.

ĐBSCL: Thiếu phù sa, sụp lún, sạt lở, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng hơn

Cập nhật: 10:58, 12/11/2020 (GMT+7)

PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường ĐH Cần Thơ) cảnh báo: "Cùng với việc các nước thượng nguồn xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên dòng Mê Công tạo ra mối lo ngại: suy giảm phù sa, sụp lún đồng bằng, sạt lở bờ sông, bờ biển; gia tăng xâm nhập mặn, hạn hán nghiêm trọng hơn… Những tác động này kéo theo hệ lụy như: Rối loạn hệ thống sinh thái, phù sa không còn bồi đắp, suy thoái đất, sản xuất nông nghiệp giảm năng suất, ô nhiễm, tù đọng…".

Ngày 12-11, tại Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo "Tham vấn về quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" với chuyên đề Nước - định hướng chiến lược cho vùng ĐBSCL.

Tham dự hội thảo có đại diện một số bộ ngành, các tỉnh ĐBSCL, các nhà khoa học trong vùng.

a
Quang cảnh hội thảo

“ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức như việc khai thác, sử dụng nước quá mức đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn vào sâu nội đồng. Đặc biệt, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, mất cân bằng sinh thái, sụp lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt ở các đô thị… ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống người dân”, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận khá sâu về hiện trình và định hướng quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở vùng ĐBSCL.

a
Sạt lở đê biển ngày càng nghiêm trọng ở bán đảo Cà Mau

Theo đó, tổng lượng dòng chảy thượng nguồn về ĐBSCL trung bình năm 475 tỷ m3 (mùa mưa 76%, mùa khô 24%). Tổng lượng phù sa 150 triệu tấn/năm. Nước lũ mang phù sa từ dòng chính và vùng ngập Campuchia chảy vào bồi đắp cho đồng bằng.

Nước được trữ lại tại Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, nước ngọt đẩy ranh mặn sát về phía biển. Tuy nhiên, nhiều tác động từ việc các đập thủy điện xây dựng trên dòng Mê Công đã làm “đảo lộn” hệ sinh thái vùng ĐBSCL.

a
Bỏ sản xuất lúa vụ 3 là cách tốt nhất khôi phục không gian trữ lũ

PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường ĐH Cần Thơ) cảnh báo: “Nước ở tầng nông đã bị cạn kiệt, ô nhiễm, các tầng nước sâu được khai thác chủ yếu nhưng nước ở tầng sâu khó được tái bổ cập bằng nguồn nước mặt dễ dẫn đến rủi ro cạn kiệt. Hiện trạng tổng lượng nước ngầm khai thác trên 2 triệu m3/ngày được đánh giá là đang khai thác quá mức, có thể dẫn tới sụp lún ở ĐBSCL. Cùng với việc các nước thượng nguồn xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên dòng Mê Công tạo ra mối lo ngại: suy giảm phù sa, sụp lún đồng bằng, sạt lở bờ sông, bờ biển; gia tăng xâm nhập mặn, hạn hán nghiêm trọng hơn… Những tác động này kéo theo hệ lụy là: Rối loạn hệ thống sinh thái, phù sa không còn bồi đắp, suy thoái đất, sản xuất nông nghiệp giảm năng suất, ô nhiễm, tù đọng…

PGS.TS Lê Anh Tuấn đề xuất: Để quản lý hạ tầng ngành nước trong quy hoạch vùng ĐBSCL cần phân vùng quản lý. Chia vùng ĐBSCL thành ba tiểu vùng: Vùng nước ngọt - lùi vùng nước ngọt vào khu vực an toàn tự nhiên, không can thiệp; vùng chuyển tiếp - chấp nhận ngọt - mặn theo mùa, chỉ điều tiết không ngăn mặn; vùng mặn - tuần hoàn nước biển, phát triển thủy sản và phục hồi sinh thái. Đê bao khép kính dẫn đến thoái hóa đất. Trong đó, cần phục hồi không gian hấp thu lũ, tăng diện tích thủy sản nước ngọt. Bỏ lúa vụ 3, xả lũ vào ruộng, phát triển sinh kế dựa vào lũ.

“Việc giải quyết các vấn đề của ĐBSCL cần phải đặt trên quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở xử lý đồng bộ bài toán tổng thể với một tầm nhìn dài hạn. Cần lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển”, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.