo từ hàng chục năm qua.

Dù làm việc ở một trong những nhà may quần áo khá nổi tiếng tại TP. Mỹ Tho vào khoảng năm 1975, nhưng những thợ may của nhà may Xuân cũng không thể trụ nổi với nghề may quần áo mà phải chuyển sang nghề sửa quần áo từ gần 30 năm qua.

Bà Phạm Thị Trọng (80 tuổi) chủ nhà may Xuân cho biết: “Tôi làm thợ may, sửa quần áo gần 50 năm trên con đường Lê Đại Hành. Chính sự phát triển của ngành may mặc với nhiều sản phẩm quần áo đa dạng khiến cho người thợ may không thể trụ với nghề. Vì vậy, muốn tiếp tục mưu sinh với chiếc máy may thì phải chuyển sang sửa quần áo cũ hoặc quần áo may sẵn theo yêu cầu của khách hàng để đảm bảo cuộc sống”.

 
Tôi rất quý những người mang quần áo cũ đi sửa, bởi tình cảm của họ đối với món đồ tuy đã cũ nhưng vẫn lưu luyến không nỡ bỏ đi. Đặc biệt là đối với những người lao động, họ cũng đi làm thuê kiếm tiền mưu sinh nên tôi chẳng nề hà khi đính giùm họ cái nút áo bị đứt, vá lại chiếc áo hay may lại đường chỉ bị sứt của những cái áo đã sờn vai, ấy vậy mà người thợ sửa quần áo thấy vui trong lòng. Làm đẹp không chỉ có làm từ cái mới mẻ nhất, mà làm đẹp còn chính từ những đồ dùng còn hữu ích…
 
PHẠM THỊ TRỌNG, CHỦ NHÀ MAY XUÂN CHIA SẺ.

Nói về nghề sửa quần áo, chị Lai Thị Kim Xuân, một thợ sửa quần áo lâu năm trên đường Lê Đại Hành cho rằng: “Sửa quần áo là một nghề đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ và cả sự thẩm mỹ. Mặc dù sửa theo ý khách nhưng không được làm mất đi phom ban đầu của quần áo, nhất là đối với những chiếc đầm, váy.

Sửa không khéo mất hết kiểu dáng thì không chỉ đền tiền mà còn mất khách. Mỗi nhãn hàng may mặc có mẫu mã, phom quần áo khác nhau, trong khi người thợ thì sửa quần áo của các nhãn hàng may mặc theo vóc dáng yêu cầu người mặc, do đó cần phải khéo tay, tinh mắt để không mất đi những nét riêng của các nhãn hàng”.

Còn theo chị Nguyễn Thị Kim Uyên (tiệm may Thanh, trên đường Lê Đại Hành), người gắn bó với nghề may, sửa quần áo gần 20 năm, thì nghề sửa quần áo hiện nay không quá đắt cũng không ế, đôi khi chỉ là sửa những thứ lặt vặt như lên lai áo, thay nút áo, dây kéo… nhưng vẫn mang lại nguồn thu nhập cho người thợ. “Khách còn nhu cầu thì mình vẫn còn làm và kiếm sống được, nhất là những dịp cuối năm cũng kiếm được bộn tiền” - chị Uyên nói thêm.

Nghề sửa quần áo không chỉ dành cho phụ nữ mà có cả nam giới làm nghề. Hai anh em Lai Đức Đạt và Lai Đức Hưng (đều là con bà Trọng, chủ nhà may Xuân), tuy là đàn ông nhưng 2 anh rất khéo trong việc may vá. Vừa thay dây kéo cho khách, anh Đạt cho biết, anh học may từ năm 14 tuổi, rồi làm nghề sửa quần áo ở tiệm may Thời Đại, sau đó về phụ mẹ và anh chị sửa quần áo cho đến nay. Có khi tiệm mở cửa từ sáng tới tối, đôi khi quần áo nhiều phải làm cả đêm khuya. Ngoài việc sửa lại quần áo cho đẹp, thì tiền công phải rẻ và cần nhất là đúng hẹn để giữ được khách.

Còn anh Nguyễn Lâm Toàn Phúc, tiệm may Châu Toàn chia sẻ: “Đã chấp nhận làm nghề sửa quần áo thì phải chiều theo ý khách từ những yêu cầu đơn giản như đóng nút quần jean, kaki, lên lai quần áo, thay dây kéo đến những chỉnh sửa phức tạp như bóp lại phần eo, ngực áo, sửa cổ áo… người thợ phải sửa thật khéo léo. Nếu như nghề may yêu cầu khắt khe và độ khó ví như “làm dâu trăm họ”, thì công việc sửa quần áo cũng đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ không kém”.

Tuy không là người thợ chính tư vấn, vẽ kiểu và may đồ cho khách hàng, song đối với những người thợ sửa quần áo làm nghề là phải tỉ mỉ, cẩn thận từng đường kim, mũi chỉ. Khách sửa quần áo ai cũng có tâm lý muốn nhanh, đẹp và rẻ nên người thợ phải nắm bắt được tâm lý này để làm tốt công việc. Ngoài ra, người thợ phải biết tư vấn cho khách hàng nên sửa thế nào cho vừa đẹp, vừa phù hợp; qua đó khẳng định “tay nghề” thì mới trụ được với nghề.

2. Làm nghề trên đường Lê Lợi, TP. Mỹ Tho đông đúc người qua lại, những người thợ sửa giày dép bất kể trời mưa hay nắng vẫn miệt mài cắt gọt từng miếng da (phụ liệu để sửa giày dép), tỉ mỉ từng đường keo, mũi chỉ, đánh bóng tân trang “hô biến” đôi giày cũ sờn trở lại như mới. Chính sự tận tâm của những người thợ làm nghề sửa giày dép mà khách sửa lâu ngày thành mối quen, có nhu cầu lại ra góc đường, con hẻm để tìm…

Chị Mai và chị Trúc gắn bó với nghề sửa giày dép gần 30 năm qua.
Chị Mai và chị Trúc gắn bó với nghề sửa giày dép gần 30 năm qua.

Không cửa tiệm, không bảng hiệu, chỉ một chỗ ngồi nhỏ trên góc đường Lê Lợi, nhưng chỗ sửa giày dép của hai chị em Nguyễn Thị Phương Mai và Nguyễn Thị Phương Trúc được rất nhiều người biết đến. Đang may lại đôi giày cho khách dưới cái nắng trưa gay gắt, chị Trúc cho biết: “Nghề này do mẹ chị truyền lại, làm riết thành quen nên giày dép nào hư cũ mà khách đem đến cũng nhận sửa hết”.

Chính nghề sửa giày dép đã nuôi lớn cả gia đình chị Trúc từ mấy chục năm qua nên giờ đây cả hai chị em chị Trúc vẫn bám trụ với nghề. Hằng ngày, chị Trúc và chị Mai bắt đầu công việc sửa giày dép từ khoảng 8 giờ cho đến tận chiều tối.

Theo chị Mai, để sửa lại chiếc giày bị mòn gót, bên cao, bên thấp thì trước tiên, chị gọt chiếc giày, chà cho thật sạch bụi, rồi cắt một miếng cao su, phết keo lên và dán dính vào bên chiếc giày bị mòn để tạo sự cân bằng. Chị Mai còn dùng con dao nhỏ cắt, gọt, tỉa phần cao su vừa dán dính, ngắm lại kỹ càng rồi tiếp tục cắt một miếng cao su khác, phết keo dán dính vào toàn bộ phần gót và dùng keo dán cho thật chặt phần đế với phần thân giày. Chỉ sau vài công đoạn đơn giản, chị Mai đã làm cho chiếc giày bị mòn gót phẳng lì, trở lại bình thường.

Đối với chị Mai ngoài thu nhập từ tiền công sửa giày dép mang lại thì sự vui vẻ, hài lòng của khách hàng khi đón nhận đôi giày hư cũ tưởng chừng đã vứt đi lại có thể trở thành như mới, chính là niềm vui, động lực để chị tiếp tục gắn bó với nghề.

Hằng ngày, chị Hạnh vẫn miệt mài sửa giày dép để có thu nhập lo cho các con.
Hằng ngày, chị Hạnh vẫn miệt mài sửa giày dép để có thu nhập lo cho các con.

Là phụ nữ không ngại ngồi dưới cái nắng nóng, khói bụi, chị Nguyễn Hồng Hạnh, người có trên 30 năm làm nghề sửa giày dép chia sẻ: “Khi chồng mất, một mình tôi phải gồng gánh nuôi 3 đứa con và cũng chính nhờ nghề sửa giày dép đã giúp tôi có thu nhập để nuôi con. Đây còn là nghề cha truyền con nối nên tôi vẫn quyết tâm theo nghề cho dù vất vả, tay chân lúc nào cũng dính đầy keo, bụi bám nhưng vẫn thấy vui với công việc mình đã chọn”.

Anh Hải cẩn thận sửa lại đôi giày cho khách.
Anh Hải cẩn thận sửa lại đôi giày cho khách.
 
Trên địa bàn phường 1, TP. Mỹ Tho hiện có khoảng 10 hộ làm nghề sửa quần áo và 4 hộ làm nghề sửa giày dép. Thời gian qua, Đảng ủy, UBND, các đoàn thể phường 1 luôn tăng cường công tác tuyên truyền giữ gìn an ninh trật tự, tạo điều kiện cho các hộ gắn bó với nghề như tạo nguồn vốn vay khởi nghiệp của thanh niên, phụ nữ… Qua đó, giúp các hộ gắn bó với nghề, tạo việc làm, thu nhập, cải thiện cuộc sống; đồng thời, góp phần giữ gìn nét đẹp bình dị của những nghề truyền thống.
 
BÍ THƯ ĐẢNG ỦY, CHỦ TỊCH UBND PHƯỜNG 1 HỒ VĂN BÁ

Còn anh Trần Hoàng Hải, một người thợ sửa giày dép vừa thoăn thoắt đánh bóng đôi giày cho khách vừa trải lòng: “Dù sửa giày dép mưu sinh trên vỉa hè, đường phố nhưng đây là nghề mang lại thu nhập khá ổn định cho những người thợ làm nghề. Nghề này cũng như bao nghề khác, phải học mới làm được”.

Theo anh Hải, mỗi đôi giày dép sẽ có cách sửa khác nhau, không ai học được ai và trong sách vở cũng không có. Thế nên người thợ càng làm nhiều thì càng có kinh nghiệm. Khi sửa giày dép, người thợ cần phải có sự sáng tạo thì sản phẩm mình sửa mới hoàn thiện. Đặc biệt là chú ý trả giày dép đã sửa đúng hẹn cho khách, giữ uy tín để sống lâu với nghề.

Nhiều khách hàng đến sửa giày dép cho biết, từ rất lâu họ đã quen với hình ảnh những người thợ sửa giày dép trên đường Lê Lợi. Những người thợ sửa giày dép ở đây rất có tâm, luôn sửa đẹp, bền và giả cả phải chăng. Đôi khi có những đôi giày kỷ niệm qua năm tháng bị hư, song khách hàng không đành lòng đem bỏ đi mà nhờ đến đôi bàn tay khéo léo của những người thợ sửa giày dép mà họ còn lưu giữ mãi kỷ niệm…

LÊ PHƯƠNG

.
.
Liên kết hữu ích
.